Cách đây 30 năm, ẩm thực Việt bắt đầu xuất hiện ở Nhật, phổ biến nhất là phở, bún và nem. Năm 2016, xứ Phù Tang trở thành quốc gia đầu tiên có "Ngày của phở" (4/4). Hầu hết thành phố lớn nước này đều có nhà hàng Việt và phở là lựa chọn số một của thực khách.
Ông Mori Kazuki - CEO Công ty Food Force - cho biết: "Năm 2022, chúng tôi mở nhà hàng đầu tiên của chuỗi Vietnamdeli Coffee và phở là món được yêu thích nhất. Khoảng 80% khách Nhật gọi phở dù menu còn nhiều món khác như bún, bánh mì, xôi".
Không ít khách thổ lộ muốn thưởng thức phở thường xuyên nhưng do công việc bận rộn, họ ít có dịp đến nhà hàng. Trong khi đó, tự nấu phở tại nhà tốn thời gian, khó khăn, nhất là khâu tìm mua nguyên liệu, sơ chế, hầm nước dùng từ xương và chế biến thịt. Các siêu thị ở Nhật cũng không bán sợi phở tươi. Ngoài ra, để gia giảm gia vị đúng chất phở Việt cần bí quyết riêng.
Hiểu rõ nhu cầu của khách, CEO Mori nghĩ đến việc sản xuất phở đông lạnh, giúp người Nhật thưởng thức món ăn nổi tiếng Việt Nam bất cứ lúc nào. "Ngoài ra, tôi cũng mong cộng đồng người Việt tại Nhật dễ dàng ăn phở chuẩn vị quê nhà mà không tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức", ông Mori nói.
Hồi tháng 3, Vietnamdeli giới thiệu set phở đông lạnh tại triển lãm Foodex Japan 2023, Tokyo. Sau thời gian dùng thử, nhiều thực khách Nhật phản hồi tích cực, lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng.
CEO Mori cho biết set phở đông lạnh được sản xuất bằng công nghệ Nhật, điểm nhấn là sợi phở tươi, thay vì sợi khô. "Khi phát triển sản phẩm, chúng tôi suy nghĩ kỹ hai vấn đề: sợi phở và cách đóng gói. Phở làm từ gạo, dễ gẫy, nát vụn khi đông lạnh. Đội ngũ nghiên cứu rất lâu nhưng không ra được phương án tối ưu", giám đốc Nhật kể. Sau đó, công ty tìm được đối tác ở Việt Nam, ký kết độc quyền để nhập sợi phở tươi.
Ưu điểm khác khiến sản phẩm bán chạy là tốn ít thời gian chế biến. Người dùng chỉ mất 6 phút để có bát phở ngon như ăn tại Hà Nội. Mỗi set gồm ba lớp: nước dùng, sợi phở tươi và topping (thịt bò bắp thái lát, hành, rau mùi). Nước dùng ninh xương bò lọc nhiều lần tạo độ trong nhất có thể nhưng vẫn ngọt thanh, thơm lừng mùi quế, hồi, thảo quả.
"Thực khách chỉ cần đặt set phở vào nồi, phần nước dùng ở dưới cùng, bật bếp lên đun nóng", ông Mori cho hay.
CEO Mori nắm vững quy trình chế biến trên nhờ vợ là người Hà Nội gốc. Ông tiết lộ mẹ vợ nấu phở rất ngon, kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến. "Mẹ đã dạy tôi nấu những bát phở đầu tiên. Tôi biết ơn mẹ vì điều đó. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo cách làm của một số đầu bếp nổi tiếng khác để tạo công thức riêng cho Vietnamdeli", ông nói.
Công đoạn cuối là cấp đông toàn bộ nước dùng, sợi phở, thịt bò và hành, mùi. CEO Mori lý giải Nhật Bản vốn nổi tiếng với công nghệ đông lạnh hiện đại bậc nhất thế giới. Do đó, thực phẩm sau khi rã đông vẫn giữ được mùi vị, kết cấu như vừa chế biến. Phương pháp này cũng hạn chế tối đa việc sử dụng chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe.
Sau phở bò, Vietnamdeli tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm đóng gói hoàn chỉnh như phở gà, bún bò, bò kho sả, bò sốt vang... "Chúng tôi không chỉ muốn tiếp cận cộng đồng người Việt mà còn tham vọng đưa ẩm thực Việt lên mâm cơm hàng ngày của người Nhật", CEO Mori nói thêm.
Hai năm liên tiếp (2022-2023), Food Force cùng thương hiệu Vietnamdeli lọt top "Công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á -Thái Bình Dương", đồng thời dẫn đầu mức tăng trưởng danh mục thực phẩm, đồ uống tại Nhật.
Tháng 3, công ty tham gia Foodex Japan - hội chợ quốc tế thực phẩm lớn nhất châu Á, thu hút 2.500 công ty từ 60 nước cùng hơn 70.000 lượt khách. Cùng tháng, đơn vị đạt thỏa thuận hợp tác với trung tâm thương mại AEON Mall, Matsuzakaya và hệ thống siêu thị Tachiya, DonQuijote.
Hiện doanh nghiệp phân phối các mặt hàng chính gồm giò chả, bánh mì, thực phẩm chế biến sẵn cho 2.000 đại lý khắp nước Nhật.
Vạn Phát
Ảnh: Vietnamdeli