- Trước khi đến với 'Người phán xử', anh đã là một cái tên ăn khách trên truyền hình. Nếu không phải là một cơ hội để nổi tiếng thì bộ phim này có ý nghĩa gì với anh?
- Sau bộ phim Chạy án phát sóng cách đây 10 năm, tôi bị chết vai với nhân vật Cao Thanh Lâm. Đi đâu tôi cũng được gọi là Cao Thanh Lâm. Cho đến khi Người phán xử ra mắt, mọi người gọi tôi là Phan Hải hoặc Hải 'khùng' chứ không phải là Cao Thanh Lâm nữa. Tôi có cảm giác đã trút bỏ được áp lực và thay đổi hình ảnh của mình trong mắt khán giả đúng như những gì mà tôi mong muốn.
Tôi coi Người phán xử là một trong những bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp, đánh dấu chặng đường 14 năm gắn bó với nghiệp diễn. Thêm vào đó việc được đóng chung với NSND Hoàng Dũng sau 14 năm làm học trò của thầy cũng là dấu mốc đáng nhớ đối với tôi.
- Sự khác nhau giữa Việt Anh khi đóng Cao Thanh Lâm và Việt Anh khi đóng Phan Hải như thế nào?
- Cách đây 10 năm, khi vào vai Cao Thanh Lâm, tôi đóng hoàn toàn bằng bản năng, chưa có nhiều kỹ thuật diễn xuất nên nét diễn rất ngây ngô. Nhưng với Người phán xử, tôi đã có nhiều thay đổi. Ở Phan Hải, tôi kết hợp hài hòa giữa bản năng và kỹ thuật biểu diễn để làm cho vai diễn đầy đặn và ấn tượng hơn. Sau khi lên sóng, phản hồi của khán giả về phim và Phan Hải đều rất tích cực. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì vai diễn mang tính bước ngoặt của mình đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Cao Thanh Lâm của Chạy án không quá phức tạp về tính cách còn Phan Hải của Người phán xử thì ngược lại. Sự phức tạp của nhân vậy này thể hiện ở cá tính lúc nắng lúc mưa, không cố định thành một tính cách xuyên suốt. Ví dụ như, có lúc Phan Hải rất khó chịu, ngang tàng, hỗn hào những có lúc lại đáng yêu như một đứa trẻ khi ở bên người tình hoặc chơi với con trai. Ở một góc độ nào đó, Phan Hải có sự thử thách và khó khăn hơn nhiều so với Cao Thanh Lâm.
- Anh xây dựng nhân vật Phan Hải như thế nào?
- Khi đọc kịch bản, tôi nghĩ nếu mình thể hiện Phan Hải là nhân vật máu lạnh, chỉ thích chém giết thì không hợp lý lắm bởi tính cách như vậy sẽ hơi một chiều. Chính vì vậy, tôi xây dựng nhân vật đa nhân cách, lúc thì ghê gớm, lúc thì máu lạnh, có lúc lại rất ngô nghê và buồn cười. Tôi muốn khán giả cảm thấy Phan Hải là một thằng xã hội đen có cái gì đó thú vị, đáng yêu và hơi buồn cười thay vì sợ hãi nhân vật này.
|
Những câu thoại ngô nghê của Phan Hải trong 'Người phán xử' |
Khi xác định được tính cách và cách thể hiện nhân vật như vậy, tôi bàn với đạo diễn để tìm các chi tiết diễn. Hình thức bên ngoài của Phan Hải cũng được xây dựng như một ca sĩ tỉnh lẻ 'lòe loẹt như một con vẹt', chứ không phải kiểu xăm trổ, bặm trợn, súng ống, gươm giáo đầy người. Tôi cho rằng cách xây dựng nhân vật như vậy vừa đảm bảo được các yếu tố của kịch bản, vừa đảm bảo sự hấp dẫn của nhân vật với công chúng.
Thực tế cho thấy khi Người phán xử lên sóng, thay vì khiến khán giả sợ hãi, Phan Hải lại gây thích thú cho nhiều người, kể cả các khán giả nhí. Khi tôi ra đường, các bạn nhỏ đều gọi tôi là chú Phan Hải (cười).
- Việc đóng chung với NSND Hoàng Dũng tạo thuận lợi cho anh như thế nào khi vào vai Phan Hải?
- Nếu như vai ông Phan Quân không phải do NSND Hoàng Dũng đảm nhận mà là người khác thì có lẽ tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình đóng phim. Bản thân tôi và NSND Hoàng Dũng ở ngoài đời đã có 14 năm gắn bó và coi nhau như cha con. Thầy đã dắt tôi đi từ những bước đầu tiên chập chững vào đời. Để có được ngày hôm nay, tôi luôn trân trọng và biết ơn những sự chỉ bảo, dạy dỗ của NSND Hoàng Dũng dành cho mình.
Với tình cảm sẵn có như thế, chúng tôi hoàn toàn không phải diễn khi vào vai bố con. Mỗi ánh mắt nhìn, bố nhìn tôi hoặc tôi nhìn bố, đều đã đong đầy cảm xúc. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự chân thực cho bộ phim và khiến tôi rất thích những cảnh quay được diễn cùng với NSND Hoàng Dũng.
- Anh từng chia sẻ rằng anh nhiều lần bị NSND Hoàng Dũng mắng chửi giống như ông Phan Quân chửi mắng con trai Phan Hải trong phim, điều gì ở anh khiến NSND Hoàng Dũng phiền lòng đến vậy?
- Phần lớn những lần tôi bị thầy mắng là do những sai lầm trong cuộc sống cá nhân. Thầy cảnh báo tôi trước khi sự việc diễn ra. Khi thấy tôi phải trả giá vì những việc mình gây ra, thầy lại tiếp tục nhắc cho tôi thấy sai lầm của mình. Thế nhưng, tuổi trẻ thì luôn có những thời điểm bồng bột, cứng đầu vì cái tôi quá lớn nên ban đầu tôi không chịu tiếp thu ngay những lời chỉ dạy đó. Chỉ khi phải gánh chịu hậu quả, tôi mới nhận ra đáng nhẽ mình phải nghe lời thầy.
Tuy nhiên, tôi nghĩ trong cuộc sống luôn luôn có những điều "nếu như" và "đáng nhẽ ra". Dù sao thì cũng không thể tránh được hết tất cả mọi thứ nên tôi nghĩ rằng cần phải có trải nghiệm và trả giá để có sự trưởng thành nhất định.
- "Trải nghiệm và trả giá để có sự trưởng thành nhất định" có liên quan gì đến thời điểm anh từng gặp khủng hoảng khi công ty riêng bị phá sản và cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ vào năm 2009?
- Đó là giai đoạn bế tắc, đen tối nhất trong cuộc đời của tôi. Thời điểm đó, mọi chuyện từ tình cảm đến đời sống cá nhân, sự nghiệp, mối quan hệ xã hội và thậm chí cả mối quan hệ gia đình của tôi đều đi đến bế tắc. Tôi không cố gắng quên đi giai đoạn đó mà luôn giữ sự ám ảnh về nó để nhắc nhở bản thân. Những câu chuyện khi ấy như bài học giúp tôi cảnh tỉnh, tránh sự sai lầm và vết xe đổ từng vấp phải.
- Anh làm cách nào để vượt qua khoảng thời gian đen tối ấy và có sự nghiệp thành công, gia đình vui vẻ như hiện tại?
- Nhiều lúc tôi cũng không hiểu tại sao mình lại vượt qua được những chuyện đó. Tôi đã nghĩ mình mất hết tất cả, không biết mọi thứ sẽ đi về đâu và còn những gì tiếp tục chờ đón mình ở phía trước. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình sẽ vượt qua hoàn cảnh và vực lại những gì đã mất nhưng không hề biết sẽ làm được đến đâu. Tôi cũng chẳng nghĩ đến việc một ngày nào đó mình sẽ huy hoàng trở lại.
Để có được ngày hôm nay, tôi nghĩ phần lớn là nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và thêm cả sự may mắn của số phận. Có lẽ số phận vẫn ưu ái khi đạp tôi đến tận cùng của đau khổ, thất bại nhưng lại sẵn sàng chìa tay để kéo tôi lên. Tôi nghĩ rằng mình đã may mắn khi trải nghiệm từ đỉnh cao xuống vực sâu rồi lại lên đến đỉnh cao. Đối với tôi, đó thực sự là một hành trình đáng quý.
- Ai là người đầu tiên dang tay kéo anh dậy sau những đổ vỡ đó?
- Người đầu tiên chìa tay kéo tôi dậy chính là mẹ. Bà là người phụ nữ tuyệt vời, giàu lòng vị tha, giỏi chịu đựng và rất tâm lý. Mặc dù những việc tôi từng làm trước đó đều sai trái nhưng bà đã nhẫn nhịn và bỏ qua tất cả. Bên cạnh đó, tôi rất biết ơn đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Nếu không có sự hỗ trợ của anh ấy cho sự trở lại của Việt Anh tại VTV sau 3 năm Nam tiến thì chắc chắn sẽ không có tôi của ngày hôm nay. Vì thế, mẹ và anh Hải là hai người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi trong những ngày sóng gió.
- Sau những sóng gió đã qua, anh đối diện với thành công hiện tại như thế nào?
- 2017 là năm tôi được nếm trái ngọt sau rất nhiều quả đắng và những điều chua chát. Tôi cảm thấy mãn nguyện vì những điều đang có. Hiện tại, tôi không còn gì phải nghĩ và chỉ mong những điều tuyệt vời sẽ ở bên mình lâu hơn. Tôi tích cực làm công tác xã hội với mong muốn có thể chia sẻ, hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn giống như những người từng dang tay cứu giúp mình.
Video: VFC