Nguồn tin từ Đại diện phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Cơ quan Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết: chiều ngày 11/12, cơ quan này đã đến Ban Thư ký Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để trao thư của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thông báo việc Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam tại kỳ họp Quốc hội tháng 11.
Đại sứ Eirik Glenn, Chủ tịch Đại hội đồng WTO và ông Rufus Yerxa, Phó tổng giám đốc WTO cùng có mặt trong buổi lễ tiếp nhận văn bản nói trên. Cả hai vị lãnh đạo chúc mừng Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, đồng thời đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam đã nhanh chóng phê chuẩn văn kiện gia nhập. Theo quy định của WTO, 30 ngày sau khi thông báo phê chuẩn được chuyển tới Ban Thư ký WTO, tức là ngày 12/1/2007, Việt Nam sẽ bắt đầu hưởng các quyền lợi và có nghĩa vụ thực hiện cam kết gia nhập WTO.
Trao đổi với báo chí tại cuộc gặp giữa đại sứ Việt Nam với doanh nghiệp sáng 12/12, Đại sứ Việt Nam tại Geneva Ngô Quang Xuân cho rằng: "Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO. Do đó, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ có một số cơ chế sửa đổi hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao tại Geneva".
Phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Geneva với tư cách là thành viên chính thức của WTO sẽ tham gia vào vòng đàm phán Doha vừa được khởi động lại hồi tháng 11 nói lên tiếng nói của Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của ngành nông nghiệp trong nước - vốn là vấn đề bế tắc tại vòng đàm phán Doha lâu nay. Hàng loạt các công việc khác như sắp xếp lại nhân sự theo từng nhóm công việc cụ thể và từng đối tác, tổ chức bộ phận giải quyết các tranh chấp kinh tế thương mại dự kiến sẽ phát sinh rất nhiều sau khi Việt Nam hội nhập WTO cũng được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Geneva tính tới. "Tôi vẫn lo doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về các khó khăn trong thời điểm chuyển giai đoạn sau khi gia nhập WTO, rất dễ bị hụt hẫng. Từ ngày 12/1/2007 nếu bị cản trở vì bất cứ lý do nào ở thị trường nào, doanh nghiệp cần báo ngay cho Chính phủ hoặc các cơ quan đại diện để kịp thời giải quyết theo quy định của WTO. Vì đó là quyền lợi chúng ta đấu tranh cả thập niên mới có được", ông Xuân nói.
(Theo Thanh Niên)