Điện thoại di động thì dùng để nhắn tin tán tỉnh, có thể rù rì cả đêm với nhau mà không sợ ai phát hiện. E-mail thì tha hồ mà viết thư tình, đủ loại hình ảnh, âm nhạc trên mạng để làm quà tặng nhau. Chat qua Yahoo dù ở bao xa cũng vẫn có thể thấy nhau, nói chuyện với nhau hằng ngày. Muốn "thay lời muốn nói" thì có điện hoa, gửi bài hát qua tổng đài 108...
Thế nhưng 5 năm sau, cũng chính những người bạn đó, hầu hết đã lập gia đình đã cảnh báo với tôi: "Nên cẩn trọng với công nghệ cao!".
Chuyện đầu tiên là một anh bạn cực kỳ mê đồ công nghệ cao (high-tech), hễ có mẫu điện thoại di động, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số... nào mới là anh tậu về cho bằng được, kể cả đổi cái cũ lấy cái mới lỗ bao nhiêu cũng chịu. Anh chàng vốn đang xài một điện thoại di động Nokia rất xịn, nhưng lại khoái mẫu máy Samsung mới nên thay vì bán lỗ cho cửa hàng thì để lại cho cô vợ trẻ dùng tạm. Vợ chồng vẫn vui vẻ hạnh phúc cho đến một chủ nhật nọ, anh chàng lấy cả hai máy điện thoại ra nghiên cứu thì mới phát hiện ra máy Nokia cũ của mình có một tính năng hơn hẳn "con" Samsung mới: ghi âm cuộc gọi tự động. Nghĩa là tất cả các cuộc nhận hay gọi đi đều được máy tự động ghi âm, trong một dung lượng cố định 30 phút cuộc thoại gần nhất, cuộc mới cứ tiếp tục ghi chồng lên cuộc cũ. Phát hiện ra tính năng độc đáo cũng là lúc anh chàng phát hiện ra cô vợ trẻ bấy lâu nay nấu cháo điện thoại với một anh chàng khác đầy tình tứ. Cuộc gọi cuối chẳng may lại là một cuộc hẹn hò của cô vợ với anh chàng kia, nên cô vợ không rành tính năng điện thoại không còn gì chối cãi!
Không biết đoạn kết ra sao vì chuyện xảy ra còn rất mới, nhưng đi hỏi mấy chuyên gia di động thì mới biết, hóa ra một số loại điện thoại di động đời mới có thể cài thêm chức năng bằng các phần mềm bổ sung tính năng. Vốn là dân nghiện công nghệ cao nên từ hồi mua máy, ông chồng đã đề nghị người ta cài tất cả những ứng dụng mới nhất rồi sau đó cũng chẳng xài nên quên mất cho tới ngày... phát hiện.
Chuyện khác lại liên quan đến A., vốn là một anh chàng dù có vợ nhưng vẫn cứ "ầu ơ ví dầu" với không ít cô trong công ty. "Ăn vụng" nhưng "chùi mép" rất kỹ nhờ phương châm: không để lại dấu vết nào trong nhật ký điện thọai, hộp thư đi hay hộp thư đến của máy di động, nên dù vợ rất nghi ngờ nhưng không sao có bằng chứng. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", bà xã của A đi tầm sư học... tính năng di động phát hiện ra một lỗ hổng bảo mật mà ông xã không biết, đó là máy Nokia 6230 còn có chức năng "bộ đếm tin nhắn", nếu không biết để xóa thì nó cứ âm thầm ghi đầy đủ việc chủ nhân đã nhắn bao nhiêu tin nhắn đến số máy nào! Khi có được thông tin về tần suất tin nhắn của ông chồng đột biến cho một số máy, mà trong hộp thư đi thì lại không có bất kỳ tin nào còn lưu, thì việc "cháy nhà" là không tránh khỏi!
Phóng viên L. có chồng làm kỹ sư tin học nên có bất kỳ trục trặc máy tính nào cũng được ông xã hỗ trợ tận tình. Có lần cô lỡ tắt mất hộp thoại trên Yahoo Messenger (chat) với một người bạn, trong khi chưa kịp ghi lại thông tin mà bạn thì đã "sign out" (thoát ra không chat nữa), đang vò đầu bứt tai thì ông xã chỉ cách sử dụng tính năng tìm lại toàn bộ nội dung cũ đã chat (vào contact/message archive). Thế là, hướng dẫn một lần nhưng nhớ lâu, nên có dịp chồng đem máy tính xách tay về nhà, L. âm thầm vào kiểm tra lại chức năng đó từ nick name ông xã, thì tá hỏa vì ổng chat lung tung với bồ cũ, dù bấy lâu vẫn thề sống thề chết rằng: "Từ khi lấy em, anh không liên lạc gì với cô ấy!".
Phụ nữ bây giờ cũng không phải lơ mơ với máy móc ứng dụng công nghệ cao, nên khó lòng mà "lấy vải thưa che mắt thánh". Nhiều ông chồng nhát gan thì xóa biệt hết các số di động của “em út” trong máy, kiên quyết thuộc lòng hoặc ghi ra giấy giấu ở cơ quan. Đôi khi những tên bạn độc thân lại được "vinh dự": "Giữ hộ tao mấy số này trong máy của mày nhé, lúc nào cần tao hỏi!". Hay cao thủ hơn bằng cách cứ lưu vào máy nhưng trước tên của các cô cứ thêm một thuật ngữ nào đấy. Chẳng hạn ông bạn nhà báo thì cứ cho thêm chữ PR vào trước các Cúc, Loan, Hồng, Thủy... trong danh bạ di động. Về vợ có thắc mắc thì giải thích: "À, mấy cô ở công ty PR (quan hệ công chúng) ấy mà!", còn giải thích cho tôi thì: "Thế đó chẳng phải là mối quan hệ công chúng còn gì, các cô ấy chẳng quan hệ với khắp công chúng ấy chứ đâu riêng gì mình!". Ông buôn bán xe cũ thì thêm chữ "Moi" (vừa là mồi, mối nhưng vừa là mấy tay mối (cò) xe cũ anh quen í mà!). Ông làm trình dược viên thì lưu bằng chữ Vitamin, vợ hỏi, "À, mấy cô bên trình dược viên sủi vitamin C!", nhưng giải trình lúc trà dư tửu hậu thì: "Ừ, thì như vitamin bổ sung cho cuộc sống ấy mà!"...
Thế nên trong thời đại chung sống với công nghệ cao, nếu có mưu đồ "đứng núi này trông núi nọ" hay "bắt cá hai tay" thì cũng phải dè chừng với các lỗ hổng bảo mật của chính tiện ích từ công nghệ cao. Có lẽ sau bài viết này bạn bè tôi có người sẽ mắng: "Mi làm lộ hết bí mật còn gì!". Nhưng không sao, biết đâu tôi cũng đang giúp được khối người tránh được nguy cơ "cháy nhà"!
(Theo Thanh Niên)