Vựa rau Nguyễn Xuân Thiên phải thuê nhà dân và chiếm luôn mặt đường Tô Hiến Thành để tập kết rau lên xe chở về Biên Hòa. |
Sáng 16/2, chiếc barie ở chợ rau Tô Hiến Thành (TP Đà Lạt) được thả xuống, chắn không cho xe vận chuyển rau ra vào. Đồng thời 110 đầu mối tiêu thụ (chủ vựa) cùng trên 1.200 người lao động (làm các công việc: vận chuyển, rửa rau, đóng gói, bốc vác...) cũng bị buộc phải rời khỏi chợ để lấy mặt bằng giao cho một công ty sản xuất đồ điện tử. Chính quyền phường 3, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang thực hiện lệnh của UBND TP Đà Lạt về việc giải tỏa chợ rau...
Theo thống kê, mỗi ngày tại chợ rau này có 70-100 xe tải chở 560-1.000 tấn rau các loại của Đà Lạt đi về các tỉnh và Campuchia. Các chủ vựa cho biết, vì không có địa điểm để tập kết rau và đóng hàng nên những ngày qua họ buộc phải từ chối khá nhiều đầu mối ở miền Tây và miền Trung mà chỉ tập trung hàng cho mối lái ở TP HCM.
Số lượng rau thu mua của nông dân vì thế cũng giảm đến hai phần ba. Nhiều loại rau đã rớt giá 20-50%. Chị Liêu Tiểu Chân, một đầu mối chuyên đóng rau đi Campuchia, cho hay, lâu nay mỗi ngày đưa qua đó 5-8 tấn thì nay chỉ còn tối đa 3 tấn...
“Nếu không có chợ thì những ngày tới đây lượng thu mua và xuất đi sẽ giảm thêm nữa. Không chừng mất luôn thị trường Campuchia”, chị Chân lo lắng nói. Còn bà Phạm Thị Cườm, một chủ vựa, thì cho rằng nếu hàng Đà Lạt đi các tỉnh bị gián đoạn, hàng Trung Quốc nhân cơ hội tràn vào thế chỗ, khi đó rau Đà Lạt mất luôn thị trường phía Nam.
Không còn chợ, những ngày qua nhiều nông dân phải ra đường Tô Hiến Thành, Đống Đa để “rước” các chủ vựa vào mua hàng, nhưng nhiều chủ vựa lắc đầu, hoặc hẹn “ít hôm nữa” cho đến khi có chợ. Nông dân Dương Hồng Huệ nói rẫy cà rốt 7 sào, ước trên 20 tấn của chị đã quá kỳ thu hoạch nhưng gặp lúc “vỡ chợ” nên không biết đến khi nào mới bán được, dù chị đã túc trực ở chợ rau này cả tuần nay để năn nỉ người mua.
UBND xã Xuân Thọ xác nhận, việc san ủi mới bắt đầu hôm 19/2, tức bốn ngày sau khi buộc các hộ thu mua rau ở chợ Tô Hiến Thành phải rời khỏi chợ. Chợ tạm được trưng dụng mặt bằng sân bóng của phường 11 làm bãi, còn các chủ vựa rau tự lo cất dựng nhà kho... Chợ tạm là cách chữa cháy sau khi các chủ vựa rau khiếu nại với UBND TP Đà Lạt...
Ông Trần Tưởng, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, phụ trách việc tổ chức di dời chợ rau Tô Hiến Thành, cho biết: Chúng tôi thực hiện cho được chỉ đạo từ UBND tỉnh (từ giữa tháng 11/2005) để kịp bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Dự án này của Công ty TNHH Aroptech VN triển khai sẽ giải quyết đến trên 1.000 lao động. Thật ra từ khi tỉnh thông qua dự án cho Aroptech vào giữa tháng 11/2005, chúng tôi đã triển khai thông báo việc giải tỏa xuống chợ rau Tô Hiến Thành. Tôi thấy không có gì gọi là cập rập cả, theo quy trình hết đấy thôi! Chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng chợ rau đầu mối chính thức tại khu Hầm Đá, phường 11. Trước mắt sẽ cho xây một chợ tạm để tạm di dời, trong khi chờ xây xong chợ chính. Chợ chính đang chờ tỉnh phê chuẩn việc chọn nhà thầu xây dựng. Sau khi tỉnh phê duyệt sẽ tổ chức đấu thầu, tiếp đó sẽ triển khai xây dựng trong vòng năm tháng. Còn chợ tạm vừa bắt đầu cho san ủi hôm 16/2... Trong số gần 120 chủ vựa, một số quay về ngồi nhà... thở than, người khác đi thuê mặt bằng ở các nhà dân, số khác thì tranh thủ những bãi đất trống làm “chợ” thu mua rau, có chỗ đóng hàng lên xe. Đường Tô Hiến Thành bỗng chốc biến thành chợ rau do các chủ vựa rau mất chợ “đáp” liều để đóng rau. Họ phải làm thế vì không thể hủy bỏ mối hàng đang chờ rau Đà Lạt. |
(Theo Tuổi Trẻ)