Hè năm 2004, Mourinho ra thông điệp chia Porto bằng cách lột khỏi cổ tấm huy chương vàng mà ông vừa nhận cùng các học trò trong lễ đăng quang ngôi vô địch Champions League. Còn hôm qua, HLV người Bồ Đào Nha chỉ đơn giản gửi vài dòng tin nhắn cho 5 cầu thủ trụ cột, để nói rằng ông không còn gắn bó với Chelsea nữa và chúc họ thành công trong phần còn lại của sự nghiệp. Hai cách ra đi vừa nêu có khác nhau đôi chút về hình thức, nhưng thực chất, đều làm nổi bật nét cá tính mà Mourinho gửi gắm vào đó.
![]() |
"Người đặc biệt" thể hiện cá tính đặc biệt của ông ngay cả khi phải chia tay Chelsea. |
Bất chấp một số nguồn tin cho rằng Mourinho bị sa thải vì những kết quả không như mong đợi của Chelsea gần đây, dư luận Anh vẫn tin rằng ông đã chủ động từ chức khi dùng từ "ra đi" trong các đoạn tin nhắn gửi cho đám học trò cưng (John Terry, Frank Lampard và Didier Drogba). Niềm tin ấy là hoàn toàn có cơ sở, bởi họ đã chứng kiến bản ngã quá lớn mà Mourinho thể hiện suốt 3 năm thành công ở London (5 danh hiệu). Lòng tự tôn không cho phép HLV này ở lại bởi ông cảm thấy có quá nhiều sự can thiệp từ cấp trên vào nội bộ đội bóng.
Ngay cả khi Chelsea khẳng định việc Mourinho ra đi là quyết định xuất phát từ sự đồng thuận của cả hai phía, nhiều tờ báo của Anh vẫn cho rằng sự thực khác xa cái gọi là "đồng thuận" mà đội bóng của ngài chủ tịch Abramovich đưa ra. Cựu HLV Porto cảm thấy rất không thoải mái ở sân Stamford Bridge, bởi ông liên tục bị nhà tài phiệt người Nga "lên lớp" về thứ bóng đá đẹp mà Chelsea nên đeo đuổi, hay về thành phần đội ngũ cộng sự.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Mourinho và Abramovich có dấu hiệu rạn nứt nghiêm trọng từ cuối năm 2006, thời điểm vị chủ tịch lắm tham vọng phàn nàn rằng Mourinho chưa khai thác hết tiềm lực của dàn sao Chelsea. Còn HLV 43 tuổi thì không hài lòng vì kế hoạch bổ sung nhân sự mà ông phác ra trong kỳ chuyển nhượng mùa đông bị phủ quyết. Quyền hạn và ảnh hưởng của Mourinho đến các chiến lược dài hơi mà CLB theo đuổi cũng bị thu hẹp đáng kể khi Frank Arnesen, rồi Avram Grant lần lượt được bổ nhiệm làm Giám đốc phát triển bóng đá và Giám đốc thể thao.
Cứ như vậy, từ ngọn lửa âm ỷ, bất đồng giữa hai bên bùng phát thành một đám cháy lớn, dẫn đến đoạn kết là HLV trẻ, tài năng bậc nhất châu Âu hiện nay ra đi. Tuy nhiên, với quyết định này, Mourinho cũng cho thấy ông mâu thuẫn với chính mình. Tháng 2/2007, trong nỗ lực hàn gắn quan hệ với Abramovich, qua trung gian là Tổng Giám đốc Kenyon, Mourinho khẳng định sẽ không đời nào từ chức: "Khả năng tôi từ bỏ Chelsea là 0%. Tôi không nỡ bỏ các cầu thủ, bỏ những CĐV mà tôi từng sát cánh tại đây. Tôi sẽ ở lại đến năm 2010 khi hợp đồng hiện tại hết hạn, hoặc sẽ chỉ ra đi nếu CLB cảm thấy không hài lòng và muốn sa thải tôi".
![]() |
Những khoảnh khắc hạnh phúc như thế này giờ chỉ còn là hoài niệm của Chelsea và Mourinho. |
Cũng chính vì mâu thuẫn ấy mà sự ra đi của Mourinho thêm phần đột ngột và gây nên sự chú ý lớn trong dư luận khi gương mặt của người kế vị ông và tương lai của Chelsea sắp tới vẫn chưa có gì rõ ràng. Với tài năng và kinh nghiệm, sẽ không quá khó để Mourinho tìm được một chỗ làm mới có môi trường, cũng như mức đãi ngộ lý tưởng. Nhưng liệu với Lippi, Capello, Juande Ramos hay Avram Grant..., các ứng viên ngồi vào chiếc ghế bỏ trống ở Stamford Bridge, Chelsea có thể vừa thành công vừa chơi đẹp (như yêu cầu của Abramovich) hơn thời Mourinho hay không vẫn còn là câu hỏi không dễ tìm được đáp án.
(Theo VnExpress)