Sau bao năm ấp ủ, chị Nguyễn Thị Việt Hà (31 tuổi, tại xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) vừa "tậu" ngôi nhà khang trang 5 tầng có đủ phòng tập phục hồi chức năng, khu vui chơi, lớp học... Đây là mái ấm cho hơn 140 trẻ tự kỷ vui chơi, học tập thay vì đi thuê mặt bằng, phải chuyển 4-5 địa điểm như trước kia.
Để có mái ấm như bây giờ, 2 vợ chồng đã lên kế hoạch và ấp ủ dự định từ khi cả 2 còn tay trắng. Nhớ lại chuyện cũ, chị Hà tâm sự: "Tôi và chồng kết hôn từ năm 2011, khi cả 2 là sinh viên mới ra trường. Sau tốt nghiệp, chồng đi làm kỹ sư cho một công ty sản xuất, còn tôi vừa tốt nghiệp Khoa Giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm Hà Nội nên công việc còn nhiều bấp bênh. Để cải thiện cuộc sống gia đình, tôi chăm chỉ nhận công việc làm gia sư tại nhà cho một số học sinh khuyết tật ở thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Khi số lượng học sinh ngày một đông lên, 2 vợ chồng mới quyết định mở trung tâm giáo dục Khai Trí để nhận các bé về nhà dạy học".
Chị Hà cho biết, khi mở trung tâm, tuy không có đồng vốn nào nhưng nhờ vào số tiền hai vợ chồng tiết kiệm mỗi tháng nên cũng sắm sửa và mua dần dần được một ít đồ dùng cho gia đình và lớp học.
Mở lớp học, mỗi khi thấy có những em nhỏ kém may mắn, lâm vào tình cảnh éo le, hai vợ chồng lại cảm thấy đau lòng, thương cảm, chính vì thế 2 vợ chồng đã sẵn sàng giúp đỡ và dạy học miễn phí, yêu thương các bé như con đẻ của mình. Mỗi khi nhìn những ánh mắt ngây thơ, non nớt của các em, chị Hà lại thấy mình cần phải cố gắng, nỗ lực hơn. Bởi chị không chỉ đứng trên vai trò là một cô giáo mà nhiều khi chị còn là người mẹ, người bạn đồng hành cùng các em.
Vốn sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, chị Hà vẫn luôn đau đáu với những em nhỏ mắc chứng bệnh tự kỷ, thiểu năng ở địa phương, cô gái trẻ khi ấy nuôi hy vọng quyết tâm thi vào chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Nghề giáo dục trẻ đặc biệt đối với chị Hà là một niềm đam mê nhưng hành trình đó không kém phần gian nan.
Khi xây dựng trung tâm giáo dục Khai Trí, chị Hà luôn mong muốn nơi đây sẽ trở thành ngôi nhà tràn ngập hạnh phúc cho những "thiên thần" đặc biệt, vì tất cả trẻ em khi sinh ra xứng đáng được sống một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ và an nhiên.
Dự định, ấp ủ của chị Hà là thế, nhưng cuộc đời có đâu là mơ, ngày chị Hà chuẩn bị hành lý đi sinh bé đầu, cũng là ngày mà chồng chị lên cơn đau bụng dữ dội, phát hiện bị viêm ruột thừa cấp phải mổ gấp. Thêm một lần khác, khi chồng chị trên đường đi làm về nhà - quãng đường dài hơn 50km, thì chẳng may bị tai nạn và phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức mổ một bên chân, nối gân với chi phí lên đến 100 triệu đồng.
"Những giai đoạn ấy, tưởng chừng 2 vợ chồng không thể trụ nổi, không thể tiếp tục đồng hành cùng các con trên con đường trở lại một đứa trẻ bình thường. Nhưng may sao ông trời thương, tất cả mọi chuyện đã qua", chị Hà tâm sự.
Cùng với việc nhận dạy học, hai vợ chồng chị Hà còn dang tay giúp đỡ, cưu mang, dạy học miễn phí hoặc giảm 50% học phí cho những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như có bé mắc chứng khuyết tật trí tuệ, bố bị bệnh tâm thần, mẹ thì bị trầm cảm. Hay có em thì mồ côi bố, từ nhỏ đã mắc các căn bệnh như tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ... Trung tâm sẽ hỗ trợ tiền ăn uống và sinh hoạt, lẫn học tập cho các em.
"Hiện tại tôi đang nhận nuôi và dạy học miễn phí cho 12 em đều thuộc diện có hoàn cảnh éo le. Như bé Phan Huy Đạt (13 tuổi) tôi nhận nuôi từ lúc 3 tuổi. Đến nay bé đã học lớp 5 và có thể hòa nhập bình thường với bạn bè. Còn nhớ, ngày đầu tiên bé Đạt vào lớp 1 cũng là lúc bố bạn ấy bị đột tử. Sau đó ông nội cũng bị tai biến nằm liệt một chỗ, bà ngoại bị ung thư... hoàn cảnh quá thương tâm nên 2 vợ chồng quyết định giúp con vô điều kiện", chị Hà tâm sự.
Để nuôi dạy miễn phí cho các em, chị Hà đã phải bớt một phần lương thưởng và chế độ của giáo viên mới đủ kinh phí duy trì trung tâm.
"Có nhiều lúc tôi và các cô cũng bị áp lực từ việc bị học sinh cắn, đánh, ném đồ vật, phá phách, chạy nhảy... do chứng rối loạn phát triển trong cơ thể các em. Có những lúc mệt mỏi và chán nản, nhưng khi nhìn những ánh mắt ngây thơ, non nớt tôi không đành lòng để các con như vậy. Đến nay sau nhiều năm, có nhiều em đã hòa nhập với cộng đồng và trở lại trường học như các học sinh bình thường. Điều đó khiến 2 vợ chồng và các cô giáo ở trung tâm rất vui mừng", chị Hà chia sẻ.
Chị Hà chia sẻ thêm, để có thể giúp đỡ các con như ngày hôm nay, tất cả là nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ phía sau của chồng. 10 năm bên nhau, chưa bao giờ anh chị cãi nhau vì tiền. Nhiều lúc tủi phận, hai vợ chồng chẳng còn biết làm gì, chỉ cố gắng động viên nhau.
"Quãng thời gian 10 năm lập gia đình tuy không đủ dài nhưng tôi đã hiểu ra rằng, gia đình hạnh phúc không phải là gia đình sống trong một ngôi nhà to. Với tôi, gia đình hạnh phúc phải luôn đầy ắp tiếng cười, niềm hạnh phúc. Đây cũng là động lực để tôi hướng các con tại ngôi nhà Khai Trí có thể có được", chị Hà tâm sự.
Ông Hà Khắc Tự - Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa cho biết, ở địa phương gia đình chị Nguyễn Thị Việt Hà đã đạt danh hiệu gia đình văn hóa trong 3 năm liên tục. Đây là một trong những gia đình trẻ tiêu biểu của xã khi thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
"Không chỉ về những thành tích gia đình, mô hình giáo dục và nuôi dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng cần được nhân rộng và phát triển", lãnh đạo xã Hoàng Hoa nói.
Lê Liên