Trong một nghiên cứu của Đại học bang Kansas, Mỹ, các nhà nghiên cứu chỉ ra tranh cãi về tiền bạc là yếu tố hàng đầu để dự đoán một cặp có thể ở bên nhau lâu dài hay không. Khi bạn cố gắng quản lý tiền bạc, bạn có thể nhận thấy sự khác biệt lớn về thu nhập, đặc biệt khi một người là trụ cột gia đình, hoặc nửa kia đang gánh nợ thẻ tín dụng hoặc các khoản nợ. Vì vậy, dù bạn chỉ mới "góp gạo thổi cơm chung" hay đã cố gắng tìm hiểu về cách quản lý chi tiêu trong một mối quan hệ tình cảm, đây là một vài gợi ý để bạn và người ấy tránh các căng thẳng về tài chính.
1. Kết hợp tất cả thu nhập vào một giỏ
Trong trường hợp này, thu nhập của hai bạn đều được gửi vào một tài khoản chung. Cả hai người đều sử dụng tài khoản đó và chi tiêu theo ngân sách đã thỏa thuận. Hiểu một cách nôm na là tất cả tiền vào cùng một giỏ và đi ra khỏi một giỏ.
Để quản lý tài chính theo cách này, bạn cần phải ngồi lại với bạn đời, thống kê thu nhập, sau đó thảo luận và thống nhất về một ngân sách bao gồm tất cả các chi phí chung, từ chi phí nhà ở đến tiền cho tạp hóa và các hóa đơn. Với kịch bản chi tiêu này, bạn hoàn toàn minh bạch về tài chính. Điều này có nghĩa bạn cũng phải đồng ý khi một trong hai chi tiêu tùy ý. Với tình trạng tài chính đan xen, bạn cần thích nghi và cân bằng chi tiêu của mình. Hai bạn ở cùng đội nhóm, hướng tới cùng một mục tiêu.
Trong trường hợp này, không quan trọng nếu một người kiếm được nhiều tiền gấp đôi người kia vì ngân sách này được cân bằng với thu nhập gộp. Nếu thu nhập của một người tăng hoặc thu nhập của người kia giảm, ngân sách sẽ được cân đối để bù trừ. Không có sự phân biệt giữa tiền anh, tiền tôi vì tất cả tiền và chi phí đều được gửi và rút từ cùng một tài khoản này.
2. Kết hợp tài chính và nhận được tiền riêng để chi tiêu
Trong phương pháp này, tiền lương của hai bạn được gửi vào một tài khoản. Tất cả khoản thanh toán, tiết kiệm và tiền chi tiêu riêng của mỗi người đều từ tài khoản này.
Bạn nhận được lợi ích của việc kết hợp tài chính và được phép tự do mua bất cứ thứ gì bạn muốn. Điều quan trọng là phải tính xem mỗi người sẽ nhận được bao nhiêu tiền riêng. Nó sẽ là số tiền bằng nhau hay tỷ lệ thuận với thu nhập hoặc chi phí? Tất cả đều do các bạn tự thỏa thuận. Bạn cũng cần tìm hiểu những khoản chi nào thuộc danh mục chi phí vui chơi. Ví dụ, chi phí khi đi ăn chung là khoản chung hay tính riêng cho mỗi người?
3. Tách biệt tài chính
Hai bạn có tài khoản ngân hàng, ngân sách và hóa đơn riêng biệt. Mỗi người tự kiểm soát tiền của mình. Về mặt tài chính, bạn không cần dựa vào người yêu của mình và họ cũng không phụ thuộc bạn. Nếu nửa kia của bạn không giỏi quản lý chi tiêu, điều đó cũng không ảnh hưởng đến tài chính của bạn.
Cách này có ưu điểm là bạn chỉ phải lo cho chính mình, gồm các tài khoản ngân hàng, tài khoản hưu trí, các khoản đầu tư của bạn. Nhưng cách làm này cũng tồn tại nhược điểm: Bạn có thể vẫn phải lo lắng về mặt tài chính của nửa kia dù ngân sách hai bạn tách biệt nhau, bởi cả hai vẫn cần góp một khoản để lo công việc chung.
Nếu chọn phương pháp này, bạn và người ấy cần thỏa thuận xem ai sẽ lo các hóa đơn cụ thể và tự thu xếp để thanh toán chúng.
4. Mọi hóa đơn được chia đôi để thanh toán
Cả hai bạn đều đóng góp cùng một số tiền để chi trả tất cả các hóa đơn cho chi phí chung như nhà ở, điện nước, kỳ nghỉ, đêm hẹn hò... Bạn có quyền kiểm soát tiền bạc của mình và chia sẻ chi phí với người ấy.
Trong trường hợp này, bạn nên có một tài khoản chung mà mỗi người đóng góp một nửa số tiền để chi trả hóa đơn cho chi phí chung như nhà ở, mua đồ tạp hóa, điện nước. Các bạn cần quyết định xem điều gì sẽ xảy ra khi một khoản chi phí mới xuất hiện. Bạn sẽ thảo luận về việc liệu đó có phải là khoản chi phí chung không? Và dự đoán kịch bản khi người còn lại không đồng ý đó là chi phí chung.
Điểm bất cập của phương án này là việc chia nhỏ các hóa đơn nghe có vẻ công bằng, nhưng có thể gây căng thẳng cho người có thu nhập ít hơn. Việc chia đều các hóa đơn cũng sẽ ảnh hưởng đến những khoản mua sắm lớn trong tương lai như nhà ở vì bạn sẽ phải đảm bảo mỗi người có thể chi trả được.
5. Chia các hóa đơn theo tỷ lệ phần trăm thu nhập của mỗi người
Người kiếm được nhiều tiền hơn sẽ trả tỷ lệ phần trăm lớn hơn của các hóa đơn. Bạn nên giữ tất cả các tài khoản của mình riêng biệt, sau đó mở một tài khoản chung dưới tên của cả hai, đảm bảo mỗi người có đặc quyền như nhau. Tìm hiểu xem bạn và nửa kia kiếm được bao nhiêu và sau đó tính phần trăm thu nhập của mỗi người. Cộng chi phí của tất cả các hóa đơn chung, nhân số đó với tỷ lệ phần trăm thu nhập tương ứng của bạn. Đây là số tiền mỗi người phải đóng góp. Quyết định xem bạn muốn đóng góp vào tài khoản chung hàng tuần, hai tuần hay hàng tháng.
6. Phân chia trách nhiệm cho các hóa đơn nhất định
Mỗi người chịu trách nhiệm về các hóa đơn nhất định. Ví dụ, một người có thể phụ trách chi phí nhà ở, điện, nước và cáp, trả 100% cho các hóa đơn này. Người kia thanh toán 100% chi phí hàng tạp hóa, quần áo và đồ trẻ em.
Hóa đơn có thể được chia theo nhiều cách khác nhau. Các hóa đơn với số tiền lớn hơn có thể đến tay người kiếm được nhiều tiền hơn; hóa đơn hàng tạp hóa có thể được chuyển cho người hay mua hàng tạp hóa.
7. Sống bằng một khoản thu nhập
Tất cả các chi phí của bạn được thanh toán từ phiếu lương của người ấy, còn tiền bạn kiếm được dùng để tiết kiệm. Phương pháp này đảm bảo bạn luôn tiết kiệm tiền và bạn sẽ tiếp tục tìm ra những cách tiết kiệm thông minh vì bạn chỉ sống bằng tiền lương của một người.
Tất cả các khoản đóng góp và chi tiêu tiết kiệm được thực hiện từ một nguồn thu duy nhất này, nên nó cần đến từ người có thu nhập cao hơn. Khoản tiền từ người có thu nhập thấp hơn hoặc không thường xuyên được đưa vào danh mục tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn.
Không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể sống bằng một khoản thu nhập nếu chi phí tiêu dùng hàng tháng của họ cao. Cách làm này là phương án tốt nhất nếu bạn thực sự quyết tâm tiết kiệm tiền.
Khi đọc hết các cách quản lý tiền này, bạn có thể chọn một phương pháp, đừng ngại điều chỉnh hoặc thay đổi nó. Hai vợ chồng cần thử nghiệm các chiến lược khác nhau để tìm ra sự cân bằng hoàn hảo giữa tiền cá nhân và tiền chung. Cân nhắc ưu, nhược điểm của từng chiến lược và quyết định phương pháp nào phù hợp với tình trạng tài chính của hai bạn.
Hằng Trần (Theo Meratas)