![]() |
Đoàn Anh Tuấn. |
Sinh trường trong một gia đình từ cụ cố đã biết mê đồ cổ, Tuấn nổi tiếng vì sự sành sỏi và khả năng "chụi chơi" hiếm có. Tuấn "Gàn" từng tuyên bố: "Ông nào dám chơi theo kiểu của tôi thì chỉ có nước mà bán nhà đi sớm".
Vì quả thực Tuấn từng bán nhà, bán xe để chơi đồ cổ. Cách đây 2 năm, lần đầu tiên ở Việt Nam có 1 cuộc bán đấu giá công khai một chiếc vò đựng ngũ cốc thời Bắc thuộc. Tuấn "Gàn" cũng hí hửng đến xem. Mức giá khởi điểm do nghệ sĩ Mai Hiên đề xướng là 100.000 đồng. Tuấn "Gàn" tức khí trả 4 triệu cho bõ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thấy "ấm ách" bàn trả 5 triệu. Tuấn lại trả 1.200 USD (mà kỳ thực lúc ấy trong túi Tuấn cũng không đủ 1.200 USD). Sau đó, anh em bạn bè phải gom thêm tiền cho Tuấn vay 5 triệu mới mua được cái vì "giá trên trời" đó.
Mà giá đồ cổ quả là trên trời thật. Nhiều món đồ Tuấn "Gàn" mua được với giá khá bèo. Ví như chiếc trâm cài tóc niên đại 2.500 năm chỉ với giá 200.000 đồng (trong khi thiên hạ có người phải bỏ ra cả triệu đồng). Thậm chí một số cổ vật thời Trần như chum, thạp, vò... anh chỉ mua với giá 10.000 đồng.
Tuấn "Gàn" cho Thể Thao Văn Hoá biết, rất nhiều cổ vật của anh có nguồn gốc từ những vùng đất đào móng để xây lò gạch hay những gia đình xây nhà vô tình đào được những chiếc bát, đĩa còn nguyên vẹn nằm sâu trong lòng đất.
Tuấn biện luận: "Thật ra chơi đồ cổ cũng giống như đi câu cá vậy, cần phải có cái duyên của người đi câu. Vì con cá đôi khi chẳng chọn những người có chiếc cần đẹp, miếng mồi đắt tiền để lao vào. Chơi cổ vật cũng vậy. Người có duyên thì cổ vật tự khắc tìm đến, còn người vô duyên thì có bỏ tiền ra mua cũng rất dễ mua phải hàng rởm. Mà nếu mình không mua thì cổ vật rất dễ bị chảy máu, rồi bao nhiêu tinh hoa sẽ tuồn hết ra nước ngoài mất thôi". Đó cũng là một lý do khiến Tuấn "Gàn" không khoái chơi đồ cổ Trung Quốc mà chỉ thích những gì các cụ mình đã dùng.
Để "tậu" và "nuôi" được đồ cổ, ít ai có thể ngờ rằng Tuấn "Gàn" đã chịu khó đi bơm vá, sửa chữa xe đạp, xe máy cho thiên hạ từ những năm 70 của thế kỷ trước rồi đi đào vàng, đãi vàng, đi tìm đá quý, mở xưởng chế tác đá, xưởng mộc... Lạ cái là Tuấn "Gàn" mua đồ về nhưng lại chẳng bao giờ tính toán lời lãi và cũng chẳng bao giờ có ý định buôn đi bán lại để làm giàu. Bằng chứng là có gười đem cả xe Dream II chỉ để lấy một món đồ mà Tuấn nhất định không chịu.
Là một người mộ đạo (Hiện Tuấn là đệ tử phái mật tông của phật giáo), Tuấn "Gàn" luôn biết chỗ dừng, "lộc bất tận hưởng". Tuấn nghĩ đến việc nhượng lại và hiến tặng cổ vật cho các bảo tàng thay vì lập một bảo tàng tư nhân cho oách. Tuấn tâm sự: "Chơi đồ cổ cốt là để dưỡng tâm chứ không phải dưỡng trí. Vì vậy, nếu mình nhờ bảo tàng giữ hộ thì sẽ có nhiều người được "sướng" cái sướng của mình, vui cái vui của mình, từ đó sẽ càng có nhiều người yêu quý đồ cổ và biết đâu đến lúc nào đó công việc hiến tặng đồ cổ sẽ được xã hội hoá. Hơn nữa, xởi lởi rồi trời lại cho, bo bo thì trời buộc. Cuộc đời cũng chẳng nên toan tính nhiều".
Từ đầu năm đến giờ, Tuấn "Gàn" đã hiến tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đôi trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng 2.500 năm; tặng Bảo tàng Quảng Ninh 105 hiện vật; tặng Bảo tàng tỉnh Thái Bình 93 cổ vật các thời: hậu kỳ đá mới, Đông Sơn và thời Trần.
Đổi lại tất cả những thứ đó, anh được tặng một cái bằng khen và 200.000 đồng. Trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, hiện Tuấn "Gàn" có đem trưng bày 10 trống binh khí. Đầu tháng 10 vừa rồi, Sở Văn Hoá Thông Tin Nam Định cũng tổ chức lễ tiếp nhận sưu tập cổ vật do Tuấn tặng với số lượng 50 hiện vật, gồm thạp gốm hoa nâu, thạp gốm mem ngà, thạp gốm mem trăng xanh, hũ gốm hoa nâu, chậu, vò gốm men các loại thế kỷ XIII - XIX và đặc biệt lần đầu tiên có một "sanh đồng" quân dụng thời Trần được tìm thấy trong sưu tập tư nhân của Tuấn. Theo giáo sư Hoàng Xuân Chinh, nguyên phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, sanh đồng này có lẽ đã được dùng để nấu thức ăn cho quân đội nhà Trần trong kháng chiến chống Nguyên Mông gần 700 năm trước.