Đãi vàng. |
Nếu Đakrông là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị thì AVao là xã khó khăn nhất của huyện này. Không một phương tiện giao thông nào có thể vào đây ngoài đôi chân và phải trổ hết các loại hình vận động, là đi, là nhảy, là bò, là trượt, là lội, là leo trèo...mới vượt qua được hàng chục con suối, hàng chục cái dốc đá cao ngất, cheo leo trên vực thẳm. Điểm dừng chân đầu tiên là Trạm biên phòng Kỳ Ne bên suối Pơ Lin. Đại úy Trường, mặt xám ngoét, tóc bù xù từ trong chăn ngồi dậy tiếp khách. Trường bị cơn sốt rừng hành hạ từ mười ngày nay rồi. "Em ở rừng này năm năm nay, tưởng sốt rét đã gờm mặt, ai dè vô Khe Đang truy quét "vàng tặc" mấy hôm lại bị nó quật ngã. Vùng đó khí hậu khắc nghiệt, nước thì độc mà địa hình hiểm trở. Nhưng "vàng tặc" đuổi mãi vẫn không hết”.
Khe Đang là một trong ba điểm có vàng lớn ở xã A Vao, nên dù ở vào thế khá hiểm trở vẫn là địa chỉ hấp dẫn của hàng trăm "vàng tặc" từ nhiều tỉnh xa đến. Khi chúng tôi có mặt, nơi đây như vừa qua một trận bom B52. Từ dưới lòng suối nhìn lên, núi bị đào thủng ruột, hàng vạn khối đất, đá như máu tuôn đỏ sườn núi, hàng ngàn cây lớn bị đốn ngang, ứa nhựa tím bầm treo lơ lửng trên vách đá. Trên vách đá, dưới cái túi đất đá và gỗ ấy là từng dãy lán trại dài ngoằn đủ chỗ cho hàng trăm người. Tất cả vắng hoe, bọn "vàng tặc" thấy bóng biên phòng đã chạy vào rừng, để lại đồ nghề khai thác, tư trang, kể cả soong nồi, gạo cơm và cả những rổ quặng vừa chuyển từ hầm lò ra chưa kịp đãi. Chúng tôi bò vào một đường hầm không vì cột chống, hun hút đen ngòm ở lưng chừng núi, mò mẫm chọn một hòn quặng bằng nắm tay. Ở đây hàm lượng vàng chắc lớn lắm, mẫu quặng trong tay tôi nặng chịch, cám vàng lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Một nhóm hơn chục người đang hì hục dưới suối. Té ra họ là dân bản Tan - đi. Một phụ nữ miệng ngậm tẩu thuốc, khoe nắm cát lẫn vàng cám vừa đãi được. "Có bán không, tôi mua?". "Bán chớ. Nhưng nỏ bán cho cán bộ được mô". "Vậy bán cho ai?". "Miềng lấy tiền họ mua gạo trước rồi, phải về bán cho họ. Chừ cán bộ mua đắt mấy cũng không bán được".
Qua câu chuyện với người phụ nữ ở bản Tan - đi mới biết "vàng tặc" chuyên nghiệp đã kéo vào đây hàng trăm người từ nhiều tháng rồi. Chúng có cả tổ chức hẳn hoi, khai thác với quy mô rất lớn, có hàng chục máy nổ, máy nghiền đãi, tự do nổ mìn phá núi. Cứ nhìn dòng suối đục ngầu, ngập đầy cát kéo dài hàng chục cây số thì biết sự tàn phá của lực lượng "vàng tặc" ở đây.
Theo kết quả khảo sát năm 1998 của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ thì vùng A Vao (Quảng Trị) và A Pey (Thừa Thiên - Huế) có trữ lượng vàng gốc khá lớn, cần tổ chức thăm dò để có thể khai thác qui mô công nghiệp. Riêng ở A Vao, ngoài vùng Khe Đang, còn có A Ho và Khe Pốc đều có vàng. |
Từ năm 2000, một số đối tượng đã lén lút đào đãi trái phép, tuy nhiên quy mô nhỏ, phương pháp thủ công. Chỉ đến khi có đơn vị mang danh "bảo vệ khu vực vàng" xuất hiện thì tình hình bắt đầu nóng lên. Không biết dựa vào thế lực nào mà trong khi chính quyền địa phương chưa cho phép, ngày 28/11/2003 Công ty Công nghệ địa vật lý đã rầm rộ triển khai quân ở các khu vực có vàng A Vao. Chẳng những không có biện pháp xử lý vi phạm, hơn 10 ngày sau UBND tỉnh Quảng Trị lại quyết định hợp pháp hóa cho sự hiện diện của công ty này với tư cách thay mặt chính quyền bảo vệ, quản lý các mỏ vàng ở đây. (Thông báo 115/TB-UB ngày 10/12/2003). UBND tỉnh Quảng Trị cho phép họ tận thu số quặng mà bọn "vàng tặc" tự do khai thác trái phép chưa kịp đãi. Nói là cử họ vào bảo vệ, quản lý và tận thu lượng quặng của bọn "vàng tặc" để lại, nhưng quản lý cái gì, tận thu bao nhiêu quặng, UBND tỉnh không hề biết, cũng không có kiểm kê, đánh giá hiện trạng khu mỏ trước khi bàn giao. Có cái mác bảo vệ của UBND tỉnh Quảng Trị dán cho, Công ty Công nghệ địa vật lý đã bất chấp mọi nguyên tắc luật pháp về quản lý tài nguyên, môi trường và khoáng sản, họ tuyển mộ, tổ chức khai thác vàng trái phép ở tất cả các khu vực Khe Đang, Khe Pốc và A Ho trên quy mô lớn, với hàng trăm người, hàng chục thiết bị, phương tiện đào, đãi cơ giới, cả việc ngang nhiên nổ mìn phá núi trong khu vực biên phòng...
Tan tác cả một vùng. |
Dư luận bất bình, tình hình an ninh trật tự vùng biên giới bất ổn. Theo Thanh Niên, trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Trị buộc Công ty Công nghệ địa vật lý chấm dứt hoạt động bảo vệ, quản lý và rút khỏi các mỏ vàng từ ngày 4/3/2004 (Công văn 331/UB-CN), nhưng cũng như khi vào, tổ chức "vàng tặc" trá hình bảo vệ này đủng đỉnh khai thác đến 17/3/2004 mới chấm dứt. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị lại "chuyển giao quyền lực" từ đơn vị này sang Công ty TNHH Bắc Hà, cũng là một đơn vị chuyên khai thác vàng có nhiều dấu hiệu vi phạm. Thế là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tình hình vùng vàng A Vao không có dấu hiệu hạ sốt.
Câu chuyện quản lý các mỏ vàng của chính quyền tỉnh Quảng Trị thời gian qua đầy rẫy chuyện bi hài, khó tin mà phần thiệt thòi luôn thuộc về phía... Nhà nước!
Tỉnh Quảng Trị có ba khu vực có vàng là Vĩnh Linh, Hải Lăng và Đakrông. Mấy năm trước đây, hàng trăm "vàng tặc" các tỉnh khác kéo lên Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) đào đãi trái phép. Tỉnh áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, kể cả chi nhiều tiền cho các lực lượng đẩy, đuổi. Giải pháp được nhiều ý kiến đồng tình nhất là trình Chính phủ cho một đơn vị có đủ năng lực và uy tín vào khai thác để dễ quản lý. Nhưng mãi vẫn không chọn được mặt để gửi... vàng nên vàng Vĩnh Ô bị "vàng tặc" ăn cắp cơ bản xong, bỏ đi hết. Bây giờ chính quyền không cần nhọc công bảo vệ nữa!
Hình như rút kinh nghiệm ở Vĩnh Ô, với các mỏ vàng ở Đakrông, UBND tỉnh xin Chính phủ cho phép địa phương quản lý, cấp phép khai thác tận thu. Trong 8 mỏ trình lên Trung ương, được chấp thuận 4, gồm các mỏ Cà Ruông, Ba Ngay, Giăng và Chêng thuộc xã Tà Long huyện Đakrông. Tỉnh đã tổ chức đấu giá khai thác và ngày 26/5/2003, Công ty Công nghệ địa vật lý trúng thầu mỏ Cà Ruông với giá phải nộp cho tỉnh hai tỉ trong một năm. Tháng 5/2004, hợp đồng đã hết mà gần hết tháng 6 Công ty Công nghệ địa vật lý vẫn dùng dằng không chịu trả cho tỉnh số tiền nợ 400 triệu đồng. Tương tự, Công ty Nhật Quang trúng thầu mỏ vàng Ba Ngay với giá 250,5 triệu đồng mỗi năm, và cũng mới trả cho tỉnh 50 triệu đồng.
Chỉ với hơn hai tỷ đồng cho ngân sách địa phương (mà vẫn chưa nộp đủ), mà chính quyền tỉnh Quảng Trị đã "giao trứng cho ác" để các đơn vị khai thác, mà điển hình là Công ty Công nghệ địa vật lý đã gây hậu quả thật nặng nề về tài nguyên và môi trường sinh thái. Riêng ở Cà Ruông, Công ty Công nghệ địa vật lý đã tổ chức khai thác theo phong cách rất "vàng tặc". Họ đào những đường hầm dài hàng trăm mét trong lòng núi mà không hề có vì, cột chống lò. Và còn nữa, họ đã dẫn lối cho một "nghề" đầy nguy hiểm du nhập vào bản đồng bào dân tộc Pa Kô, nghề đãi vàng trái phép.
Dư luận ở Quảng Trị ngạc nhiên, không hiểu vì sao liên tục vi phạm như thế mà Công ty Công nghệ địa vật lý lại là đơn vị có uy tín với chính quyền để được UBND tỉnh Quảng Trị trao quyền quản lý, bảo vệ các mỏ vàng ở A Vao, để họ có cơ hội biến từ người bảo vệ trở thành "vàng tặc"?