Showbiz - Thứ ba, 11/1/2022, 19:37 (GMT+7)

Vì sao Murakami ảnh hưởng tới thế hệ trẻ đô thị

Nhà văn Nhật Bản, Haruki Murakami, đón sinh nhật tuổi 73 ngày 12/1.

Trong tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát, nhân vật "tôi" đã tiết lộ về người mình "học được phần lớn những điều về văn chương". Đó là Derek Hartfield - một nhà văn tưởng tượng mà nhân vật "tôi" nhận định là văn chương ông ta "vô ích" theo mọi nghĩa của từ này:

"Lời văn rối rắm, cốt truyện nhảm nhí, đề tài ấu trĩ. Nhưng dẫu vậy, ông vẫn là một trong số ít những tác giả phi thường có thể lấy văn chương làm vũ khí chiến đấu. Chỉ tiếc một điều, cho đến tận cuối cùng, Hartfield đã không thể xác định rõ nét chân dung đối thủ mình phải chiến đấu. Rốt cuộc, ‘vô ích’ là để chỉ điều này".

Lắng nghe gió hát xuất bản năm 1979. Hơn 42 năm sau đọc lại đoạn văn ấy, nhiều bạn đọc không khỏi có cảm giác Murakami tự vạch ra con đường văn chương của chính mình - một con đường cũng hoàn toàn vô ích như vậy.

'Lắng nghe gió hát' là tiểu thuyết đầu tay của Haruki Murakami, xuất bản lần đầu năm 1979. Ảnh: Nhã Nam

Không có nhân vật phản diện thực thụ nào trong truyện của Murakami. Rừng Na Uy có nhân vật phản diện nào ư? Ngay cả kẻ giết mèo trong Kafka bên bờ biển hay con cừu với ngôi sao nâu trên lưng muốn tạo nên một hệ thống của riêng mình trong Cuộc săn cừu hoang cũng không hẳn là nhân vật phản diện.

Các nhân vật của Murakami thường bước vào một hành trình kỳ lạ, có khi dẫn họ đi tới nơi tận cùng thế giới, nhưng chính xác thì họ đang chiến đấu với điều gì?

Không ai biết. Có lẽ chính họ cũng không biết.

Điều duy nhất người đọc biết là họ chiến đấu rất mực ngoan cường.

Trong nghệ thuật luôn có những cá nhân được công chúng yêu thích cuồng nhiệt nhưng những phê bình gia mũi khoằm lại nhướn mày với vẻ hoài nghi. Nếu như âm nhạc có Kenny G. thì văn chương có Haruki Murakami.

Có thể so sánh Going Home của Kenny G. với Rừng Na Uy của Murakami cũng được. Sự nổi tiếng một cách quá quắt của những tác phẩm như thế khiến một số người căm ghét chúng. Giả sử chúng không nổi tiếng đến vậy có lẽ đã được đối xử công bằng hơn.

Hãy cẩn thận khi hỏi ai đó về nhà văn yêu thích, và họ trả lời là Murakami. Rất có thể người đó chỉ đang muốn tỏ ra tôi thật "cool ngầu", "tôi thật sâu sắc", "tôi thật có gu thẩm mỹ". Murakami từng có thời là một mã vạch văn hóa đại diện cho giới trí thức bình dân. Nhưng cũng cẩn thận nếu như bạn hỏi ai đó không ưa nhà văn nào và họ trả lời Murakami. Rất có thể họ cũng chỉ đang cố gắng thể hiện họ khá hơn đám trí thức bình dân kia. Họ đang cố gắng tuyên bố là trí thức cao cấp, sẽ phải say mê những nhà văn gây đau đầu hơn nữa, cỡ Marcel Proust - người mà trong 1Q84, Murakami đã viết rằng chỉ ai ở tù mới đủ kiên nhẫn mới đọc hết bộ tác phẩm của ông.

Hoặc một trường hợp cũng điển hình khác, là khi một người tuyên bố rằng với họ, chỉ có một Murakami là Ryu Murakami - tác giả Nhật Bản khác cũng nổi tiếng và cũng say mê thập niên 60. Nhiều khả năng họ nói vậy chỉ vì muốn thể hiện am tường văn chương hơn 90% dân số thế giới. Tóm lại là Murakami giống như một vạch kẻ mà ở đó, ta phân chia mình thuộc tầng lớp nào.

Nhưng trí thức bình dân hay trí thức cao cấp cũng mặc lòng. Sự thật là có một thế hệ người trẻ viết như Murakami, nghe nhạc như Murakami, yêu đương như các nhân vật của Murakami, hoặc ít ra là có những huyễn tưởng tình yêu giống thế. Có một sức cuốn hút nào đó ở cảnh tượng một người đàn ông đang nằm nghe chiếc đĩa của Beethoven trong khi nhâm nhi một ly whisky, hoàn toàn cô đơn và đứt gãy những kết nối với thế giới bên ngoài.

Ta muốn thử cảm giác trở thành một con người như vậy sẽ ra sao.

Một số độc giả cho rằng truyện của Murakami quá nặng nề. Tuy nhiên, hiếm có tác giả nào có niềm tin lạc quan vào thế giới như ông. Bởi muốn biết một tác giả lạc quan hay bi quan, đừng nhìn vào cốt truyện, hãy nhìn vào những con người sống trong cốt truyện ấy. Họ tốt hay xấu, điên rồ hay hướng thiện, vô cảm hay nhạy cảm.

Con người mới là mầm mống của mọi thứ. Và những con người trong Murakami quá tuyệt vời, chẳng phải vậy sao, dù giấu sau vẻ tầm thường, thất nghiệp, thờ ơ, bị bỏ rơi nhưng họ am hiểu âm nhạc hơn bất cứ ai. Họ có thể nghe ra một bản nhạc của Sibelius, họ yêu nhạc Jazz, nghe The Beatles, có thể kể tên vanh vách những nhân vật trong Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky. Họ đưa ra những góc nhìn độc đáo về truyện ngắn của Kafka, nghe Bob Dylan trong khi chờ ký ức bị xóa sạch...

Sau khi viết tiểu thuyết Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Murakami học tiếng Hy Lạp trong một năm rồi tới châu Âu. Những năm 1986-1989, ông ở Hy Lạp và Italy.

Trước đó, ông từng tới Hy Lạp. Dấu ấn ấy còn để lại trong Người tình Sputnik, khi nhân vật K nhận được cuộc gọi của Miu từ một hòn đảo nhỏ của Hy Lạp, thông báo rằng Sumire đã biến mất: "Tôi thực đang lên máy bay và bay một mạch tới Hy Lạp ư? Câu trả lời là đúng vậy. Tôi không còn lựa chọn nào khác".

Nhưng chuyến đi Hy Lạp này thì khác. Sau khi dịch xong một cuốn truyện của C.D.B.Bryan, những ngọn gió của Mykonos khiến ông biết đã đến lúc bắt đầu một tiểu thuyết mới. Ông đi đi về về giữa Hy Lạp và Italy, viết một bản thảo trong tiếng ồn của Palermo, và những trang cuối cùng thì được viết ở Rome. Bản thảo ban đầu có tên là Những khu vườn trong mưa, một bản nhạc của Debussy nhưng cuối cùng được ông đổi lại thành Rừng Na Uy.

'Rừng Na Uy' là một trong những tác phẩm của Murakami tạo nên cơn sốt toàn cầu. Ảnh: Nhã Nam

Rừng Na Uy, theo tên một bài hát của The Beatles.

Nàng Naoko mô tả nó thế này:

"Bài hát đó có thể làm cho mình thật buồn. Cũng không biết nữa, nhưng có lẽ mình tưởng tượng như đang lang thang trong một khu rừng sâu. Mình chỉ có một mình và trời thì lạnh và tối, và chẳng có ai đến cứu mình".

Naoko sẽ tự sát sau đó, và chi tiết này khiến người ta có thể cho rằng nàng là một điển hình của những kẻ phản bội cuộc đời. Nhưng một người có thể nhạy cảm với âm nhạc và nỗi cô đơn đến vậy thì có thể nào thực sự là kẻ phản bội cuộc đời được không?

Nàng hiểu được âm nhạc, hiểu được nỗi buồn đến vậy, người đọc còn có thể mong chờ điều gì đẹp hơn thế ở một con người?

Những nhân vật của Murakami không chiến đấu với ai. Họ chiến đấu với một điều gì đó bên trong mình. Cản trở lớn nhất đối với những nhân vật này thường không đến từ một thế lực thù địch nào mà đến từ sự mất kết nối bên trong. Đôi khi họ phải đi tìm hay đi cứu một kẻ khác, như con mèo, người vợ, một người họ yêu, một cái bóng đã bị họ cắt ra, song sự thực cái họ đi tìm là chính họ.

Kiểu văn chương của Murakami gần như không tồn tại cái ác.

Ta có thể bị bế tắc bởi quá khứ, chứ không bị cái ác cầm chân. Cũng đừng chờ mong một vụ đụng độ hay sáp lá cà.

"Climax" (cao trào) trong truyện Murakami là một kiểu phản cao trào. Murakami luôn bày ra một cuộc phiêu lưu vòng vèo và đầy bí ẩn. Để rồi khi tưởng như đến được trung tâm của bí ẩn, thay cho một cuộc chiến khốc liệt, sống còn, hay chí ít là một trường đoạn dồi dào hành động – như những đoạn cao trào thông thường – lại là một khoảng lặng kỳ lạ: nhân vật đã rơi vào tâm thức của mình.

Trong Cuộc săn cừu hoang, thật chưng hửng khi nhân vật chính đã có cuộc gặp gỡ bí ẩn với một hệ thống ngầm bí hiểm. Anh bỏ việc, lên đường tìm một con cừu, dừng chân ở một khách sạn cũ kỹ mang tên Cá Heo, gặp giáo sư Cừu, rồi đi đến một ngôi nhà hoang vu nơi không ai ghé tới – nói chung là đúng chuẩn cuộc phiêu lưu của một người hùng. Nhưng cuối cùng, cái anh bắt gặp ở đó lại chỉ là một chồng đĩa nhạc của thập niên 50 và một chồng sách. Ừ thì có một Người Cừu, nhưng Người Cừu không hề nguy hiểm. Ừ thì có hồn ma của Chuột, người bạn anh, nhưng cả hồn ma này cũng chỉ chuyện trò trong bóng đêm, rồi đi mất.

Trích dẫn trong các tác phẩm của Murakami
 
 
Những trích dẫn được nhiều người yêu thích trong các tác phẩm của Murakami. Video: Quotes of the Great

Trong truyện ngắn Con voi biến mất, một trong những truyện ngắn hay nhất của Murakami, có một con voi đột nhiên biến mất. Hoạt cảnh như ảo thuật ấy khiến ta ngờ rằng con voi hẳn phải bị một thế lực nào đó đem đi, nếu không phải người ngoài hành tinh thì cũng là một đám người từ dưới lòng đất chui lên.

Nhưng không, khi gần tới cuối truyện, ta được tiết lộ rằng con voi đã tự thu bé lại. Nó nhỏ dần, nhỏ dần, đến khi không còn lại gì nữa. Với người quan sát con voi biến mất, có một sự mất thăng bằng về mặt kích thước đã xảy ra, hoặc là anh đã to lên, hoặc là con voi đã bé lại: "Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy có vẻ sự vật xung quanh mình đã mất đi sự thăng bằng chính đáng cố hữu của chúng".

Không có một thế lực hắc ám nào cả. Chỉ có "sự mất thăng bằng".

Tất nhiên, người hùng nào cũng chiến đấu với chính mình mà thôi. Harry Potter chiến đấu với Voldemort nhưng thực chất là chiến đấu để trưởng thành. Paul Atreides trong Xứ Cát cũng vậy. Bề ngoài, cậu chiến đấu với nhà Harkonnen nhưng nói cho cùng, cậu vẫn chiến đấu với những thị kiến trong mình nhiều hơn.

Song ở những nhân vật của Murakami, vẫn có điều gì đó khác. Những nhân vật của ông bước vào cuộc chiến quái dị với tâm thế đến đâu thì đến, giờ nào việc nấy. Ngay cả khi chỉ có một tháng đi tìm một con cừu trên cả nước Nhật với cả triệu con cừu, họ vẫn cứ phải nấu mì spaghetti hay đi xem phim cuối tuần đã, không thể nào khác được.


Những bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm của Murakami (từ trái sang): 'Rừng Na Uy' (2010) của đạo diễn Trần Anh Hùng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, 'Burning' (2018) của đạo diễn Lee Chang Dong dựa trên truyện ngắn 'Đốt nhà kho' và mới đây nhất là 'Drive My Car' (2021) - dựa trên chùm truyện ngắn 'Những người đàn ông không có đàn bà'.

Họ dường như miễn nhiễm với "deadline", hoàn toàn ung dung, không kế hoạch, không dự định, không trông đợi. Họ đón nhận và để mặc cho mọi thứ đến, như thể cuộc đời này là mãi mãi, và kể cả nếu như cuộc đời không là mãi mãi, họ cũng không lấy làm ưu phiền vì nó.

"Chết năm nay thì năm sau khỏi phải chết" - anh chàng toán sư trong Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và nơi tận cùng thế giới trích dẫn một câu mà theo anh, là của Shakespeare.

Murakami không thúc giục phải đứng lên vì cái thiện hay trả thù cho cha mẹ, hay làm bất cứ điều gì đúng đắn về mặt đạo lý. Ông bảo hãy "khiêu vũ". Ông can đừng đi tìm ý nghĩa của bất cứ chuyện gì. Nếu có một ông già mù chữ đến nhờ ta đưa đi tìm một thứ mà chính ông ta cũng không biết, mà ta lại có sẵn một chiếc xe, vậy thì hãy đưa ông già ấy đi, đừng căn vặn. Những ý nghĩa, nếu có, sẽ tự khắc hiện ra.

Điều này có ý nghĩa gì với tôi, giờ đây khi tôi đang cuối độ tuổi năm mươi, tôi vẫn chưa biết. Nhưng tôi nghĩ nó phải có một ý nghĩa nào đó. Có thể không phải là cái gì sâu sắc, nhưng nó hẳn phải có một ý nghĩa.

[Trích Tôi nói gì khi nói về chạy bộ]

Những câu viết như vậy khiến nhiều người cảm động. Nó đồng thời hợp thức hóa những gánh nặng vô hình của cuộc sống đô thị đủ đầy, tưởng như chỉ toàn nỗi lo không thiết yếu, lại cùng lúc nhấc mọi gánh nặng ấy ra ra khỏi lưng, bảo ta chỉ sống như cần sống, yêu như cần yêu và từ bỏ khi cần từ bỏ. Nó bảo ta hãy cứ ngoan cường và ngoan cố, luôn trong tư thế chiến đấu, dù chẳng biết là với cái gì, với ai, để đạt thứ chi.

Murakami đã phải cất công viết hẳn hai phần kết cho Lắng nghe gió hát, cả hai phần đều là về tay nhà văn Derek Hartfield không có thật. Ở đó, nhân vật "tôi" đi tìm ngôi mộ được cảnh báo là "nhỏ chỉ cỡ gót giày cao gót", nằm ở một thị trấn nhỏ tại bang Ohio, Mỹ.

Và trong một ngày tháng 5 nắng đẹp, "tôi" đặt mấy nhành hoa dại còn dính bụi xuống nấm mồ, rồi ngồi hút thuốc, nhắm mắt lại, lắng nghe bầy chim hót. "Tôi" bảo rằng cuốn tiểu thuyết này, cuốn tiểu thuyết của "tôi" và cũng là của Haruki Murakami ngoài đời thực, đã bắt đầu từ nơi đây – một ngôi mộ gần như không ai nhớ đến của một nhà văn gần như không ai đọc nữa.

Và chính nhân vật "tôi" cũng không biết nó đã đi tới đâu.

Bây giờ thì hẳn "tôi", và Murakami, đã biết rồi. Nhưng vào thời khắc ấy, cái thời khắc mà "tôi" - Murakami - chỉ cứ thế viết ra không biết đến điều gì khác. Họ chỉ đơn thuần là làm cái họ muốn trong hiện tại, làm cái họ phải làm trong hiện tại, không day dứt, cũng không mong đợi.

Và dù thành cái gì đi nữa, thì ít ra "tôi" trong tiểu thuyết đó và Murakami cũng đã không ngừng lại.

Đó phải chăng là cách duy nhất để viết?

Phải chăng là cách duy nhất để sống?

Hiền Trang
Ảnh: Murakami Library

Đánh giá phiên bản mới