Phá vụ vận chuyển tiền giả lớn ngày 25/3 tại khu vực ga Hà Nội. |
Điều đáng nói là việc tăng cường kiểm soát chống vận chuyển tiền VN giả qua biên giới đang được đặt ra như nghiệm vụ chính của ngành hải quan.
Mới chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện được gần 100 vụ lưu hành tiền giả với tổng giá trị hơn 1.362 triệu đồng. Loại tiền này đều được in giả từ nước ngoài vận chuyển vào VN tiêu thụ.
Ngày 22/4, Công an huyện Cao Lộc, Lạng Sơn bắt quả tang Phạm Thị Luyến vận chuyển 60 triệu đồng tiền giả polymer, loại mệnh giá 100.000 đồng. Khai với Cơ quan điều tra, Luyến cho biết đã đổi 450.000 đồng tiền thật lấy 1 triệu đồng tiền giả. Ngày 25/6, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp Hải quan cửa khẩu Tân Thanh bắt quả tang Vũ Văn Thắng đang vận chuyển từ Trung Quốc vào VN 29,9 triệu đồng tiền polymer giả mệnh giá 100.000 đồng.
Ngay gần đây, ngày 4/8, Đồn biên phòng 59 Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn đã bắt quả tang 3 đối tượng đang vận chuyển 100 triệu đồng tiền polymer giả loại mệnh giá 500.000 đồng.
Không chỉ ở biên giới, tiền polymer giả đã luồn được vào sâu trong nội địa. Chiều 22/8, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển 200 tờ tiền polymer giả, mệnh giá 500.000 đồng. Ngày 16/9, Công an huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) bắt quả tang 3 đối tượng đang giao 171 tờ tiền polymer giả mệnh giá 100.000 đồng cho một số người mang đi tiêu thụ.
Mới đây, ngày 19/9, tại Lạng Sơn, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng bắt quả tang Trịnh Đức Bắc đang vận chuyển 50 triệu tiền polymer giả, mệnh giá 500.000 đồng. Toàn bộ số tiền trên trùng series, in và làm trên chất liệu polymer cực kỳ tinh xảo.
Theo nhận xét của các nhân viên Hải quan Lạng Sơn, bằng mắt quan sát sẽ rất khó phân biệt được tiền giả với tiền thật. Còn theo chỉ dẫn của các chuyên gia ngân hàng thì để nhận biết được tiền giả bằng polymer, chỉ cần vuốt nhẹ lên bề mặt tờ giấy bạc sẽ không cảm nhận được các chi tiết in lõm (intaglio), nổi, nhám ráp hay chi tiết dập nổi như ở tiền thật.
Như vậy, để phát hiện được tiền giả, các cơ quan chức năng còn có phương tiện máy móc kiểm tra. Nhưng với người dân phải sử dụng tiền mặt hàng ngày sẽ không thể sử dụng được các máy đếm tiền, mà chỉ còn cách vừa đếm tiền bằng tay, vừa kiểm tra xem có bị lẫn tiền giả như hướng dẫn vừa nêu ở trên.
Từ lâu nạn vận chuyển buôn bán hàng lậu rất dễ phát hiện và truy bắt, nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra khá rầm rộ ở các vùng biên giới mà lực lượng hải quan cũng như các ngành chức năng không ngăn chặn được triệt để. Việc vận chuyển tiền giả rất gọn nhỏ, dễ che giấu sẽ là một thách thức lớn đối với lực lượng bảo vệ biên giới trong nhiệm vụ chống vận chuyển tiền VN giả vào nội địa.
Tiền polymer giả đang là vấn đề bức xúc xã hội, nay lại thêm việc in giấy bạc bằng chất liệu polymer một cách "bất cẩn" của Ngân hàng Nhà nước VN cũng đang gây bức xúc cho dư luận, làm cho người sử dụng tiền khó phân biệt đâu là tiền giả, tiền thật. Liên tục những ngày vừa qua, tiền polymer mệnh giá 10.000, 100.000, 500.000 đồng khi lưu hành bị phát hiện có "lỗi", nhưng đều được giải thích do khâu chế bản khi in tiền.
(Theo Lao Động)