Các chuyên gia dự đoán khả năng cả năm 2006, giá USD cũng sẽ tăng dưới 1% và phải đến cuối năm mới vượt qua mốc 16.000 VND/USD. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô khi lập kế hoạch 5 năm 2006-2010 cũng chỉ đưa ra dự báo để tính toán là giá USD đến năm 2010 cũng không vượt quá 18.000 VND!
Lý giải diễn biến và dự đoán về giá USD như trên, các chuyên gia đã đưa ra ba nguyên nhân.
Thứ nhất, giá USD đã giảm mạnh so với những đồng tiền chủ yếu trên thế giới. Khi đồng euro mới đưa ra lưu hành, 1 USD=1 euro, đã có thời gian 1 USD còn ăn 1,25 euro, nhưng nay 1 USD chỉ còn ăn 0,8299 euro. Một USD trước đây đã ăn tới 300 yen, cách đây mấy năm còn ăn 140- 150 yen, nhưng nay chỉ còn ăn 117,9 yen.
Đồng USD giảm giá trên thị trường thế giới không phải do tăng trưởng kinh tế Mỹ thấp hơn EU hay Nhật Bản, trái lại còn cao hơn nhiều, thậm chí có những năm còn cao gấp trên dưới 2 lần. Nguyên nhân cũng không phải do lãi suất đồng USD thấp hơn đồng euro hay yen Nhật. Cách đây mấy năm, lãi suất USD ở mức 6,75%, cao hơn nhiều, mất mấy năm xuống thấp để hồi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế, kể từ lần điều chỉnh thứ 6 đến lần thứ 15 (hiện ở mức 4,75%) đã cao hơn mức 2,5% của đồng euro và cao hơn nhiều mức thấp trong nhiều năm, trong đó có những năm gần với mức 0% của yen Nhật.
Khi đồng USD giảm giá, giá vàng tăng cao, ngân hàng Trung ương nhiều nước đã ngưng bán vàng ra, trong khi ngân hàng Trung ương một số nước như CHND Trung Hoa, Ấn Độ... đã cơ cấu lại bằng cách bán USD, mua vàng dự trữ.
Thứ hai, lượng USD mà Việt Nam thu được từ các nguồn mấy năm nay tăng khá và theo dự đoán đang có những vận hội mới để tạo ra những làn sóng mới.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2005 đăng ký mới và bổ sung lên đến 6.338 triệu USD, số thực hiện đạt khoảng 3,3 tỷ USD, đưa tổng số tính từ năm 1988 đến năm 2005 tương ứng lên đến 66,2 tỷ USD và 33 tỷ USD. Tới đây, nguồn vốn này sẽ còn vào mạnh hơn.
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) năm 2005 cam kết đạt gần 3,5 tỷ USD, giải ngân 1,7 tỷ USD, đưa tổng số tính từ năm 1993 đến nay tương ứng đạt trên 30 tỷ USD và khoảng 16 tỷ USD.
Nguồn kiều hối gửi về nước năm 2005 đạt khoảng gần 4 tỷ USD, đưa tổng số tính từ năm 1991 đến nay lên khoảng 19,3 tỷ USD.
Nguồn ngoại tệ do khách quốc tế chi tiêu khi đến Việt Nam cũng gia tăng mạnh. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2005 đạt gần 3,5 triệu lượt người, khả năng cả năm 2006 sẽ vượt qua mốc 4 triệu lượt người. Tạm tính với mức chi tiêu bình quân 1 lượt người năm 2003 là 902,7 USD theo kết quả điều tra, thì số ngoại tệ năm 2005 lên đến trên 3 tỷ USD và năm 2006 có thể đạt trên 3,6 tỷ USD.
Nguồn ngoại tệ do khoảng 400 nghìn lao động xuất khẩu ở khoảng 40 nước gửi về năm 2005 ước đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, còn có những nguồn tiền đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán, bằng việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài, vay thương mại...
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho cán cân thanh toán của nước ta mấy năm nay liên tục thặng dư.
Thứ ba , có một nguyên nhân quan trọng không phải ai cũng biết đó là “cánh kéo tỷ giá” giữa tỷ giá hối đoái trên thị trường Việt Nam và tỷ giá sức mua còn khoảng cách rất lớn. Sức mua của 1 USD ở thị trường Việt Nam bằng trên dưới 5 USD ở thị trường Mỹ. Điều đó cũng lý giải tại sao GDP tính bình quân đầu người của Việt Nam tính bằng USD theo sức mua tương đương cao gấp trên dưới 5 lần khi tính theo tỷ giá hối đoái thực tế bình quân ở Việt Nam.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)