Cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cùng lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định không tổ chức Asiad 18 tại Hà Nội và giao các bộ ngành liên quan khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) cùng các đối tác liên quan để có phương án phù hợp trong việc rút đăng cai.
Theo Thủ tướng, Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như Asiad, việc chuẩn bị đăng cai cũng chưa chặt chẽ và khi vận động đăng cai chưa có đề án để bảo đảm tổ chức thành công khi được chấp nhận.
Cho đến nay, Đề án tổ chức Asiad 18 vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt, trong bối cảnh còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể. Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể dục thể thao khu vực, quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của đất nước, nhưng nếu tổ chức không chu đáo, không thành công thì sẽ ảnh hưởng ngược lại.
Trên thực tế, các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy nguồn thu hầu như không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao. Thủ tướng cũng cho rằng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam còn có nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác.
Việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình phải có để phục vụ cho Asiad 18 theo hình thức xã hội hóa như sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ Asiad để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắc và rất khó đảm bảo. Chính phủ Việt Nam cảm ơn OCA đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong phát triển thể dục thể thao nói chung và ủng hộ thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức Asiad 18 nói riêng. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức Asiad vào thời điểm khác thích hợp hơn.
Trước đó vào ngày 7/6/2011, Việt Nam công bố quyết định chạy đua đăng cai Asiad 18. Đến ngày 8/11/2012, thành phố Hà Nội được Hội đồng Olympic châu Á chọn là địa điểm tổ chức sự kiện với số phiếu là 29, bỏ xa đối thủ duy nhất Surabaya (Indonesia) với 14 phiếu.
ASIAD 18 dự kiến diễn ra vào tháng 11/2019, thu hút 12.000 vận động viên đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sẽ có 35 môn thể thao thi đấu, tại 14 địa điểm khác nhau. Theo đề án đăng cai, nước chủ nhà Việt Nam bỏ ra chi phí tổ chức là 150 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với các kỳ Asiad gần đây (Busan năm 2002: 2,9 tỷ USD; Doha 2006: 2,8 tỷ USD; Quảng Châu 2010: 20 tỷ USD; Incheon 2014: 1,6 tỷ USD).
Dự trù chi phí thấp như vậy, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có sẵn khoảng 35 công trình như sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội... từ thời tổ chức SEA Games 2003 và Asian Indoor Games 2009, chiếm khoảng 70%, và chỉ cần nâng cấp là sử dụng được; 30% còn lại được triển khai xây mới trong thời gian tới.
Một số ý kiến cho rằng giành quyền đăng cai Asiad 18 là thắng lợi quan trọng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có không ít quan điểm phản bác. Bên cạnh việc cho rằng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chung về kinh tế, việc dự chi 150 triệu USD cho cả một đại hội thể thao mang tầm châu lục cũng khó khả thi.
Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Olympic đã nhiều lần phải giải trình với Chính phủ. Trong cuộc họp mới nhất, hồi cuối tháng 3 vừa qua, xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại con số 150 triệu USD huy động từ ngân sách nhà nước để tổ chức sự kiện này sẽ bị bội chi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo cụ thể "tổ chức thế nào, chi cái gì, cái nào được làm, cái nào không" để Chính phủ có ý kiến.
Tùng Dương