Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật, cũng chẳng ai làm hội họa hay điêu khắc, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông và chị Nguyễn Thị Diện đến với công việc điêu khắc tượng chỉ xuất phát từ một chút đam mê từ thuở nhỏ và một sự tình cờ.
“Năm 2001, đang kinh doanh thủ công mỹ nghệ và tượng đá thì tôi xem được chương trình nói về các nghệ nhân điêu khắc tượng sáp ở nước ngoài trên tivi. Lúc đó tôi cảm thấy thán phục vô cùng, bởi tượng họ làm giống như thật. Tôi bỗng cảm thấy hứng thú và suy nghĩ ‘Tại sao mình không thử?'".
Nghĩ là làm, anh Đông lập tức điện thoại cho bạn bè ở nước ngoài nhờ tìm tài liệu và các lớp học làm tượng sáp, tuy nhiên mọi cố gắng đều thất bại vì thông tin về lĩnh vực này không nhiều. Không từ bỏ yêu thích, người đàn ông 36 tuổi và cô vợ nhỏ hơn 10 tuổi vẫn quyết tâm thực hiện "ý đồ".
"Khó khăn đầu tiên để bắt đầu cho việc làm tượng là phải tìm nguyên liệu. Trong đầu tôi luôn nghĩ đến việc lấy gì để làm phôi tượng, sau đó phần sáp làm tượng phải như thế nào. Công trình nghiên cứu này ngốn mất của vợ chồng tôi gần 10 năm”, anh Đông nói.
Ảnh: Tượng la liệt trong phòng nhà điêu khắc |
Nhân vật đầu tiên được anh Đông đưa ra thử nghiệm sau khi đã nghiên cứu thành công phần chất liệu chính là bà xã. Từ mớ đất sét lấy về từ Bình Dương cùng kiến thức hóa học đã tích lũy được, nhà điêu khắc tay ngang bắt đầu thức thâu đêm để chế tác.
“Thời gian đó chồng tôi gần như không ngủ, tôi cũng vậy, ngày nào cũng nhiều giờ liền ngồi dưới ánh đèn tỏa hơi nóng đến nám mặt và căn phòng mịt mù bụi để ông xã tạo hình. Làm không được phải làm lại. Niềm đam mê của anh ấy dần truyền sang cho tôi. Vậy là chồng làm tượng cho vợ, rồi vợ làm tượng cho chồng. Chúng tôi vùi đầu hơn 4 năm trong phòng sáng tác, tôi còn được đi ra ngoài, chứ anh ấy ở mãi trong phòng”, chị Diện kể.
Do trước đó chưa biết gì về điêu khắc nên với vợ chồng anh Đông, việc tạo hình khối đất sét thành phôi giống rất khó khăn. Hai vợ chồng nhiều lần tưởng phải bỏ ngang vì làm mãi không thấy hài lòng, thế nhưng cuối cùng mọi thứ cũng dần ổn.
“Khó nhất là tạo được cái thần cho nhân vật và cái thần nằm ở đôi mắt, nếu không làm được điều này, bức tượng coi như hỏng”, chị Diện nói. Cũng theo nữ nghệ nhân, chỉ riêng việc tạo hình, điểm nhãn, lấy ánh nhìn đã mất đến hơn 2 năm mới thành công. Phần tạo màu da cũng nghiên cứu đến hơn 3 năm.
Thấy đã đủ tự tin, sau hơn 10 năm thai nghén, năm 2013, vợ chồng Đông và Diện bắt đầu nghĩ đến chuyện tạc tượng cho người nổi tiếng. Song khi đó, vợ chồng anh hỏi hết nghệ sĩ này đến nghệ sĩ nọ nhưng không ai nhận lời.
“Một số người sợ xui xẻo vì đang sống tự nhiên bị mang ra làm tượng nên từ chối, số khác lại không biết chúng tôi là ai nên không dám tin tưởng nhận lời. May mắn ca sĩ Lý Hải là người đầu tiên nhận lời”, nữ nghệ nhân nói.
Vài tháng sau, phôi tượng nam ca sĩ được thành hình. Lý Hải không cần ngồi trước mặt hai nghệ nhân mà chỉ được chụp ảnh rồi mở trên màn hình điện thoại để khắc. Sau phần phôi, tượng được đưa vào làm khuôn, rồi đổ sáp, các bộ phận chân tay, đầu, thân người được làm riêng, cả mặt và môi cũng hoàn toàn làm riêng để lắp khi mọi thứ đã gần hoàn tất. Sau khi cấy tóc, gắn râu, mặc trang phục (do chính nhân vật cung cấp), bức tượng nặng hơn 40 kg được ca sĩ hoàn toàn hài lòng bởi thần thái giống hệt anh.
“Sau Lý Hải, một số văn nghệ sĩ nổi tiếng khác bắt đầu tin tưởng nhận lời, trong đó có gia đình giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Bắc Sơn, nghệ sĩ Minh Vương, Thành Lộc, Hữu Châu, Hoài Linh, Tú Trinh, diễn viên Bình Minh, Lê Khánh, các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Nguyên Vũ…, tính đến nay đã hàng trăm tượng sáp sao Việt nhân vật sắp được hoàn thành. Nhiều người trong số ấy đã qua đời, nhiều người khác do không có điều kiện để đến được nhà sáng tác nên chúng tôi chỉ chụp hình của họ rồi nhìn màn hình điện thoại mà khắc”, anh Đông cho biết.
Nhận được không ít ý kiến góp ý khen chê, anh Đông chị Diện thừa nhận không phải bao giờ tượng cũng giống hoàn toàn, vẫn có trường hợp phải phá bỏ làm lại cho vừa ý. Thế nhưng theo các nghệ sĩ đã có tượng, tác phẩm của hai nghệ sĩ giống thật đến hơn 90%. “Tượng của tôi giống tôi đến bất ngờ”, nghệ sĩ Minh Vương nhận xét.
Theo anh Đông, tượng sáp do anh sản xuất chịu được nhiệt độ cao hơn tượng ở nước ngoài. Chi phí cho mỗi tượng khoảng hơn 200 triệu đồng. Sau khi làm tượng các nghệ sĩ gạo cội, anh Đông dự kiến làm tượng sáp các nghệ sĩ trẻ vốn đang được giới trẻ yêu thích.
Những ngày giữa tháng 3, để chuẩn bị ra mắt bảo tàng tượng sáp Việt đầu tiên vào ngày 11/4 với quy mô 160 tượng nghệ sĩ nổi tiếng tại nhà hát Hòa Bình, quận 10, TP HCM, hai vợ chồng Nguyễn Văn Đông - Nguyễn Thị Diện tất bật đến mất ăn mất ngủ.
“16 năm ấp ủ, chúng tôi đã chi khoảng 20 tỷ đồng đầu tư cho tượng, công trình xuất phát từ lòng đam mê hy vọng sẽ làm vừa vui lòng người tạc tượng và cả những du khách đến thưởng lãm”, vợ chồng nghệ nhân nói.
Thiên Chương