Trong vụ án này, VKSND Tối cao truy tố, bị can Nguyễn Xuân Lý (nguyên giám đốc Bưu điện tỉnh Nghệ An) về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tăng Hữu Tá (nguyên giám đốc Bưu điện tỉnh Hà Tây) về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng là tội danh truy tố của Nguyễn Xuân Phan (phó giám đốc Bưu điện tỉnh Nghệ An) cùng cấp dưới là Hồ Đình Chiến (trưởng phòng kế hoạch đầu tư), Lê Bá Tường (kế toán trưởng), Hồ Bá Tú (cán bộ phòng kế hoạch đầu tư).
Bị can Vũ Thị Kim Ngân, Phạm Thị Thanh Thuý bị truy tố tội tham ô tài sản, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; Nguyễn Minh Tuấn (phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân Mỹ thuật Nguyễn) tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Theo kết quả điều tra, những người này đã lập thành đường dây "ma quỷ" tổ chức in niên giám điện thoại ở Bưu điện Nghệ An và Hà Tây để rút tiền nhà nước. Trong việc in 200.000 cuốn niên giám điện thoại, 300.000 tờ rơi quảng cáo và 200.000 tờ gấp dịch vụ báo hỏng tại Bưu điện Nghệ An vào năm 2003 bị can Nguyễn Xuân Lý đã cố ý làm trái các quy định nhà nước về đấu thầu. Ông này câu kết với Vũ Thị Kim Ngân, Phạm Thị Thanh Thuý... để nâng giá thành sản phẩm nhằm rút tiền nhà nước.
Thuý và Ngân khẳng định Nguyễn Xuân Lý đã "gửi giá" 20.000 đồng vào mỗi cuốn in danh bạ điện thoại. Kết quả điều tra cho thấy, giám đốc Bưu điện Nghệ An bỏ qua toàn bộ quy trình khảo sát đơn giá, lập dự toán, tổ chức đấu thầu... Nguyễn Xuân Lý trực tiếp chỉ đạo các cán bộ dưới quyền làm giả hồ sơ đấu thầu để hợp thức hoá các hành phạm tội. Trong 2 thương vụ khác, bị can này cũng có hành vi trục lợi cá nhân. VKSND Tối cao nhận định, Nguyễn Xuân Lý đã tham ô 3,35 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 12,5 tỷ đồng khi nâng giá thành sản phẩm gấp nhiều lần.
Trong khi đó bị can Tăng Hữu Tá (nguyên giám đốc Bưu điện Hà Tây) cũng có sai phạm tương tự, nhưng đã được phát hiện kịp thời không gây thiệt hại nghiêm trọng như tại Nghệ An. Thấy việc rút tiền chia nhau quá dễ dàng, đầu năm 2004, sau khi gặp Ngân và Thuý, ông Tá chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn in cấp trên kinh phí in 150.000 cuốn danh bạ điện thoại. Giá lập dự trù là 60.000 đồng/cuốn, nhưng giám đốc yêu cầu nâng thành 100.000 đồng. Trong phi vụ làm ăn này, việc đấu thầu chỉ là hình thức. Giám đốc Bưu điện Hà Tây đã ký hợp đồng in với nhóm của Ngân, giá 100.000 đồng/cuốn, gây thiệt hại 2 tỷ đồng. Các bị can không thừa nhận đã chia tiền cho Tăng Hữu Tá nên VKS chưa đủ cơ sở kết luận ông này có tham ô tài sản.
Trong vụ án này, Nguyễn Kim Ngân được đánh giá là có vai trò tích cực trong vụ án. Đây là người chủ động gặp Nguyễn Xuân Lý, bàn bạc thực hiện các thương vụ làm ăn phi pháp. Ngân đồng phạm tham ô với Nguyễn Xuân Lý số tiền gần 3 tỷ đồng, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi trên 3,1 tỷ đồng (trong đó in danh bạ tại Nghệ An: 1,6 tỷ và Hà Tây hơn 1,58 tỷ).
4 cán bộ Bưu điện Nghệ An là Nguyễn Xuân Phan, Hồ Đình Chiến, Lê Bá Tường, Hồ Bá Tú đã không thực hiện đúng quy định về đấu thầu gây thất thoát tài sản nhà nước. Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân Mỹ thuật Nguyễn Nguyễn Minh Tuân được VKS xác định đã trục lợi hơn 3,3 tỷ đồng trong việc in ấn các sản phẩm trên. Trong đó, in danh bạ của Bưu điện Nghệ An gần 3,2 tỷ đồng, tờ gấp gần 130 triệu.
Trong quá trình điều tra còn thấy Bưu điện Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn có ký hợp đồng in lịch, tờ gấp với doanh nghiệp tư nhân Mỹ thuật Nguyễn. Nhưng kết quả xác minh chưa có sự bàn bạc nâng giá để rút tiền chia nhau. Vì lẽ đó, cơ quan điều tra tách các bưu điện trên để tiếp tục xác minh, nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì xử lý tiếp sau.
K.Ngọc