Vụ trưởng Hoàng Phước Hiệp.- VNA nói là bị oan, theo ông đâu là lý do để luật sư Liberati kiện họ?
- Cho đến chiều qua, Tổng giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển đến gặp và đưa cho tôi công văn nhờ Bộ Tư Pháp cho ý kiến tư vấn giúp, mà trong bộ hồ sơ đó hầu như không có gì. Theo tôi biết vụ việc rất rắc rối, VNA ký hợp đồng đại lý với công ty Falcomar của Italy, công ty đó lại thuê ông luật sư Liberati làm việc. Tuy VNA không biết gì về ông luật sư nhưng khi công ty kia phá sản, ông ta có quyền kiện VNA vì là bên liên đới. Sự việc này giống như thực hiện một dự án, công ty Italy là thầu chính, ông luật sư là thầu phụ. Chỉ cần có một khoản tiền VNA trả cho công ty Falcomar, sau đó công ty này có giấy tờ ghi lại họ giữ một phần hưởng hoa hồng còn chi trả cho luật sư. Dù chỉ 1 USD trong số tiền đó cũng đủ chứng minh VNA có liên quan đến ông ta.
Phía VN không có giấy tờ lưu trữ, nhưng ở nước ngoài họ làm việc rất chặt chẽ. Ví dụ khi ký một hợp đồng họ còn lưu cả ảnh, cả băng ghi âm hay bất kỳ một tờ hóa đơn nhỏ nào đó.
- Nhận được giấy triệu tập mà không tham dự phiên tòa, theo ông phán quyết đối với VNA có oan không?
- Không phải oan mà do tắc trách. Thông thường tòa án nước ngoài thường gửi giấy triệu tập đến trước 6 tháng hoặc cả năm kèm theo hồ sơ của bên nguyên. Nếu nhận được giấy triệu tập gửi đến mà VNA thấy không liên quan đến mình thì phải gửi một văn bản phúc đáp lại bằng thư đảm bảo rằng tôi không liên quan và chỉ ra các cơ sở pháp lý chứng minh điều đó, rồi đề nghị gửi cả cho bên nguyên. Đây vừa là cách ứng xử lịch sự, vừa là cơ sở pháp lý cho mình giải quyết các vụ việc liên quan về sau. Với quốc tế, nếu im lặng nghĩa là đồng ý.Vụ huấn luyện viên Letard cũng vậy.
- Phán quyết có từ năm 2000 song mãi tới 2002, VNA mới biết mình phải bồi thường cho vị luật sư kia. Vậy theo thông lệ quốc tế, bản án có được công bố ngay cho bên bị không?
- VNA nói rằng không nhận được bản án cũng vô lý vì tòa thường có bộ phận sao lục văn bản gửi cho tất cả các bên liên quan, không những thế còn được niêm yết công khai (đăng công báo).
- VNA đã quyết định kháng án, vậy trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra hôm qua, họ có những lý lẽ gì để bảo vệ mình?
- Do VNA không tham dự phiên tòa sơ thẩm nên một trong các lý lẽ chính là tìm cách chứng minh quy trình tống đạt của tòa án Roma không hợp lý. Muốn làm vậy phải dựa vào cơ sở pháp lý. Thứ nhất, phải xem các điều ước quốc tế thỏa thuận giữa Chính phủ VN và Chính phủ Italy về các hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực hàng không dân dụng, về quy định tống đạt của tòa án hoặc phải xem có hiệp định quốc tế nào mà cả 2 nước đều là thành viên có điều khoản này. Thứ hai, dựa vào cơ sở thực tiễn đang áp dụng giữa VN và Italy. Tôi cho rằng, ông luật sư đại diện cho VNA đã tìm các tài liệu theo phương án thứ nhất nhưng không có vì vậy phải dựa vào phương án 2 tìm quy định như hai nước tống đạt bằng con đường nào, ngôn ngữ gì, thời gian...
Cụ thể, VNA đưa ra lý do tòa án Italy gửi giấy triệu tập bằng tiếng Anh là không đúng thay vào đó phải có cả tiếng Việt. Tuy nhiên, bên nguyên đã đưa ra bằng chứng tiếng Anh là ngôn ngữ VNA thường dùng. Điều này thể hiện ở một trang bìa quảng cáo của VN ở một ấn phẩm nào đó in bằng tiếng Anh. Lý lẽ của họ cũng có cơ sở thuyết phục.
Cách đây một tháng, Đại sứ quán Italy cũng có yêu cầu tôi đưa ra một văn bản về quy trình tống đạt của VN, tôi yêu cầu phải nói rõ lý do thì họ không liên hệ gì nữa. Trong khi đó, phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày hôm qua thì chiều qua Tổng giám đốc VNA mới mang tới công văn yêu cầu Bộ Tư pháp cung cấp văn bản về quy trình tống đạt đó.
- Nếu tòa phúc thẩm chấp nhận đơn thì vụ việc có khả quan không?
- Nếu như vậy sẽ có điều kiện cho VN thu thập tài liệu vì thông thường phải mấy tháng mới xử tiếp.
- Nếu tòa phúc thẩm bác đơn kháng án của VNA, khả năng thu nợ của bên nguyên sẽ như thế nào?
- Toà bác đơn thì bản án của tòa sơ thẩm sẽ có hiệu lực. Khi ấy, ngoài tài khoản ở Pháp bị phong tỏa, tài khoản của VNA ở các nước khác như Đức, Italy, Hà Lan... cũng bị phong tỏa để chuyển tiền sang tài khoản của bên thắng kiện.
Trong trường hợp tài khoản đó không đủ, phía nước ngoài có thể bắt giữ máy bay của VNA bay đến các nước để thu hồi nợ. Khi ấy uy tín, thương hiệu của VNA sẽ sụp đổ, hành khách lỡ chuyến và số tiền bồi thường cho những thiệt hại ấy không phải là ít. Tôi nghĩ VNA sẽ cân nhắc các khả năng để có quyết định phù hợp.
- Tiền sẽ do Tổng công ty bỏ ra, vậy trách nhiệm của những cá nhân liên quan sẽ như thế nào?
- Vì vụ việc liên quan đến 3 đời lãnh đạo nên xử lý rất khó khăn. Chuyện xảy ra từ những năm 90 rồi đến năm 1994 tòa xử và kéo dài đến nay. Giả sử vào năm 1990, nếu Bộ luật hình sự quy trách nhiệm cho những vị đó là 5 năm tù. Nay đã 10 năm thì đã quá thời hạn xử lý về trách nhiệm hình sự. Xử lý về mặt hành chính thì họ đã về hưu. Sau khi đền bù, muốn xử lý những cá nhân đó VNA phải phát đơn kiện để xử theo luật dân sự. Điều này thì do Hội đồng quản trị VNA và ông tổng giám đốc VNA quyết định.
- Vụ việc này gần đây mới báo cáo lên Thủ tướng, vậy trách nhiệm những vị lãnh đạo đương nhiệm thì sao?
- Tôi không biết VNA có báo cáo Thủ tướng cách đây bao lâu nhưng bản thân tôi gần đây mới biết. Khi tiếp nhận chức Tổng giám đốc VNA ông Nguyễn Xuân Hiển biết vụ việc và đã thuê luật sư tìm lại hồ sơ tư vấn giúp Tổng công ty theo vụ kiện này. Bản thân ông Hiển cũng tốt nghiệp trường Luật, nhưng như ông tâm sự với tôi, do hồ sơ bảo quản không tốt, mới có 10 năm mà hầu như không tìm lại được gì.
- Qua vụ vệc này ông thấy cần rút ra bài học kinh nghiệm nào?
- Cần thay đổi tư duy trong các quan hệ làm ăn với quốc tế. Đừng nghĩ không liên quan gì đến mình thì ném văn bản đó vào gầm bàn rồi đến khi có hậu quả mới cuống lên chạy. Với một doanh nghiệp lớn như VNA cần thuê luật sư theo dõi giúp về mặt pháp lý.