![]() |
Bà Dung với “gia tài” kim tiêm. |
Nằm trên chiếc chõng tre ọp ẹp, ông già chỉ còn da bọc xương, thở khò khè khó nhọc. Bà vợ ngồi bên buồn bã lắc đầu, nói với tôi: “Chắc không qua khỏi...”. Nhìn ra, một không khí cô liêu trùm lên chợ quê vắng vẻ. Vợ chồng ông già ấy từ lâu thường quét sạch rác rưởi, xua đuổi bóng thần chết lởn vởn...
Ông cố ngồi dậy, cố nở một nụ cười giao đãi với khách: “Con ở đây được 5-6 năm rồi”. Từ “con” phát ra ở một ông già hơn 70 tuổi làm tôi bất giác lạnh cả người. Phải chăng gần cả cuộc đời đói rách lăn lóc dưới đáy cùng xã hội khiến cho ông luôn thường trực một sự hạ mình, ngay cả trước hàng con cháu như tôi?
Ký ức hãi hùng về năm đói 1945 vẫn còn ám ảnh chăng? Vào năm đó, cậu bé Nguyễn Văn Dung bị bố mẹ bỏ rơi, đi lang thang ăn xin qua ngày rồi dạt vào xã Nghi Liên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, được một đôi vợ chồng nông dân nhận làm con nuôi.
Làm đủ thứ nghề, vắt kiệt sức mà vẫn đói rách, cho đến cuối đời thì cắm neo lại chợ Cấm này, quét chợ mưu sinh. Nhưng ông là một người quét rác khác thường, đã làm cái nghề mạt hạng này trở nên sang hơn bởi rọi vào đó thứ ánh sáng lấp lánh của tình người.
Khu chợ Cấm từng bị nạn ma túy lộng hành, những kẻ nghiện hút lấy đây làm “đại bản doanh” để hành lạc. Qua một đêm, sáng hôm sau người ta thấy khá nhiều kim tiêm. Những chiếc kim tiêm gớm ghiếc ấy nếu không may giẫm phải, rất có thể bị lây nhiễm HIV. Không ồn ào, ông Dung xuất hiện lặng lẽ nhặt sạch những chiếc kim tiêm đó, đem đi chôn.
Ông làm công việc nguy hiểm này, không phải vì ai khiến ai sai, mà hoàn toàn tình nguyện. Rồi chẳng biết tự khi nào, hình ảnh của ông lão già nua này đã gắn chặt với chợ Cấm, cần mẫn, tận tụy và lành như một ông Từ giữ đền.
Có thể nói, công việc quét chợ của ông cũng “miễn phí”, bởi tiền “lương” 12.000 đồng/tháng chẳng bõ bèn gì, chưa đủ cho một gia đình sinh hoạt trong 1 ngày theo chuẩn của Liên Hợp quốc. Nhưng ông đã làm việc như thể được trả một khoản tiền khổng lồ vậy.
Sau một buổi họp chợ, rác rưởi ngập ngụa trên nền đất bùn, ruồi muỗi bay vè vè. Ông xắn tay “đánh vật” với rác. Sáng, chợ Cấm sạch sẽ, lại lao xao bắt đầu một ngày mới với đủ thứ bán mua. Người ta “hồn nhiên” xả rác, để rồi đến chiều muộn, ông già “nô bộc” của chợ lại khua chổi.
“Mần nghề chi cũng phải lương tâm anh ạ. Quét rác chợ cũng không dối được mô, dối dân biết liền”, ông lão nói. Khi một ngày mới bắt đầu vì một lý do nào đó mà chợ Cấm còn vương vài cọng rác, ông lại cảm thấy xấu hổ đến đỏ cả mặt. Chẳng hiểu sao tôi cứ thấy rưng rưng trước lòng tự trọng nghề nghiệp của ông lão quét chợ này, một sự tự trọng đáng quý biết bao, nhưng mà hình như ở thời buổi này đang là “của hiếm”?
Sau khi đã làm cho chợ Cấm quang quẻ, đã thành thói quen, sáng tinh mơ, ông lão lại đi mấy vòng quanh chợ, nhặt hết những chiếc kim tiêm mới mà bọn nghiện hút dùng tối hôm qua. Mặt ông nhăn lại vẻ đau đớn trước những chiếc kim tiêm còn dính máu. Bao nhiêu buổi sáng đã trôi qua, ông không nhớ nổi nhưng lại tẩn mẩn tính ra mình đã nhặt được hơn 5.000 chiếc kim tiêm.
“5.000 kim tiêm nghĩa là ít nhất 5.000 lần bọn nó tiêm chích ma túy vô người. Tốn bao nhiêu tiền của để tự giết mình. Xót quá!”. Xót vậy chứ ông cũng chẳng có cách nào, ông có thể quét sạch chợ, nhặt sạch kim tiêm, chứ không thể ngăn bọn nghiện thôi tiêm chích. Nhưng giờ đây, ngay cả việc quét chợ ông cũng đang bất lực.
Hơi thở yếu ớt, giọng nói đứt quãng, ông Dung không thể tiếp tục câu chuyện với tôi. Tôi ngồi trong túp lều không thể tồi tàn hơn được nữa, nhìn lên trời thấy mây bay, nhìn ngang thấy nắng đã nhạt dần bên chợ.
Túp lều tuềnh toàng che tạm bằng lá chuối khô, không ngăn được gió lùa. Một người ốm nặng như ông, nằm trong đó khác nào “mời” thần chết đến hỏi thăm. Vợ con ông biết vậy mà đành chịu. Xưa nay, nhà ông đã có truyền thống nghèo “gia truyền”. Nghèo đến mức không lấy nổi vợ, đến mức phải đi ăn mày.
Thế rồi, ông trời run rủi, trong những lần lê la ở chợ Vinh, lại gặp một cô gái cũng đi ăn mày, thương nhau thành vợ thành chồng rồi lại dắt díu nhau về quê. Lấy chợ Cấm làm nhà, bán nước chè xanh tùng tiệm cũng đủ sống. Thỉnh thoảng lại có kẻ ăn mày vào nhà ông ăn nhờ, ngủ đậu. Có ai chết đường chết chợ, vô thừa nhận, ông cũng xắn tay làm phúc chôn cất.
Bà Dung, cô gái ăn mày ngày nào, mệt mỏi nói: “Chú ngồi uống nước, tui phải đi mần thay cho ông nhà tui”. Bà cầm lấy cái chổi, bước ra chợ. Tôi theo chân bà Dung đang quét rác và nhặt kim tiêm. Trời vừa mưa xong, nước đọng thành vũng, thứ đất bùn ở chợ trở nên nhầy nhụa, dính chặt rác rưởi như keo.
Bà Dung phải dùng tay “nhổ” rác gom lại. Sau đó, mới đi tìm những chiếc kim tiêm. Bà nhặt được hai kim tiêm dính máu ở lều chợ. Rồi ba, cái bốn cái kim tiêm, tất cả đều ở những địa điểm mà vợ chồng bà đã thuộc làu.
Bỗng bà đi vào chỗ bùn trơn như mỡ, trượt ngã. Tôi thấy chiếc kim tiêm đâm vào bàn tay nhăn nheo của bà. Một dòng máu đỏ tươi chảy ra, nhỏ giọt xuống bùn. Nếu như chiếc kim tiêm ấy bị một kẻ nhiễm HIV vừa chích xong, thì bà Dung chắc sẽ bị lây nhiễm.
Những chiếc kim tiêm mà bọn nghiện vừa sử dụng xong, cũng có thể gọi là tử thần. Ý nghĩ đó làm tôi rùng mình. Nhưng bà Dung bình thản đứng dậy, lấy tay xoa lên để cầm máu, rồi lại tiếp tục làm cái việc nguy hiểm mà chẳng được ai trả tiền cả.
Sự bình thản của bà làm tôi kinh ngạc. Bà không biết đến đại dịch HIV/AIDS đang được cả thế giới nói đến hàng giờ? Hay bà cho rằng sống đến tuổi này cũng là quá đủ rồi chăng? Như đọc được ý nghĩ của tôi, bà Dung cười: “Chuyện thường thôi. Ông nhà tui bị nhiều rồi”.
Bà Dung chỉ tay: “Chỗ này là nơi mấy thằng thanh niên choai choai hay đua xe máy chích, chỗ kia là của mấy ả cave. Trước đây sáng nào ông nhà tui ra đó cũng nhặt được kim tiêm. Có lúc một buổi nhặt được 25 kim tiêm. Nhưng bây giờ công an làm rát quá nên ít thấy. Ông nhà tui cũng chỉ đường cho công an xã bắt bọn nghiện đấy”.
Có con nghiện chích xong còn viết lên trên lều chợ hai chữ “Hận đời”, ông Dung không biết chữ, nhưng nghe người ta đọc lại, bực lắm. Ông nhờ anh con trai dạy cho dòng chữ “Hãy nói không với ma túy”, rồi viết đè lên hai chữ “Hận đời”. Ấy là theo lời bà Dung kể lại, chứ ông lão quét chợ đang vật lộn với thần chết thì đâu thể nói cho tôi nghe những “chuyện vặt” ấy được. Ông mệt nhọc hỏi vợ: “Chợ sạch chưa?”.
Một năm sau. Tôi trở lại chợ Cấm. Chợ chiều vắng ngơ ngắt càng khiến cho túp lều của vợ chồng ông Dung thêm cô quạnh. Chỉ còn lại bà Dung ngồi trên manh chiếu, gương mặt già nua khuất trong bóng tối: “Ông nhà tôi mất được gần 1 năm nay rồi”.
Sau trận ốm liệt giường nhưng cơm cũng chẳng đủ no, thuốc men là thứ xa xỉ, ông Dung trút hơi thở cuối cùng. Bà lay mãi cánh tay ông, khóc không thành tiếng. Cả một đời đói khổ, đến khi ông chết bà cũng chẳng mua nổi cho chồng một cỗ quan tài. Ông nằm bất động trên manh chiếu rách, mắt không chịu nhắm có lẽ vì thương người vợ già giờ trơ trọi trên cõi đời.
Làng xóm xúm đến lo đám tang cho ông Dung. Xã Nghi Liên góp tiền mua cho ông cỗ quan tài. Đám tang người từng đi ăn mày và cho đến khi mất vẫn chưa biết bố mẹ mình là ai chẳng ngờ lại đông đến vậy. Những người đưa đám hầu hết đều đã đi chợ Cấm và tận thấy hình ảnh vợ chồng ông già lặng lẽ quét chợ, nhặt kim tiêm...
Sau đám tang, bà lại trở về với chợ. Buổi sáng, bà nấu ấm chè xanh bán cho khách. Cố gắng tằn tiệm qua ngày nhưng chẳng đủ ăn. Bà nói trong tiếng thở đứt quãng: “Có nhiều bữa tui phải nhịn đói. Mấy anh chị hàng thịt, hàng cá... ở chợ động lòng thương thỉnh thoảng cho ít tiền lẻ mua gạo, nhưng nhận lắm tui cũng ngại. Tui có nuôi một con chó để làm bạn nhưng nhiều hôm chó cũng nhịn đói làm tui thấy ngại quá”.
“Con trai không giúp được gì cho mẹ à”? Bà chưa kịp trả lời câu hỏi của tôi thì một người đàn ông từ cánh đồng chạy vào. Đó là Nguyễn Quyết Thắng, con trai của vợ chồng bà Dung, sinh năm 1970 mà trông già và đen đúa như thể đã 50 tuổi. Thắng bảo: “Tui thấy mẹ có khách nên sang đây. Mẹ tui ở một mình, bảo bà sang ở cùng nhưng bà không chịu, vì lo không có ai nhặt kim tiêm ở chợ. Mà bà cũng biết nhà tui cũng đói quá”.
![]() |
Bà Dung và con trai Nguyễn Quyết Thắng ở chợ Cấm. |
Thắng chỉ tay về một túp lều lẻ loi giữa cánh đồng. “Nhà” của vợ chồng Thắng. Cả gia đình Thắng sống đó như ốc đảo. Không điện. Không nước. Vì không tiền. Cả hai vợ chồng đi cày thuê cuốc mướn, nuôi hai đứa con còn đứt bữa, biết mẹ đói mà chẳng giúp gì được.
Chiều muộn, bà Dung đưa tôi đi xem “bãi chiến trường” kim tiêm. Gia tài của bà già nghèo khổ này bây giờ là một “rừng” kim tiêm. Kim tiêm nhiều khi vứt không kịp. Bà vốc một nắm kim tiêm nhét tạm trên mái chợ, bảo: “Sáng nào cũng nhặt được một vốc, máu me dính đầy kim tiêm, trông chẳng muốn ăn sáng nữa. Chẳng hiểu sao mấy cháu thanh niên lại dại thế, tui thế này còn muốn sống mà các cháu còn trẻ lại muốn hủy hoại cuộc đời?”.
Số lượng kim tiêm so lần trước tôi đến có vẻ như “năm sau cao hơn năm trước”. Bà Dung giờ lưng còng hơn và chỉ còn một mình vẫn cần mẫn hàng ngày đi nhặt kim tiêm, đều đặn như sáng nào bà cũng cầu nguyện. Bà sẽ theo cái nghiệp ấy cho đến khi nhắm mắt xuôi tay như chồng mình. Dù bữa đói, bữa no...
(Theo Tiền Phong)