Nguyễn Duy Tẩm
Nhưng nghĩ đến cuộc đời truân chuyên của mẹ, Hân ơn ớn lạnh, biết đâu định mệnh cũng là gien di truyền.
Mười chín tuổi nghỉ học lấy chồng theo lệnh của gia đình. Hai mươi tuổi sinh con đầu lòng đồng lúc chồng đi bộ đội vào Nam. Một năm hạnh phúc bên chồng với cái giá mười năm chờ đợi…
Khi cả nước reo hò chiến thắng, thì mẹ Hân lập hương án khóc chồng. Cha mẹ ruột lần lượt qua đời, mẹ Hân ở với người mẹ chồng nhân hậu, nhưng chính cái nhân hậu ấy đã đẩy mẹ Hân đến một vực sâu mới khi bà nội gả mẹ Hân cho một tay buôn đồ cổ tài hoa, điếm miệng và… điếm cả tâm hồn.
Khi Hân tròn mười hai tuổi, thì Hoa, đứa em gái cùng mẹ khác cha chào đời trong sự ghẻ lạnh của bố. Nghe đâu gã đàn ông khốn nạn kia đã trốn về Lào Cai cùng người vợ mới…
Một mình nuôi hai con dại, một mẹ chồng già bằng hai sào ruộng, một nương dâu, mẹ Hân trông tiều tụy, lam lũ hẳn. Nhưng phải chăng nhờ thế, tâm hồn mẹ rắn rỏi hơn. Năm ba mươi lăm tuổi mẹ vẫn còn đẹp, vài đàn ông trong làng ngắm nghía.
Như chim một lần bị tên, sợ cả nhành cỏ dại, mẹ khéo léo khước từ… Chỉ có Hân mới biết mẹ thường lặng lẽ khóc về đêm… Những lúc như thế, mẹ thường siết chặt hai con vào lòng như bám víu vào một niềm tin nào đấy.
Mẹ rất hãnh diện khi thấy hai con đều học giỏi. Hoa thì còn quá nhỏ, riêng Hân, Hân không thể học tồi khi ý thức đồng tiền của mẹ xuất phát bằng mồ hôi và cả nước mắt. Một học sinh trường huyện đậu luôn ba trường đại học quả là chuyện ít có…
Hân không thể quên những đêm nằm ngủ gục cùng trang sách bên nồi cháo heo đang sôi sùng sục trên bếp lửa hồng. Sách vở hồi ấy dính đầy lọ nghẹ hoặc vài trang cháy sém là chuyện bình thường.
Nhà cách trường mười cây số, sáng sáng đạp xe đi, trưa trưa đạp xe về với năm trăm đồng xôi lót dạ… Có lần Hân bị xỉu trước cổng nhà vì sáng hôm ấy mẹ móc túi không còn một đồng nào để cho con.
Nghe Hân vào đại học, mẹ vừa mừng, vừa lo… Phải cố gắng thôi bởi mẹ không muốn con mình dính mãi vào bùn nâu như chính cuộc đời của mẹ…
2. Năm đầu Sư phạm, Hân vượt qua khá xuất sắc. Ăn nội trú, ở nội trú, giải trí nội trú… Quen theo lối sống nhà quê, đối với Hân được như thế đã là đủ lắm rồi. Không như nhỏ Vy, bỏ phòng, leo rào, chơi đêm đã thành nếp.
Được cái, con bé rộng rãi, chân thành và rất tốt với bạn bè: “Bố tớ là giám đốc nhà máy bia, móc tiền của mấy thằng bét nhè say xỉn thì chẳng có gì dễ bằng, tiền vào như nước sông thì tiêu xài phải như thác núi, để tớ vào được cái trường danh tiếng này, bố tớ phải chi cỡ ba mươi ghim.
Đầu vào chi được, chẳng lẽ đầu ra chi không được. Và cả đầu tìm việc cũng chi được tất… Có tiền mà lị”. “Nhưng học là thu thập kiến thức cho chính mình… Nói như cậu, thì lấy tiền lo lót kia dành dụm lại không lợi hơn sao?”.
“Đồng ý là cậu nói đúng, nhưng bố tớ bảo, con gái cần một mảnh bằng và một cái nghề để dễ lấy chồng. Đời này chẳng có ma nào nó dám lấy một đứa thất nghiệp, kể cả bọn con trai lẫn lũ con gái…”. Bỗng nhạc khúc: “Anh đến thăm em một chiều mưa…” vang nhẹ.
Vy với tay lên đầu giường nhấc chiếc điện thoại di động xịn, thấy số quen, nó bấm tắt, gọi lại và trao cho Hân: “Người nhà của cậu!” “A-lô, Hân nghe đây!” “Em, Hoa đây. Mẹ trưa nay từ ruộng về thì bị ngất xỉu. Thím Năm Đậu và em đưa mẹ lên bệnh viện thị cấp cứu, họ giữ mẹ lại để điều trị.
Em lo quá nên gọi chị. Chị có thể về quê gấp được không?” “Vâng, vâng chị sẽ về ngay. Em cố chăm sóc mẹ. Chào”. Nghe tin xấu, cả phòng Hân đều buồn. Vy vẫn là đứa nhiệt tình nhất: “Con Hân chuẩn bị hành lý đi, chuyện xe cộ để bọn này tính”.
Biết Hân nghèo nhất phòng, mỗi người đóng một ít, đủ mua cho Hân một vé tàu ghế cứng và chút ít tiền tiêu vặt dọc đường: “Cậu đi đường cẩn thận và cố gắng vào sớm để kịp mùa ôn thi”.
Thấy bạn bè lo cho mình, Hân muốn khóc quá, chợt nhớ lời mẹ: “Cần mạnh mẽ lên dẫu lâm vào bất cứ hoàn cảnh nào”, Hân mím môi thật chặt.
Lên ga tiễn Hân, ngoài Vy còn có cả Thái, người bạn trai đồng trường, Thái yêu Hân ngay từ những ngày đầu gặp Hân. Sau một thời gian dài đeo đuổi, Hân mới đáp lại tình yêu ấy.
Thái vẫn thường tâm sự với Hân, anh là con trai một một gia đình giàu có và danh giá. Hân thầm nghĩ: “Liệu có còn quá sớm để đánh giá một con người?”. Tàu chuyển bánh, để lại phía sau những gương mặt thân thương cùng những lo buồn phía trước.
3. Ra khỏi ga, Hân thuê xe ôm đến thẳng bệnh viện. Trên chiếc giường sắt trải chiếu cũ, Hoa đang quạt cho mẹ. Gặp Hân mẹ yếu ớt la: “Đã bảo đừng cho chị Hân con biết chuyện mẹ bệnh, để nó an tâm học hành, con Hoa này lại tày lay. Sao? Đi đường con đã ăn uống gì chưa?”.
Thấy mẹ hỏi, Hân chỉ biết ôm mẹ khóc. Đêm hôm ấy, hai chị em lén nằm bên mẹ dù nội quy phòng cấm thân nhân cận kề bệnh nhân, bởi đây là khoa lây nhiễm…
Sáng hôm sau, bác sĩ cho gặp riêng Hân: “Mẹ cô bị lao phổi cấp tính, trong đường hô hấp có dịch nhờn cần giải phẫu gấp. Mà cô biết đấy, nguyên nhân của bệnh lao thường là lao động quá sức và nguồn dinh dưỡng kém.
Nên sau khi mổ, phải để mẹ cô nghỉ ngơi hoàn toàn và ăn uống thật đầy đủ mới mong bệnh sớm bình phục”.
“Thế, thưa bác sĩ mẹ cháu cần bao nhiêu tiền mới đủ chạy chữa” “Mười triệu… Nếu đồng ý giải phẫu cô phải ký vào giấy cam đoan và lo đủ tiền”. Hân miễn cưỡng gật đầu dù chưa biết số tiền khổng lồ kia Hân sẽ đào từ đâu ra.
Đêm như dài hơn, Hân cứ trằn trọc mãi… Sáng hôm sau Hân đến từng nhà bà con cầu cứu, có người xa xót tặc lưỡi, có người dửng dưng lắc đầu. Trước đây mẹ thường lặng lẽ khóc, bây giờ lại đến phiên Hân. Hân không dám nói nỗi lo cho mẹ biết, chính thế nỗi lo như nhân đôi.
Đặt tay nơi lồng ngực như cố nén niềm đau, vô tình miếng ngọc thạch cồm cộm. Nhìn kỷ vật nội tặng trước khi bà qua đời khiến Hân xa xót: “Có lẽ phải từ giã người thôi.
Bà nội ơi, trái tim bà tặng khác chi một tấm lòng, mà tấm lòng thì việc cứu người là chính, phải không bà?”. Giờ đây miếng ngọc không còn mang hình trái tim nữa mà giống như một giọt mắt long lanh.
Bán miếng ngọc được hai triệu đồng. Số tiền chỉ đủ trả thang thuốc, viện phí, thuê thím Năm Đậu chăm sóc mẹ một thời gian để bé Hoa bớt nghỉ học và mua một vé xe đò để Hân kịp trở lại thành phố, may ra… Quê Hân có câu: “Hái củi vào rừng. Hứng tiền lên phố”.
Hân còn nhớ lời nói thẳng thắn của Vy: “Con gái bọn mình muốn chóng có tiền chỉ còn cách ấy… nhắm mắt, chịu đau một chút… Rồi cũng nhanh qua thôi. Bọn đàn ông, đứa nào cũng bở rệt, chỉ háo thắng và ỷ có tiền”. Nghĩ đến đấy Hân chợt rùng mình…
Xuống tàu, trước khi về nội trú trường, Hân ghé qua nhà Thái. Đứng trước ngôi biệt thự lớn, Hân ngần ngại bấm chuông. Chính Thái ra mở cổng, mùi bia nặc nồng, anh không muốn người yêu vào nhà nên mời Hân ngồi vào bộ bàn đá dưới gốc vú sữa nơi góc sân…
Liếc vào trong, Hân nhận ra ba cặp trai gái đang hát karaoke, một ả lòe loẹt phấn son, áo quần diêm dúa dẩu mỏ ra: “Anh Thái tiếp ai thì nhanh nhanh lên rồi vào với em”. Bình thường, nếu gặp cảnh này Hân đã bỏ ra về, nhưng kẹt chuyện quan trọng đành phải bấm bụng thôi.
Hân trình bày ngắn gọn yêu cầu mượn tiền của mình, không ngờ Thái lắc đầu quầy quậy: “Làm gì mình có số tiền lớn như thế, chịu thôi…”. Biết có năn nỉ cũng vô ích, Hân buồn nản ra về. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai lớn dần theo hình hài…”. Lời hát từ một nơi nào đấy cứ bám riết theo Hân…
Còn một chiếc phao cuối cùng, ấy là Vy… Vy bỏ học một ngày để về quê, khi trở lại, Vy lắc đầu: “Không xong rồi, bố tớ vừa thua lỗ, bia mua trúng nguyên liệu giả hư đến ba mẻ. Tớ đánh cắp chìa khóa tủ sắt, chỉ vét được có một triệu hai đây thôi”. Suốt ba hôm liền trở trăn suy nghĩ, Hân vẫn không tìm ra lối thoát…
Mùa ôn thi, căn phòng nội trú chỉ còn Hân và Vy: “Tớ đã nói với cậu rồi, chỉ còn có cách ấy thôi. Cậu sớm quyết đi, tớ còn đi tìm mối, chưa chắc đã dễ tìm mối xộp đâu. Kẻo mẹ cậu xanh cỏ, khi đấy có ân hận cũng đã muộn”.
Hân ngồi ôm gối nơi cuối phòng, khẽ gật đầu khi nước mắt chạy quanh. Vy khoác vội chiếc áo pull vào người, lặng lẽ rời phòng… “Cũng liều nhắm mắt đưa chân…”. Câu Kiều sao mà oan khiên đến thế. Và nước mắt ngàn đời mãi mãi là bạn của cánh hồng nhan.
4. Vy đưa Hân đến một khách sạn sang trọng: “Lão ta là một quan chức lớn, nghe đâu lão đang dính líu đến một vụ tham nhũng đậm, muốn gỡ gạc nên cần gái trinh xả xui… Cậu không nên lo buồn nhiều, đứa con gái nào chẳng đến ngày ấy.
Hơn nữa, chỉ có trộm cắp mới đáng xấu hổ, chứ việc này như một sự đổi chác thông thường mà thôi… Mười triệu để đánh đổi mạng sống một con người không phải là chuyện dễ làm, nhất là trong cái xã hội văn minh đầy giả tạo này”.
Vy ra về trước, bỏ lại Hân nơi căn phòng hoang vắng. Tiêng rè rè thật khẽ của chiếc máy lạnh, chùm đèn màu mờ ảo, giường tủ chăn nệm tinh tươm sang trọng, thoang thoảng mùi nước hoa đắt tiền… tất cả đều xa lạ đối với Hân.
Chúng vừa gây bất an lại vừa dịu dàng quyến rũ… Thời gian trôi thật chậm dù tim Hân đập rất nhanh. Bỗng có tiếng gõ cửa…
May quá, không phải con người mà Hân nằm chờ: “Xin lỗi, tôi là nhân viên phục vụ của khách sạn, tôi cần lau dọn phòng tắm cho ông bà”, người đàn bà bước vào hao hao giống mẹ Hân quá, Hân muốn bắt chuyện cho đỡ sợ, nhưng nhìn ánh mắt coi khinh của bà ta, lời Hân như nghẹn lại.
Cuối cùng thì lão ta cũng đến, cỡ độ bốn mươi, hơi đen nhưng giòn giã dễ nhìn. Thấy người đàn ông sắp chính thức bước vào đời mình, Hân cảm thấy gờn gợn khắp người, nàng xoay thế nằm, úp khuôn mặt đỏ bừng vào tường…
Người đàn ông từ từ cởi bộ veston: “Em chờ tôi đã lâu chưa?”. Vẫn không có tiếng trả lời. Người đàn ông chậm rãi vào buồng tắm, tiếng nước chảy khá lâu… Thời gian như ngưng lại, cả người Hân căng ra. Nửa sợ hãi, nửa mong chờ…
Lão như đọc được tâm lý ấy, cố kéo dài thời gian. Hân có cảm tưởng mình là con chuột dưới nanh vuốt một con mèo. Lão mèo cứ chờn vờn, chờn vờn trước khi con mồi nhão ra… Người đàn ông bước ra khỏi buồng tắm với bộ đồ ngủ tinh tươm tỏa mùi nước hoa đầy quyến rũ, trước khi đặt lưng lên giường, ông ta uống hai viên thuốc xanh xanh…
Hân run bắn người khi hai bàn tay lão đặt nhẹ lên đôi vai Hân. Đôi bàn tay quái quỷ cứ đi sâu dần vào những vùng nhạy cảm nhất của người con gái. Hân cố trân người ra chịu đựng, chịu đựng…
Đến lúc nhục cảm cháy bừng, không làm chủ được chính mình, Hân xoay người lại ôm chặt lấy hắn. Bốn làn môi hút vào nhau. Da thịt Hân như căng cứng dưới bộ rốp mềm mại mà Vy đã trang bị cho Hân chiều qua. Từng chiếc cúc được tháo ra, từng mảnh vải trên người nàng được gỡ bỏ.
Đúng như lời Vy từng nói: “Chẳng có gì đáng phải sợ, rồi mọi việc đâu sẽ vào đấy”. Một cảm giác buốt đau đan xen với khoái cảm lan tỏa, lớn dần, lớn dần khiến Hân rên lên khe khẽ…
Sau trận mây mưa, người đàn ông mềm ra, lăn về một phía, lặn sâu vào giấc ngủ, ngoan hiền như con hổ no mồi. Nhìn lại trên người Hân không còn một mảnh vải. Những giọt nhờn đọng lại mới nhớt nhát làm sao, cổ họng nàng khô khát.
Kéo vội chăn đắp lên người, Hân bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào… Làn nước từ vòi sen xua đi cái nóng râm ran từng vuông da thịt, nhưng không rửa được cái mặc cảm tội lỗi. Nhìn bóng mình lồ lộ trong gương, Hân ngỡ ngàng: “Mày đã trở thành đàn bà rồi sao, hả Hân?”… Vài giờ sau, gã đàn ông lại trở mình đòi nữa…
Lần này thì Hân đáp ứng dễ dàng hơn, còn gì để mất nữa đâu. Không còn cái buốt rát ban đầu, hoàn toàn một khoái cảm tuyệt cùng đến từng phân da thịt. à thì ra là thế, chẳng có gì là ghê gớm như Hân đã nghĩ, chỉ buồn là mình đã đánh rơi cái hồn nhiên trong trắng và chiếc rốp này không phải là chiếc áo cưới của Thái dành cho Hân trong đêm tân hôn.
Tiếng chim đầu ngày đánh thức giấc ngủ chập chờn của Hân. Gã đàn ông đã biến mất. Nhìn xấp tiền dày cộm trên bàn, Hân vừa vui vừa tủi, luyến tiếc nhìn vài giọt đỏ tươi trên vuông ra trắng rợn người, những giọt máu không đáng có nếu chẳng có những cái lắc đầu của bà con, những giọt máu đáng ra phải thuộc về Thái, nếu anh ấy thật chung tình…
Tung nắm bạc lên cao, những đồng tiền rơi lả tả quanh người tựa một dòng xoáy cuốn hút Hân vào một hố sâu thăm thẳm…
Thoát ra khỏi khách sạn, Hân như người chạy trốn. Về ngay nội trú ư? Không thể, lũ bạn sẽ biến mất… Hân dạo quanh bờ hồ còn đọng cỏ sương… Một gã xe ôm rề lại: “Cô về đâu tôi chở, đừng lang thang sớm thế này, bọn gian giật bóp thì khốn đấy!”.
Trông anh chàng có vẻ tử tế, Hân ngồi lên xe: “Anh đưa tôi đi đâu cũng được, miễn là đi”… “Hay cô tìm một quán cà phê nào đấy”. “Được, tôi sẽ bao anh”…
Lần đầu tiên hớp những ngụm cà phê đen, ngoài vị đắng Hân còn cảm nhận như có vị chát chua… Người thanh niên không dám hỏi và cả Hân cũng chẳng dám nói gì ngoài nước mắt…
5. Chiều hôm ấy, Hân trở về miền Trung ngay. Có tiền mọi việc tiến hành nhanh chóng, mẹ Hân lên bàn mổ sau chữ ký của Hân. Ca mổ gần một buổi với hai bịch máu đắt tiền… Mẹ được xuất viện sau đấy không lâu… Hân an tâm trở lại thành phố.
Trong phòng, chỉ có Vy là hiểu niềm đau của Hân. Số bạn còn lại tỏ ra vui mừng khi nghe tin mẹ Hân lành bệnh… Hai tháng liên tiếp không có dấu hiệu kinh nguyệt, qua tháng thứ ba kể từ đêm hôm ấy, Hân cảm thấy buồn nôn, tanh canh ớn cá.
Vy kéo Hân ra chỗ vắng: “Vậy là chắc chắn dính rồi, chiều nay tao phải đưa mày đi hủy ngay cái của nợ ấy”. Hân khóc: “Nhưng tao lại muốn giữ nó, dẫu gì nó cũng là máu mủ của tao, cũng như mẹ tao đã từng giữ lại bé Hoa”.
“Dẹp mẹ cái lý luận của cậu đi… Liệu cái trường Sư phạm này có chấp nhận cái bụng chình ình vô thừa nhận của cậu qua hai năm học nữa hay không? Thôi đừng khóc nữa, bọn nó biết thì khổ”… Cái đau dao kéo, mỏ vịt tuy buốt nhói rồi cũng qua đi. Chỉ vết thương lòng mãi mãi vẹn nguyên…
Những ngày gần đây, Thái rất ít đến thăm Hân, bạn bè còn kháo Thái đã có người yêu mới. Hân không dám trách Thái bởi Hân cũng còn gì quý giá nữa đâu…
Nhưng phải gặp Thái một lần cho dứt khoát… Vẫn bộ ghế đá dưới tán vú sữa ngày nào, vẫn khuôn mặt lạnh băng như những vuông đá kia; Thái tiếp Hân…
Hân chưa tìm ra lời nào để bộc bạch, thì chính Thái lại là người nói trước: “Có lẽ chuyện giữa hai đứa mình nên chấm dứt để đỡ đau khổ về sau… Bố mẹ anh chỉ thích sui gia môn đăng hộ đối, trong khi gia đình em…”.
Hân đứng dậy ra về bởi chẳng còn gì để nói nữa; cái thai đã trôi, mà sao Hân vẫn cảm thấy buồn nôn. Dẫu gì cũng cám ơn Thái về những ngày tháng yêu thương đáng nhớ, và nhất là Thái chưa đúng nghĩa Sở Khanh như bố bé Hoa.
Càng ngày, sức học của Hân càng đuối dần. Lắm lúc đang học bài, niềm rạo rực thân xác lại xuất hiện… Vy như đọc được ý nghĩ ấy, cô thường rủ Hân đến nhà bạn xem phim, kể cả những loại phim kém lành mạnh.
Nhiều khi buồn quá, Hân dạo quanh bờ hồ, thèm khát nhìn những cặp tình nhân qua lại, hoặc ngồi lặng lẽ hàng giờ nơi ghế đá… Chợt một thanh niên đến ngồi cạnh: “Cô không nhận ra tôi sao?”.
Hân lắc đầu, chàng trai tiếp: “Tôi là gã xe ôm chở cô vào một buổi sáng cách nay nửa năm”. “À nhớ ra rồi, vào một buổi sáng sau cái đêm hôm ấy…”. “Sau cái đêm nào?”.
Hân thấy cũng chẳng cần giấu diếm nữa: “Sau cái đêm tôi bán trinh cho một gã nhà giàu để có tiền chữa bệnh cho mẹ tôi” và không hiểu sao nước mắt Hân lại chảy. “Xin lỗi, tôi đã quá tò mò. Chính hôm ấy tôi cũng đoán gần gần như thế”.
“Không sao, nói ra tôi cũng vơi đi một phần nỗi buồn… à, mà anh tên gì? Có thể cho tôi biết một tí lý lịch trích ngang của anh được không?”.
“Tôi tên Lưu, có lẽ vì cái tên mà tôi lưu lạc về đây sau khi người yêu đi lấy chồng, bởi tội mình nghèo… Buồn quá, tôi quyết định lên thành phố lập nghiệp, nguyện khi nào khá giả mới về” “… để nhìn chồng con người ta nhởn nhơ hạnh phúc!?”.
Thoáng nụ cười buồn gượng gạo trên khuôn mặt xương xương sạm nắng, trông anh chàng mới đẹp trai làm sao: “Tôi tên Hân, anh có nghĩ tôi cũng đồng hoàn cảnh với anh không?… Nếu anh không chê, chúng ta có thể kết bạn với nhau”.
…Và từ đấy họ yêu nhau chân thành kể cả sự gởi trao. “Em không sợ có lúc anh sẽ quất ngựa truy phong sao?”. “Không, bởi yêu là tin… Mà cho dù anh có bỏ em, cũng chẳng sao, trái tim này đã chai sạn lắm rồi.
Chỉ xin đừng làm khổ thế hệ bầy con”. Nghe Hân nói, Lưu ôm chặt Hân vào lòng… Mùa xuân như lại về nơi một miền quê xa xăm nào.
(Theo Tiền Phong)