Cuộc sống đô thị hiện đại với những công việc đầy áp lực luôn là mối đe dọa cho những gia đình trẻ. Nhiều đôi phấn đấu có đầy đủ nhà cửa, xe cộ, đồ đạc đắt tiền trong nhà nhưng lại quá thiếu thời gian dành cho nhau.
Sinh nhật, chồng không có mặt, không nhắn tin, gọi điện chúc mừng, Mai cười: "Anh ấy mà nhớ ngày này thì còn nói làm gì. Giờ chắc đang dưới Hải Phòng. Bọn này quen rồi, sinh nhật anh ấy mình không nhớ cũng chẳng sao hết. Đã thỏa thuận với nhau trước khi cưới nên chẳng ai phàn nàn ai bao giờ, như thế không tốt hơn sao".
Chồng Mai ngoài giờ làm việc ở một công ty cầu đường lớn của Bộ Giao thông còn mở thêm công ty tư nhân nữa nên công việc bận tối mắt tối mũi. Sáng đang ở Móng Cái, tối gọi điện đã thấy có mặt ở Thái Nguyên. Còn Mai là nhân viên của một công ty kiểm toán trực thuộc Bộ Tài chính. Giỏi giang, năng động, lại được bố mẹ giúp đỡ nên mới hơn 30 tuổi, vợ chồng họ đã có hai căn hộ chung cư ở khu đô thị mới.
Thế nhưng, rất ít khi họ dẫn bạn bè, khách khứa về nhà. Muốn tiếp ai, chồng Mai đều hẹn ở quán cà phê sang trọng gần khu đô thị. Có tối vừa ở Sơn La về, chưa vội về nhà, anh hẹn bạn tới một nhà hàng vừa ăn uống vừa bàn chuyện công việc, xong xuôi thì đã gần 12h đêm. Liên tiếp như thế, cả tuần hai vợ chồng chẳng gặp nhau, mặc dù có khi anh ở ngay Hà Nội.
Cuộc sống vợ chồng Thu - Ninh cũng tương tự. Dù đã có căn hộ riêng, đầy đủ đồ đạc nhưng bếp ga nhà họ rất ít khi đỏ lửa. Tan giờ làm, chỉ cần thông báo một câu là người nào người nấy cứ việc chọn lựa cách sử dụng buổi tối của mình. Không phải lúc nào cũng phải tiếp khách hay đi đâu đó cùng bạn bè, có khi cả hai đều tranh thủ ở lại công ty làm thêm.
Thường thì về nhà thấy chị Thu ngủ rồi, anh Ninh không dám đánh thức vợ dậy để kể chuyện nọ chuyện kia. Cũng như thế, chị có việc gì quan trọng định bàn với chồng nhưng thấy anh đang căng thẳng bên chiếc máy vi tính, không muốn làm anh phân tán tư tưởng nên lẳng lặng tự tìm cách giải quyết. Thi thoảng lắm vợ chồng họ mới gặp nhau trên bàn ăn buổi tối với hai phần... cơm hộp.
Dần dần, thời gian giao lưu, trao đổi giữa họ ngày càng ít. Bố mẹ thấy mối quan hệ các con mình có vẻ rời rạc, gọi về nhà ăn cơm để nhắc nhở thì anh chị thông tin cho nhau biết qua điện thoại rồi người đến trước, kẻ về sau. Khi bố mẹ nói lên nỗi lo của mình, cả hai đều bảo: "Chúng con vẫn bình thường, có vấn đề gì đâu". Mà họ thấy không có vấn đề gì thật. Cuộc hôn nhân vẫn ổn, vợ chồng không cãi cọ to tiếng, không phàn nàn trách cứ, chỉ có ít cùng nhau đi chơi, ít ăn cơm nhà hơn so với các gia đình khác thôi.
Những gia đình thời cơm hộp không căng thẳng, bức xúc nhưng sự tẻ nhạt đang từng ngày gặm nhấm mái ấm của họ. Có sự lỏng lẻo trong mối quan hệ vợ chồng, và không lâu nữa sẽ là giữa bố mẹ và con cái. Hệ quả kéo theo của nó là gì những người trong cuộc chưa thể lường hết.
Theo các nhà tư vấn tâm lý, không nên nghĩ cuộc sống hiện đại thì vai trò của người phụ nữ trong gia đình sẽ giảm đi. Trái lại, dù có bận rộn thế nào, người vợ khôn ngoan cũng phải biết cách tạo ra một không khí ấm áp để các thành viên trong nhà có sự chia sẻ và hướng về nhau. Việc đó không quá khó nếu những người trong cuộc luôn dành cho nhau tình yêu thương và tôn trọng giá trị của hạnh phúc gia đình.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)