Từ khi chuẩn bị kết hôn, Trúc (29 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) trở thành "tay hòm chìa khóa", là người giữ tài chính của gia đình vì so với chồng, cô quản lý tài chính tốt hơn. Cô nói: "Hầu hết các khoản như sửa sang nhà, chụp ảnh cưới, mua nhẫn, khám sức khỏe tiền hôn nhân... đều có chi phí lớn mà chúng tôi có thu nhập ngang bằng nên quyết định cùng chi trả. Chồng đã giao khoản tiền tiết kiệm riêng cho tôi để tiện thanh toán các hạng mục này. Chúng tôi luôn có sự bàn bạc, cân nhắc trước khi chi tiền và cùng nắm được tình hình tài chính của gia đình, anh cũng bớt được thói xấu là chi tiêu mạnh tay. Cứ như vậy, việc nộp lương cũng diễn ra tự nhiên sau đám cưới".
Ban đầu, chồng Trúc chủ động giữ lại số tiền anh cần và chuyển khoản cho vợ phần còn lại. Nhưng sau đó, anh chuyển hết tiền cho cô vì nghĩ "có nhiều tiền thì vợ vui hơn" và đề xuất một con số để Trúc chuyển trả cho anh, đủ chi cho các nhu cầu cá nhân... Vì vậy, Trúc thường chuyển lại cho chồng khoảng 25-30% tiền lương của anh. Số tiền này vẫn đủ để anh mời vợ đi ăn, mua quà lặt vặt như cây son, đôi giày... Khi có các khoản chi phát sinh, anh nói vợ chuyển thêm nhưng đa số đó đều là việc chung nên Trúc thanh toán luôn, thay vì chuyển khoản tới lui.
Với cách làm quy hết tiền về một mối, chồng Trúc thấy nhẹ đầu vì không phải lo quản lý tài chính. Lâu lâu, hai vợ chồng kiểm kê số tài sản hiện có và anh đều bất ngờ vì số tiền tiết kiệm được nhiều so với thời độc thân. Anh nhiều lần nói với Trúc là hài lòng vì có người giúp giữ tiền, cùng vun vén thực hiện mục tiêu lớn hơn như mua nhà, mua xe, sinh con, phụng dưỡng cha mẹ... Cô nói: "Làm vợ, tôi thấy giữ tiền là việc áp lực. Phụ nữ giữ lương chồng thì không có mục đích gì ngoài chăm lo cho gia đình, tích lũy cho tương lai, phòng hờ lúc xảy ra biến cố. Chồng tôi bảo từ khi lấy vợ thấy tự tin vì không bao giờ hết tiền. Anh không rõ tháng vừa rồi chi tiêu thế nào nhưng nếu cần một khoản đầu tư, giúp đỡ bạn bè và người thân, khi hỏi: 'Nhà còn tiền không?' thì câu trả lời luôn là: 'Còn đầy'".
Hôm 16/8, khi bàn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường đã đặt ra vấn đề: "Vợ giữ luôn thẻ ATM của chồng có phải là bạo lực gia đình?" và làm dấy lên các cuộc tranh luận, bàn tán trên mạng xã hội.
Với câu hỏi này, Trúc cho rằng vợ giữ tiền của chồng không phải bạo lực gia đình nếu xuất phát từ sự tự nguyện. Cô nghĩ khi tiền trong túi ai cũng là để chi tiêu cho những trách nhiệm và mục đích chung thì sẽ không còn suy nghĩ lương anh, lương em.
"Còn khi hành động này không xuất phát từ sự tự nguyện, hoặc sau khi giữ lương, người vợ để lại cho chồng một ngân sách hạn hẹp, khiến chồng thiếu thốn trong sinh hoạt, hạn chế giao tiếp, gặp gỡ do tự ti tài chính... thì không phải là một lựa chọn thông minh", cô nói.
Luật sư Phạm Thị Thu (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng câu hỏi trên của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường được đặt ra và nhận được sự quan tâm của dư luận cho thấy việc hiểu và áp dụng quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế, nhận diện về hành vi bạo lực gia đình trong thực tế vẫn còn mơ hồ khó hiểu.
Theo Luật sư, để đánh giá hành vi vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng có bị coi là bạo lực gia đình hay không cần phải căn cứ vào quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành (2007), trong đó có hành vi "Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính".
Luật sư cũng cho biết việc sử dụng thẻ ATM của chồng có phải là bạo lực gia đình hay không phải được đánh giá một cách toàn diện, cụ thể: có sự việc ép người chồng đóng góp tài chính quá khả năng hay không; có sự kiểm soát thu nhập dẫn đến tình trạng phụ thuộc về tài chính như chồng muốn sử dụng tiền để chi tiêu bất cứ vấn đề gì phải được sự đồng ý và cấp phát của vợ... Nếu hành vi đáp ứng đầy đủ các yếu tố nêu trên mới có thể coi là hành vi bạo lực gia đình.
Ngược lại, việc vợ lấy thẻ ATM của chồng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện từ người chồng, không bị cưỡng ép và không nhằm mục đích kiểm soát thu nhập hay tạo ra sự phụ thuộc về tài chính. Ví dụ như giữ thẻ ATM của chồng để giúp việc quản lý chi tiêu tiết kiệm, hợp lý từ đó cân đối tài chính trong đời sống chung của vợ chồng và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt khác của gia đình thì không thể xem là hành vi bạo lực gia đình.
Do đó, theo Luật sư Phạm Thị Thu, việc đặt ra các tình huống cụ thể để áp dụng cho từng dạng hành vi là việc rất khó mà cần có các quy định để nhận diện hành vi bạo lực gia đình và bổ sung theo hướng phân nhóm, khái quát biểu hiện của hành vi và nhận diện sâu hơn, sát với thực tiễn hơn bảo đảm cho việc thực thi, áp dụng dễ dàng, chính xác.
Câu hỏi "Vợ giữ luôn thẻ ATM của chồng có phải là bạo lực gia đình?" vẫn đang gây chú ý trên mạng xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng việc cưỡng ép thành viên đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng được coi là bạo lực gia đình. Về điều này, ông Cường cho hay ở nước ngoài, mặc dù là vợ chồng, nhiều cặp không thể biết, không thể kiểm soát thu nhập lẫn nhau, nhiều nhà chồng và vợ đều có tài khoản riêng.
Hằng Trần