Chồng Hàn vợ Mông Cổ. |
Trường hợp của cô dâu Mông Cổ kể trên là một ví dụ điển hình của hàng trăm trường hợp phụ nữ châu Á mơ cưới chồng Hàn, nay phải vỡ mộng. Chồng Hàn Quốc thường hay đánh vợ. Liệu đó có phải là một phần trong văn hóa của đất nước này không? Lisa, một phụ nữ Philippines 31 tuổi, mơ hồ suy nghĩ như vậy sau nhiều ngày tháng bị người chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Không một xu dính túi, Lisa tìm cách trốn chạy những trận đòn của người chồng vũ phu bằng cách xin tị nạn tại một trại tế bần ở Seoul. Những ngày tháng lây lất tại đây, Lisa chỉ trông mong được cùng 2 cô con gái nhỏ quay về Philippines, để nói với những người phụ nữ ở quê hương mình rằng, hãy suy nghĩ kỹ trước khi kết hôn với một người nước ngoài. “Đừng nên lấy chồng kiểu ấy, rất rủi ro. Nhiều người đã vỡ mộng. Thích nghi với văn hóa Hàn Quốc không dễ đâu”, Lisa khuyên.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc (NSO), năm ngoái, cứ 12 đám cưới ở Hàn Quốc thì có 1 đám cô dâu là người nước ngoài. Năm nay, con số ấy tiếp tục tăng vì số phụ nữ châu Á lấy chồng Hàn Quốc ngày càng nhiều thêm.
Đối với đàn ông Hàn Quốc, cưới một cô vợ người Trung Quốc, Việt Nam, Philippines hay Mông Cổ dễ dàng hơn là lấy vợ trong nước. Vì thế, rất nhiều đàn ông nước này ở tuổi 30-40 thích lấy vợ ngoại và trẻ.
Tuy nhiên, dù cuộc “hôn nhân xuyên quốc gia” thỏa mãn nhu cầu và điều kiện của đôi bên, nhưng những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa thật khó vượt qua.
Mayan Villalba, Giám đốc Điều hành UNLAD-Kabayan, một tổ chức tôn giáo trợ giúp kiều dân Philippines ở hải ngoại, cảnh báo: “Trước khi bước vào một cuộc hôn nhân đa văn hóa, bạn chẳng thể nào biết điều gì sẽ xảy ra”.
Trong một lần đến Seoul dự hội nghị thường niên về lao động nhập cư ở châu Á, Villalba phát biểu rằng phụ nữ Philippines đã nghe nhiều câu chuyện đau lòng về bạo hành vợ ngoại ở Hàn Quốc, nhưng họ vẫn nhắm mắt đưa chân, vì không có sự lựa chọn nào khác.
Villalba kể: “Khi hỏi một cô gái ở xứ tôi “Sao cô lại lấy ông ấy, trong khi biết rõ sẽ bị no đòn”, cô ấy trả lời cay đắng: "Lấy một người chồng Nhật hoặc Hàn, thà bị đánh nhưng được tiền. Còn lấy chồng Philippines cũng bị đánh nhưng lại không được xu nào”.
Phong trào lấy vợ ngoại của đàn ông Hàn Quốc bắt đầu nở rộ vào những năm đầu thập niên 90 khi đất nước công nghiệp này chuyển mình. Lao động nhập cư tràn vào các thành phố công nghiệp ở đây và nhiều phụ nữ châu Á muốn có cuộc sống ổn định, khá giả tại xứ sở kim chi bằng cách kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, dù đó là nông dân hay công nhân.
Có hai cách để nam giới độc thân Hàn Quốc kiếm vợ ngoại. Một là thông qua môi giới, anh ta xem mặt các cô gái từ website, sau đó trực tiếp bay sang quê cô ta. Hai là thông qua Nhà thờ Thống Nhất ở Seoul vốn khuyến khích loại hình hôn nhân này. Để có một cô vợ Philippines, chú rể tương lai phải trả cho môi giới 4,5 triệu won (tương đương 4.000 USD). Vợ VN đắt hơn: 10 triệu won.
Sau khi câu chuyện của cô gái Lisa kể trên lan rộng khắp Philippines như một hồi chuông cảnh báo, các tay môi giới Hàn Quốc, dù chuyên nghiệp đến mấy, nay cũng khó tìm được cô dâu Philippines.
“Thế là họ đổ xô sang VN. Đó là lý do vì sao số phụ nữ VN lấy chồng Hàn tăng chóng mặt trong vài năm gần đây”, bà Yang Mi-soon, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Phát triển Nguồn lực Nông thôn Hàn Quốc, cho biết.
Bà Kim Min-jeong, cố vấn của Tổ chức Nhân quyền và Đoàn kết dành cho nữ giới và dân nhập cư, nhận xét: “Không sai chút nào khi nói rằng các cô gái Đông Nam Á lấy đàn ông Hàn Quốc vì địa vị xã hội hoặc vì tiền. Dù cô ta đến từ quốc gia nào đi nữa, chuyện kiếm chồng để đổi đời xem ra thật trái tự nhiên”.
Theo điều tra của Trung tâm Phát triển Phụ nữ thuộc Chính phủ Hàn Quốc, 30% phụ nữ đòi ly dị chồng là do bị chồng hành hạ. Trong số này, 57% bị hành hạ về thể xác. Hầu hết phụ nữ bị chồng đối xử tệ bạc đều nói rằng họ vẫn có thể cam chịu nỗi đau đớn đó, bởi lẽ ly dị tức là trở về với hai bàn tay trắng.
Theo lời mời của một người đàn ông Hàn Quốc, Nana, một cô gái 19 tuổi người Mông Cổ, đã theo ông ta đến đất nước của những bộ Hanbok truyền thống. Ông ta qua Mông Cổ để tìm vợ, khi gặp Nana, ông ta huyên thuyên rằng ông có một căn hộ lớn và những mẫu đất rộng ở Hàn Quốc. Thấy “ngon ăn”, ba mẹ Nana khuyên cô đi cùng để làm vợ ông ấy và nhớ gửi tiền về cho ông bà. Sang Hàn Quốc, Nana mới vỡ mộng.
Hành hạ thể xác thường đi kèm lạm dụng tình dục. Nana muốn trốn cũng không được vì ông ta đã giấu mất hộ chiếu của cô. Thấy vậy, bà mẹ chồng cho cô 20.000 won, khuyên cô bắt taxi đi trốn. Từ gia đình êm ấm bên Mông Cổ, Nana phải sống chui nhủi, trốn chạy sự truy xét của cảnh sát nơi đất khách. Chỉ có một người đàn ông khác chịu cưới cô làm vợ mới giúp cô thoát khỏi cảnh này.
Qua trường hợp của Nana, bà Cho Kum-ran, tư vấn viên trong một nhà thờ ở Bucheon, nói cay đắng: “Các cô gái ấy, trong đó có Nana, chẳng quan tâm đến tuổi tác, sức khỏe, nghề nghiệp và những yếu tố khác của người chồng tương lai. Chỉ cần là người Hàn Quốc là được”.
(Theo Người Lao Động)