Trong công việc hàng ngày cũng vậy, khi bạn đi đàm phán, ký kết hay thương thuyết một vấn đề gì đấy cho cơ quan, dáng vẻ bên ngoài của bạn ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công hay thất bại của công việc đó.
Một bước đi dứt khoát, một cái bắt tay thân thiện cùng với dáng ngồi ung dung, chứng tỏ bạn đã sẵn sàng bắt tay vào việc. Thông thường, cuộc sống nội tâm, tình cảm của con người thường được biểu đạt một cách uyển chuyển, nhịp nhàng và có sự giao thoa với dáng vẻ, cử chỉ bên ngoài. Không lẽ bạn đang hướng ánh mắt thân thiện để chia sẻ với đối phương niềm vui hay nỗi buồn mà tư thế đứng, ngồi của bạn lại quay đi nơi khác?
Một số người khi trò chuyện, giao tiếp đã biết cách sử dụng "ngôn ngữ cơ thể " tư thế tay hay toàn thân để thể hiện ý tứ lời nói, làm tăng tính thuyết phục của câu chuyện. Thông thường, các tư thế này thường biểu hiện dưới nhiều hình thức nhưng tập trung chủ yếu vào hai hình thức đứng và ngồi.
Trước tiên, chúng ta đề cập đến tư thế đứng, Các chuyên gia tâm lý cho rằng: sự tự tin, đàng hoàng của mỗi người trong thế đứng giao tiếp là ngẩng đầu, hai mắt nhìn thẳng về phía trước, khuôn mặt tươi tắn, hai vai để lỏng, hai tay để xuôi tự nhiên và hai chân đứng thẳng. Tuy nhiên sự "cứng rắn" này của phái yếu cũng nên biểu hiện dưới sắc thái mềm mại, nữ tính chứ không nên quá cứng nhắc, dễ dẫn tới hỏng việc.
Cũng cần lưu ý với bạn rằng, tuỳ vào đối tượng, tính chất từng cuộc trò chuyện trao đổi mà có thể điều chỉnh tư thế dáng đứng của mình sao cho phù họp. Ví như đứng trước mặt bạn là một vị giáo sư, một nhà khoa học có tên tuổi thì tác phong của bạn lúc này nên biểu lộ được sự ngưỡng mộ, kính trọng. Trước cuộc thương thuyết, giao tranh với đối tác trong lĩnh vực thương mại, buôn bán thì lời nói, vẻ mặt và dáng đứng của bạn phải bộc lộ sự tự tin, dứt khoát và sắc sảo thì bạn mới hòng thu phục được đối phương. Nhưng dù trong hoàn cảnh và đối tượng nào thì các ưu thế đứng thiếu tự tin, thiếu sự đàng hoàng như còng lưng, cúi mặt, so vai... thì bạn cần phải tránh.
Điều thứ hai là tư thế ngồi trong giao tiếp bởi qua tư thế ngồi của mỗi người cũng đã gửi gắm nhiều thông tin cho đối phương. Khi bạn đang chăm chú lắng nghe ai đó trò chuyện thì nét mặt, ánh mắt của bạn sẽ tập trung vào khuôn mặt đối phương. Khi bạn đang chăm chú lắng nghe ai đó trò chuyện thì nét mặt, ánh mắt của bạn sẽ tập trung vào khuôn mặt đối phương cùng với dáng ngồi hơi cúi về phía trước.
Trong hoàn cảnh này, nếu bạn ngồi tựa lưng vào thành ghế, hai tay khoanh trước ngực, cằm nhô ra...chứng tỏ bạn không muốn nghe chuyện hoặc muốn kết thúc câu chuyện càng nhanh, càng tốt. Chú ý trong lúc trò chuyện, bất kể trạng thái tâm lý của bạn lúc đó vui hay buồn, trầm mặc hay quá khích, bạn cũng nhớ để hai chân của mình khép một cách tự nhiên, đừng bắt chéo chân khi trò chuyện nếu trước mặt bạn là những người lớn tuổi, đáng kính.
Ngày nay, rất nhiều bạn gái chúng ta học cao, biết rộng và tham gia vào nhiều lĩnh vực của xã hội. Những bạn gái nào biết kết hợp, điều chỉnh giữa sự hiểu biết, học vấn và khả năng làm việc của mình với nét đẹp truyền thống dịu dàng, đoan trang của người con gái Việt Nam trong giao tiếp ứng xử thì chắc chắn các bạn gái đó sẽ gặt hái được những thành công trong bước đường đời của mình.
(Theo Thế Giới Phụ Nữ)