Thứ tư, 16/3/2022, 08:48 (GMT+7)

Vườn hoa 300 m2 nở bốn mùa của thạc sĩ kinh tế

Nhờ làm vườn, chị Dung được thư giãn, học tính kiên nhẫn và dạy con biết yêu thiên nhiên từ bé.

Chủ nhân của vườn hoa nở bốn mùa là chị Dung (tên thường gọi: Hanni Dee), thạc sĩ kinh tế, đang làm việc trong lĩnh vực tài chính, sống tại thành phố miền nam nước Đức.

Con gái chị Dung đi dạo trong vườn. Khu vườn 300 m2 vào mùa xuân có hoa bạch tử đằng, hoa tử đinh hương, hoa mẫu đơn, tulip; mùa hè có hoa hồng; mùa thu có cây phong lá đỏ Canada và Nhật; mùa đông lấp lánh hoa tuyết trên rặng thông xanh.

Chị Dung nói về lý do thích làm vườn: 'Cả hai vợ chồng tôi đều làm việc liên quan đến các con số và vườn là nơi giúp làm cân bằng mọi nhiễu loạn trong đầu, dịu tâm hồn, giúp tôi nạp năng lượng sau những bộn bề, lo toan, căng thẳng của cuộc sống'. Do vậy, cả nhà chị cùng làm vườn, coi đó là sở thích chứ không phải là công việc, coi trọng niềm vui là chính.

Chị Dung gặp nhiều thuận lợi khi làm vườn vì khí hậu ôn đới ở đây thích hợp cho trồng trọt. 'Tuy nhiên, muốn trồng cây gì, bạn cũng phải dành thời gian cho nó', chị nói. Chị Dung 'chăm hoa như chăm con' để cây tươi tốt. Vào mùa hè, chị cho cây 'uống' nhiều nước và đắp rơm rạ, lá khô lên rễ cây như đắp chăn để cây tránh rét vào mùa đông tuyết rơi.

Để chuẩn bị cho hoa hồng nở rộ vào tháng 6, từ khoảng tháng 3-4, lúc trời ấm, chị Dung bắt đầu bón phân để cây có sức trổ hoa. Sau khi hoa nở đợt một, chị cắt hoa tàn, bón phân để hoa có sức trổ bông đợt hai vào tháng 8.

Vì hoa hồng dễ gặp sâu bệnh nên chị Dung chú trọng chọn giống cây khỏe ngay từ ban đầu. 'Nhưng tất nhiên, trồng cây không thể tránh được hoàn toàn lúc cây bệnh. Những lúc ấy, tôi buồn và thương cây lắm. Tôi buộc phải cắt hết lá bệnh, đợi cây tự chống chọi bệnh trước. Sau đó, tôi sẽ thử những dung dịch pha từ nguyên liệu có sẵn trong nhà bếp như nước rửa bát, baking soda để diệt bọ trĩ. Tôi cũng sử dụng dầu neem - một loại thuốc xịt trị bọ trĩ hiệu quả', chị cho biết.

Khi hoa nở liên tục, chị Dung thường cắt hoa đem vào nhà cắm khắp nơi để làm đẹp không gian sống. Nếu hoa rụng cánh, chị thả vào bồn để các con tắm. 'Vào mùa hoa tới, nếu có thêm thời gian, tôi sẽ thử phơi khô hoa làm trà uống hoặc làm nước hoa hồng', chị cho hay.

Làm vườn, chị Dung học được tính kiên nhẫn khi chờ đợi từ lúc cây chỉ là những bộ rễ phát triển dần đến những mầm lá, ra nụ, trổ hoa. 'Và tôi là một người mẹ nên tôi cần lòng kiên nhẫn lắm để đồng hành cùng hai bạn bé', chị bổ sung.

Còn hai bé nhà chị Dung biết yêu thương những mầm cây từ khi mới nhú. Hai em ra vườn hàng ngày sau khi đi học về để ngó cây và liên tục thông báo với mẹ về việc cây đã lớn ra sao. Nhờ vườn nhà, các bé biết thêm tên nhiều loại cây, hoa. Cuối tuần, khi bố mẹ cắt cây tỉa cành, các bé hào hứng đẩy xe cắt cỏ hoặc tưới cây.

Bàn học của con gái đầy hoa hồng do chị Dung trồng và cắm.

Chân dung chị Dung - tác giả của vườn hoa nở bốn mùa.

Hằng Trần
Ảnh: FBNV

Đánh giá phiên bản mới