Dharmveer Bhoora, 56 tuổi, làm trưởng làng Khaikheri, Muzaffarnagar. Dù có chức vị và hàng năm được chính phủ trợ cấp 500.000 rupee, ông Bhoora vẫn không từ bỏ nghề ăn xin. Bhoora nói rằng, nghề này giúp ông kiếm được rất nhiều tiền để nuôi sống gia đình và đóng góp cho những dự án của làng.
Trong một tuần thuận lợi, người đàn ông chưa bao giờ có một công việc ổn định này xin được hơn 560 USD. Bhoora chia sẻ trên IANS: "Nghe có vẻ không thể tin nổi, nhưng từ khi tôi trở thành người đứng đầu làng vào năm 2004, tôi vẫn thu nhập hàng nghìn rupee từ việc ăn xin. Số tiền đó dành cho gia đình và đôi khi giúp cho cả làng. Giờ đây, tôi có trách nhiệm chăm lo sự phát triển của ngôi làng này và tiền ăn xin cũng sẽ được sử dụng cho những dự án kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng trong làng. Tôi biết ơn những đồng tiền nhỏ bé mà mọi người đã trao cho tôi".
Ông Bhoora đi ăn xin. Ảnh: Rex. |
Cuộc đời của người đàn ông này giống như trong cổ tích. Bhoora lớn lên trong sự nghèo khó cùng cực. Ông đã đi ăn xin trong suốt hơn 30 năm. Việc trở thành trưởng làng là một giấc mơ đầy bất ngờ với ông.
Rajeev Tyagi, giáo viên tiểu học trong làng, kể: "Những người dân rất phẫn nộ với các vị chức sắc tham ô. Để dạy cho họ bài học, chúng tôi đồng lòng bầu một người ăn xin lên chiếc ghế trưởng làng. Tất cả chúng tôi đều biết Bhoora. Bởi vậy chúng tôi giúp ông chiến thắng bằng cách thức hợp lệ trong cuộc bầu cử. Tại thời điểm đó, chúng tôi nói với Bhoora rằng, ông ấy có ý nghĩa rất nhiều và giờ có trách nhiệm với vận mệnh của cả làng".
Ban đầu, Bhoora nghĩ những người dân trêu đùa ông. Nhưng khi họ đưa tên vào danh sách bầu cử, ông mới nhận ra chuyện này hoàn toàn nghiêm túc. Sau đó, ông quyết định đảm nhiệm vai trò mới như một thử thách và làm việc hết mình vì sự phát triển ngôi làng gần 10.000 người. Ông xây dựng từ đường sắt tới toilet công cộng, đèn đường và những trung tâm cộng đồng, tất cả từ số tiền đi ăn xin.
Khi Bhoora ăn xin, người dân quyên góp với tất cả lòng chân thành vì họ biết ông rất tốt và dành hầu hết tiền kiếm được để xây dựng làng.
Hoài Vũ