![]() |
Phim chụp một trường hợp có tử cung đôi. |
Phòng khám của Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vào những tháng đầu năm chật ních người. Dáng vẻ bẽn lẽn rồi ngồi cúi gằm mặt của một cô gái còn khá trẻ thu hút không ít sự chú ý.
Lân la hỏi chuyện nhưng ban đầu chỉ nhận được ở cô gái những câu trả lời cộc lốc “có” hoặc “không”. Nhưng ngồi chờ khám quá lâu, vượt ngoài sự kiên nhẫn của cô và nỗi ngượng ngùng ban đầu cũng dần qua đi, cô gái chủ động bắt chuyện.
Cô bắt đầu nói về nỗi khổ tâm của mình như chưa bao giờ được chia sẻ: “Bệnh của em buồn lắm, buồn đến mức không có tia hy vọng để lấy chồng. Chị đã gặp cô gái nào ngoài 20 tuổi vẫn chưa bao giờ bị “đèn đỏ” chưa? Vậy mà em như thế đấy”.
Nhìn sự trẻ trung và khuôn người khá đầy đặn của cô nếu ai hiểu được tâm trạng đó đều thấy xót xa. “Em 22 tuổi, có anh hàng xóm “để mắt” đến 4 năm rồi mà không dám nhận lời. Em không muốn mang nỗi bất hạnh này đặt lên vai anh ấy. Em nói không lấy chồng, anh ấy cứ tưởng em đùa và kiên nhẫn đợi. Đã nhiều lần em đi khám và kết quả đều là em không thể làm mẹ vì em bị dị tật bẩm sinh đường sinh dục, không có tử cung. Biết đấy là số phận nhưng nghe đâu có thầy hay em vẫn muốn đến khám thử, biết đâu người ta có cách. Lần này khám nếu câu trả lời vẫn như trước, em sẽ đi làm ăn xa. Không ở nhà nữa cho anh ấy khỏi phải đợi chờ”.
Khi tiếp xúc với bác sĩ tại Trung tâm để tìm hiểu thêm về nỗi bất hạnh của cô gái, thì biết cô là T., quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và kết quả khám bệnh của cô vẫn là không thể sinh con vì không có tử cung.
Trước cửa phòng khám hiếm muộn của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người ngồi chờ khám bệnh cũng đông nghịt. Trường hợp em A., 20 tuổi, D7 khu đô thị mới Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội thì lại khác.
Câu hỏi vô tình đã chạm vào nỗi đau đang khiến mẹ của A. héo mòn: “Chị hay là cháu bé đến khám vậy?”. “Bé gì, cháu 20 tuổi rồi đấy. Bình thường trẻ hơn tuổi thì mừng nhưng con gái của tôi thì khác. Cách đây một tuần, tôi đưa cháu đi khám họng ở trạm xá phường. Khám xong thì đưa cháu đến khoa sản chỗ bạn tôi chơi. Nói chuyện với bạn về cháu, chị bạn bảo để chị khám giúp. Không ngờ chị ấy nói con gái tôi phát triển không bình thường. Tôi thì chỉ nghĩ đơn giản là cháu chỉ chậm phát triển. Hôm nay, tôi đưa cháu đến đây khám lại xem thế nào”, mẹ A. đáp.
Theo chị M. thì A. có những biểu hiện rất bất thường, 20 tuổi nhưng chưa bao giờ thấy kinh và đặc biệt, hình thù của “nàng công chúa” vẫn như ngày cô mới 12 tuổi. Và kết quả khám bệnh đã thật sự gấy sốc cho cả hai mẹ con, A. bị “tử cung nhi tính” không thể có con.
Chị M., thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cũng cùng bệnh với A. nhưng chị còn khổ tâm hơn. Chị tâm sự: “Không cần ai nói đụng đến, tự mình đã thấy đau khổ lắm rồi. Nhưng với tôi, nỗi đau này còn nhân lên gấp 5 gấp 10, vì người tôi yêu thương nhất lại đang quay lưng đem nỗi đau đó ra chửi mắng. Anh ấy đem cả chuyện tôi “giữ mình” trước ngày cưới ra để chì chiết: “Ngày trước tôi cứ tưởng cô thánh thiện, trong trắng, giữ mình lắm không ngờ chỉ là cách dấu khuyết điểm để lừa tôi”. Tiếp sau những lời chì chiết đó là những trận đòn roi mà chị phải oằn lưng gánh chịu.
Chị N., 24 tuổi, phố Xuân Ninh, thị xã Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình thì tức tưởi khóc trước cửa phòng khám, khi bác sĩ thông báo kết quả “sét đánh”: Chị không có vòi trứng. N. đau khổ như muốn qụy ngã, cô ngồi phịch xuống ghế ngay cạnh người phụ nữ đi cùng.
“Bình tĩnh con, có gì thì từ từ giải quyết”, người phụ nọ nói. N. nói như muốn gắt lên: “Giải quyết thế nào đây, người ta bảo con không có con được”.
Mẹ N. muốn ngã ngửa trước tin dữ, bỏ đi tìm bác sĩ, khi trở ra thì nước mắt đã lưng tròng, không nói một lời, cứ ôm chầm lấy con gái mà khóc.
Lấy chồng đã 3 năm, chồng N. là thuỷ thủ nên thường xuyên phải vắng nhà, một năm chỉ gặp nhau được 1-2 lần và đến giờ nhà vẫn vắng tiếng trẻ.
H., chồng cô và N. đều là con một, nên bố mẹ hai bên đều mong có cháu bế, nhưng H. cứ đi biền biệt nên dù rất khó tính mẹ H. cũng không dám trách con dâu.
Lần này, H. được về quê ăn Tết, cả hai gia đình đều động viên vợ chồng N. dành thời gian cho chuyện con cái. Trước Tết hai tháng, N. đã được mẹ chồng thường xuyên mua thức ăn tẩm bổ, động viên ăn để lấy sức mang bầu. N. cũng khấp khởi chờ đợi và mong mình sớm có tin vui.
Vì muốn sức khoẻ được chuẩn bị tốt nhất cho việc mang thai, chị nhờ mẹ đẻ đi cùng đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để kiểm tra sức khoẻ tổng thể, không ngờ kết quả lại đánh gục niềm khao khát của chị.
Chị P. cũng ôm chồng khóc ngay trước cửa phòng khám, Bệnh viện Phụ sản TW, khi bác sĩ thông báo kết quả chụp Xquang: Chị có tới 2 buồng tử cung và 2 vòi trứng. Dị tật này khó thụ thai và hay sảy thai.
Khi đã qua cơn xúc động, chị tâm sự: “Chúng tôi đều trên 30 tuổi mới kết hôn nên rất muốn có con ngay. Nhưng sau hai năm tôi đã có bầu tới ba lần mà đều hỏng cả. Bây giờ mới biết nguyên nhân, khả năng chữa trị để thành công lại rất thấp. Nếu không có con tôi phải làm sao đây?”.
Không giống như những trường hợp đã nói ở trên, chị T., xã Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đã sớm ý thức được nỗi bất hạnh mình phải gánh chịu. Đã 25 tuổi nhưng hai trái đào của cô vẫn lặn kín vào trong, hai nhũ đào thì bé tẹo như trẻ trên 10 tuổi. Đã thế hàng ria con kiến lại ngày một rõ. T. cũng không bao giờ dám mặc áo cộc hay quần lửng vì “râu ria” cứ mọc lên đen láy.
Trước cửa phòng khám Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, T. nói bằng giọng đượm buồn: “Bác sĩ nói em thiếu nội tiết tố nữ. Chán lắm chị ạ, cái cần thì thiếu mà cái chẳng cần thì lại nhiều quá. Ngày lên cấp hai thì em tự hào về cơ thể của mình với ý nghĩ trẻ con là: Mình nhảy dây thuận tiện hơn những đứa khác vì khi bị sóc nảy không đau “trái đào”. Nhưng khi lớn lên toàn bị gọi là “thằng T.” nên vô cùng chán nản. Ngày nào cũng phải đối diện với nỗi buồn của chính mình, nhiều khi cả tháng em chẳng buồn soi gương lấy một lần”.
Cũng có mặt tại Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, em X. 15 tuổi, thôn Thắng Lợi, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cũng có bệnh án buồn không kém T.
Bình thường X. cũng không cần đợi đến khi bố mẹ lo đủ tiền đưa đi khám mới biết về nỗi bất hạnh của mình mà ngay từ nhỏ, em đã biết mình khác người thường.
Dù hàng tháng vẫn xuất hiện “đèn đỏ” nhưng em có đến 2 tử cung, 2 cổ tử cung và 2 âm đạo nhưng tử cung lại không phát triển.
Theo các bác sĩ thì hai buồng trứng của X. vẫn bình thường, nhưng xét nghiệm nội tiết tố hướng sinh dục không có sự thay đổi. Theo dõi trên lâm sàng và siêu âm nang trứng vẫn phát triển bình thường, nhưng X. sẽ không thể thụ thai.
Theo ông Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thì những trường hợp không có tử cung, tử cung nhi tính, không có vòi trứng hay hai âm đạo là bị dị tật sinh dục bẩm sinh. Những trường hợp này không thể sinh con và đến thời điểm này y học vẫn bó tay.
(Theo Giadinh.net)