Nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, Hà Nội là trung tâm chính trị và tôn giáo từ buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Năm 1010, Lý Công Uẩn xây dựng kinh đô ở vùng đất này với cái tên Thăng Long. Suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, kinh thành Thăng Long là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả miền Bắc. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại. Trải qua hai cuộc chiến, Hà Nội trở thành thủ đô của Việt Nam cho tới ngày nay.
Hồ Gươm nằm ở trung tâm lịch sử của thành phố, là khu vực sầm uất nhất, luôn giữ vị trí đặc biệt. Khu phố cổ, trung tâm lịch sử của Hà Nội, hiện nay vẫn là khu đông đúc nhất. Địa giới không gian khu phố cổ là một hình tam giác cân với đỉnh là phố Hàng Than, cạnh phía Đông là đê sông Hồng, cạnh phía Tây là Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Da, còn đáy là trục Hàng Bông-Hàng Gai-Cầu Gỗ. Qua nhiều năm, cư dân sinh sống nhờ nghề thủ công, buôn bán tiểu thương đã hình thành các con phố nghề đặc trưng mang những cái tên như Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đường, Hàng Thùng...
Nhà hai bên đường khu phố cổ đều theo kiểu nhà ống, mang nét đặc trưng: bề ngang hẹp, chiều dài sâu, đôi khi thông sang phố khác. Bên trong nhà có cách bố trí gần như nhau: gian ngoài là nơi bán hoặc làm hàng, tiếp đó là khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng, trên sân có bể cạn trang trí, quanh sân là cây cảnh, giàn hoa, gian nhà trong mới là nơi ăn ở và nối tiếp là khu phụ.
Khu thành cũ gồm các phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú.... Những con đường ở đây rộng, dài và được trồng nhiều cây xanh. Các biệt thự mang kiến trúc Pháp trang trí cầu kỳ, tỷ mỉ. Một công trình kiến trúc tiêu biểu và quan trọng của khu thành cũ là Phủ Toàn quyền, ngày nay là Phủ Chủ tịch, được xây trong khoảng 1900 đến 1902. Một công trình quan trọng của thành phố là Nhà hát Lớn nằm ở đầu phố Tràng Tiền, được xây từ 1902 tới 1911, theo mẫu Opéra Garnier của Paris.
Từ nhiều thế kỷ, vị thế kinh đô đã biến Thăng Long - Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục của Việt Nam. Từ giữa thế kỷ 15 tới cuối thế kỷ 19, Hà Nội luôn là một trong những địa điểm chính để tổ chức các cuộc thi khoa bảng, nhằm chọn nhân tài bổ sung vào bộ máy quan lại. Ngày nay Hà Nội vẫn là trung tâm giáo dục lớn nhất Việt Nam.
|
Khuê Văn Các, Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Hoàng Phương. |
Hà Nội trước kia nổi tiếng với các làng nghề phong phú, thể hiện qua thành ngữ quen thuộc "Hà Nội 36 phố phường". Theo thời gian, bộ mặt đô thị của khu phố cổ có nhiều thay đổi, nhưng những con phố nơi đây vẫn giữ nguyên cái tên thuở trước và không ít trong số đó vẫn là nơi buôn bán, kinh doanh các mặt hàng truyền thống.
Tại Hà Nội có thể thưởng thức những món ăn của nhiều vùng đất khác nhau, nhưng ẩm thực thành phố có những nét riêng biệt. Cốm làng Vòng được người dân của ngôi làng cùng tên thuộc quận Cầu Giấy làm đặc trưng bởi mùi thơm và màu sắc. Cốm làm từ giống nếp vàng gặt khi còn non, gói trong những tàu lá sen màu ngọc thạch và được rao bán ngay từ sáng sớm.
Một món khác của Hà Nội, tuy xuất hiện chưa lâu nhưng đã nổi tiếng, là chả cá Lã Vọng. Vào thời Pháp thuộc, gia đình họ Đoàn phố Hàng Sơn, ngày nay là phố Chả Cá, đã tạo nên một món ăn mà danh tiếng của nó làm thay đổi cả tên con phố. Chả được làm từ thịt cá lăng thái mỏng ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm rồi kẹp vào cặp tre nướng trên lò than ngay trên bàn ăn của thực khách. Chả cá Lã Vọng phải ăn nóng, kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ, chấm với mắm tôm.
Phở là món ăn phổ biến ở Việt Nam, nhưng phở Hà Nội có những cách chế biến đặc trưng riêng. Phở Hà Nội mang vị ngọt của xương bò, thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà không dai, màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Sau khi được trần qua nước nóng, bánh phở được dàn đều trong bát, bên trên là lát thịt mỏng cùng hành hoa, rau thơm. Cùng với thời gian, nhiều món phở mới xuất hiện với những cách chế biến khác nhau, như phở xào, phở rán...
Ở Hà Nội còn có nhiều món ăn đặc trưng khác như bún thang, bún chả, bún nem, bún bung, bún mọc, đậu phụ Mơ, bánh tôm Hồ Tây, tào phớ An Phú, nem chua làng Vẽ...
Là nơi giao thoa của những nền văn hóa lớn, hơn một nghìn năm Bắc thuộc đã để lại Thăng Long - Hà Nội ít nhiều dấu ấn của nền văn minh Trung Hoa. Khi người Pháp vào Việt Nam, Hà Nội biết tới nền văn minh phương Tây để rồi xây dựng nên những cơ sở đầu tiên của nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại với tân nhạc, thơ mới, hội họa, văn học hiện đại, điện ảnh, nhiếp ảnh.
Năm 1999, Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng thưởng thành phố danh hiệu "Thủ đô anh hùng".
Chương trình Vitamin cho tâm hồn số 40 xin mời các bạn cùng dành ít phút hòa vào bầu không khí nhộn nhịp, rộn ràng của thủ đô Hà Nội trước ngày sinh nhật 1000 năm tuổi và lắng nghe những cảm nhận rất khác nhau về Hà Nội.
36024
|
Lắng nghe Vitamin cho tâm hồn chương trình số 40. |
Chủ đề bạn muốn nói chuyện trong chuyên mục "Trò chuyện cùng tâm hồn" trong tháng 11 là gì? Ba độc giả có gợi ý về chủ đề ấn tượng và gửi nhanh nhất về địa chỉ camxuccuocsong@ngoisao.vnexpress.net sẽ nhận quà tặng là một cuốn Hạt giống tâm hồn, một album tuyển chọn Vitamin cho tâm hồn cùng cốc lưu niệm của tòa soạn. Khi gửi mail, độc giả gửi kèm đầy đủ thông tin cá nhân (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc).
Chúc các bạn một tuần mới nhiều niềm vui.
Ban biên tập
Danh sách độc giả nhận quà tặng đố vui của 'Vitamin cho tâm hồn'