Thứ sáu, 6/10/2017, 08:05 (GMT+7)

Vợ chồng già hơn 30 năm mưu sinh bên bến sông nuôi con bị tật

Chồng bị liệt, con trai đầu câm bẩm sinh, con gái mất sớm, người đàn bà chèo đò bên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) cứ ngẫm hoàn cảnh lại ứa nước mắt.

Vợ chồng bà Trần Thị Sáng (73 tuổi) và ông Nguyễn Văn Thực, trú xã Hương Thuỷ (Hương Khê, Hà Tĩnh) làm nghề chèo đò ở bến sông xóm 8 hơn 30 năm nay. 

Hai vợ chồng có bốn người con (ba trai, một gái). Cả hai có một căn nhà nhỏ lụp xụp ở xã Hương Thủy, do khó khăn nên các con không được ăn học tử tế, ở nhà theo bố mẹ bám sông mưu sinh.

Người con cả là anh Nguyễn Văn Hành (nay 50 tuổi) sinh ra bị câm bẩm sinh, chậm hiểu. 20 tuổi, anh lập gia đình với một cô gái cùng xã. Vì nghèo đói, chồng bệnh tật, người vợ bỏ về nhà ngoại. Hành từ đó trở đi ở vậy, theo bố mẹ chèo đò.

Bà Sáng cho biết cô con gái duy nhất bị một người trong xã xâm hại vào năm 18 tuổi, sinh hạ một bé gái rồi bỏ đi biệt xứ, 28 tuổi cô qua đời vì bệnh nặng không có tiền chữa trị. Cháu gái của bà Sáng nay đã hơn 20 tuổi, cũng đang ở xứ xa.

May mắn mỉm cười cho gia đình khi có hai cậu con trai lấy vợ và lập gia đình, song cuộc sống khó khăn nên cũng không giúp gì được nhiều cho ông bà. Thỉnh thoảng mưa gió, vợ chồng bà lên nhà của người con trai thứ ba trú ngụ.

Hàng ngày, ông bà chèo đò chở học sinh, người dân từ bên này sang bên kia sông Ngàn Sâu để đi học, buôn bán.

Chiếc thuyền nan cũ kỹ có bếp, nơi treo quần áo, bát đũa để nấu nướng, sinh hoạt.

Chồng bà Sáng bị liệt hai chân từ hàng chục năm nay, lên thuyền phải bò bằng tay, đi trên đường thì phải chống gậy. Bị liệt, song ông thường ngồi trên thuyền, thỉnh thoảng chèo đò, đỡ đần giúp vợ.

"Trước kia, một ngày có một bát cơm đã là vui mừng. Nay khá hơn, bữa cơm vẫn là gạo chợ nước sông, có thêm nhút và cà. Thịt cá thì theo bà Sáng là gần như xa xỉ, hiếm họa lắm hơn một tuần mới tích góp mua được một lần", bà Sáng nói.

Theo ông Thực, cha mẹ khổ, sinh con ra thấy chúng khổ theo, ngẫm đau lòng lắm nhưng biết làm thế nào. "Hơn 30 năm qua, ba người sống trên thuyền này, ai cho gì thì sử dụng, không đòi hỏi", ông Thực cho hay.

Anh Hành (con trai bà Sáng) sống với bố mẹ già trên sông hàng chục năm nay, thỉnh thoảng lên cơn thần kinh, anh chèo đò môt mình giữa sông. Hai vợ chồng già lo sợ, sau này sức khỏe yếu đi, sợ con trai khổ càng thêm khổ.

Bà Sáng cho hay công việc chèo đò mỗi năm người dân trả cho 5-6 kg thóc, nhưng cuối năm thì gia đình mới nhận được. Thỉnh thoảng có nhiều người đi ngang thương hoàn cảnh nên cho thêm ít tiền tiêu.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, cho biết gia đình bà Sáng thuộc diện hộ nghèo, để hỗ trợ, chính quyền xã có trợ cấp xã hội cho bà và người con trai mỗi tháng hơn 300.000 đồng. "Tính cả các nguồn trợ cấp và tiền thóc mà người dân trả vào cuối năm, trung bình mỗi ngày gia đình bà Sáng thu nhập được khoảng 30.000 đồng", ông Thọ nói.

Đánh giá phiên bản mới