Những người dân ở xóm Mạ, xã Vĩnh Kiên huyện Yên Bình (Yên Bái) kể, mấy năm qua ông Đặng Văn Lự vẫn đau đáu mong ước được hiến tặng một bên mắt cho nghệ sĩ piano lừng danh Nobuyuki Tsujii (Nhật Bản), người bị mù bẩm sinh một bên mắt. Đổi lại, ông chỉ ước được Tsujii chơi tặng một bản nhạc Việt Nam, sau khi thị lực hồi phục trở lại.
Ông Lự chia sẻ, cuộc đời ông gắn liền với con số 9 định mệnh. Trước đây, ông từng tham gia phục vụ trong quân ngũ tại Lữ đoàn Công binh 279 chuyên rà phá bom mìn. Năm 1979 ông xuất ngũ trở về địa phương, khi hòa nhập với cuộc sống thường nhật, máu công binh vẫn còn đầy ăm ắp trong cơ thể. Bởi vậy, sau khi vớt được quả bom trên lòng hồ, ông Lự tự tháo kíp, rồi mày mò tạo ra những quả mìn tự chế. Chính từ đây, bi kịch đã xảy đến.
Ông Lự tâm sự: “Tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in ngày 19/9/1979. Hôm đó, khi đang rong ruổi trên lòng hồ Thác Bà, tôi chợt thấy đàn cá lớn khuấy tung bọt nước. Quyết không để mất, tôi liền chèo thuyền vòng ra phía sau, rồi nhẹ nhàng cầm bao diêm châm vào dây cháy chậm. Một tiếng nổ kinh hoàng chát chúa vang lên, tôi chỉ kịp nhìn thấy một thứ ánh sáng xanh lét lóe lên lóa mắt. Rồi sau đó, tôi ngã gục xuống ngất lịm ngay trên thuyền. Khi tỉnh lại, tôi đã thấy mình nằm trong bệnh viện, toàn thân bỏng rát nhức nhối. Tôi định đưa tay lên để dụi mắt nhưng không tài nào đưa lên được. Khi nhìn xuống phía dưới một lần nữa, tôi lại ngất lịm đi, khi biết rằng hai cánh tay của mình đã không còn nguyên vẹn”.
Sau khi hồi phục sức khỏe, ông Lự rời bệnh viện với cơ thể không còn lành lặn. Nhiều lúc, ông cảm thấy cuộc đời mình chẳng còn có ý nghĩa, chẳng còn động lực nào để sống nữa. Quá bất mãn với số phận và bi quan với cuộc đời, ông Lự nhiều lần tìm đến bên bờ sông Chảy với ý định quyên sinh.
Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, hễ ông ra đến bờ sông thì người bạn, người đồng đội của ông là Nguyễn Văn Tình lại xuất hiện. Chính ông Tình đã động viên tinh thần ông Lự, đồng thời chỉ cho bạn cách kiếm tiền khi hai cánh tay bị mất.
Ông Lự chia sẻ: “Sau khi được người bạn chỉ đường mách lối, tôi lao vào công việc buôn bán. Bước đầu không còn tay để chèo thuyền, tôi chuyển sang chèo thuyền bằng chân. Dần dần, hình ảnh một chàng trai tuổi 30 lăn lộn khắp Tây Bắc đã trở nên quen thuộc với nhiều người”.
Vượt qua số phận, cùng nghị lực sống phi thường, cuối cùng hạnh phúc cũng hé mở với ông. Không chỉ cuộc đời khác lạ, câu chuyện tình của người đàn ông không tay này cũng hết sức đặc biệt so với biết bao nhiêu câu chuyện tình khác.
Ông kể: “Những lần qua lại huyện Hải Hậu (Nam Định) làm ăn, tôi tình cờ gặp bà ấy”. Hồi đó, bà Nguyễn Thị Thi (vợ ông) còn là thiếu nữ xinh đẹp vừa vào tuổi trăng rằm. Chẳng hiểu sao, sau những lần chuyện trò cùng, bà Thi lại đem lòng ngưỡng mộ người đàn ông bất hạnh nhưng nghị lực phi thường này.
Trước tình cảm của cô thôn nữ, chàng trai Đặng Vặn Lự nhiều lần cũng muốn ngỏ lời yêu thương, tuy nhiên mỗi lần như thế, anh lại nhìn xuống đôi tay của mình mà cảm thấy chua chát: “Tôi nghĩ con người tôi tàn tật như thế này, tự nuôi bản thân còn khó, nói gì đến chuyện lập gia đình”, ông nhớ lại.
Gạt qua định kiến của xã hội, gạt qua sự ngăn cản của gia đình, bà Thi đã ngỏ lời yêu ông trước. Ban đầu, vì lo sợ, ông Lự nhất quyết từ chối. “Thân thể tôi như thế này, mình không thể đến với nhau được đâu em. Lấy tôi thì cuộc đời em sẽ khổ, tôi sẽ là gánh nặng cho cuộc đời em. Nếu như em quyết định gắn cuộc đời em với cuộc đời tôi, tôi không muốn như vậy”, ông Lự kể.
Nhưng điều khiến người đàn ông bất hạnh này không ngờ là ngay lúc ấy, bà Thi đã phản ứng kiên quyết. “Lúc đó, vợ tôi đã nói một câu khiến tôi đến giờ vẫn thấy ấm lòng: “Dù đôi tay của anh không còn, nhưng còn đôi tay của em. Và anh còn nghị lực sống, còn trái tim biết yêu thương. Mình có thể nương tựa vào nhau để sống anh ạ”.
Sau câu nói ấy, đám cưới của cô thôn nữ xinh đẹp và người đàn ông cụt tay được tổ chức. Ngày vu quy, rất đông bà con làng xóm đến chúc phúc và chia vui cùng với người đàn ông tàn tật nhưng tốt phước. Một đám cưới lạ, không chỉ có chú rể bị cụt tay, mà khách mời cũng rất nhiều người mất tay, mất chân... Đám cưới thật giản đơn nhưng ngập tràn hạnh phúc.
Không chỉ là một người đàn ông đầy nghị lực, ông Đặng Văn Lự còn là một tấm gương tiểu biểu cho sự vươn lên và vượt qua số phận ở miền đất Tây Bắc này. Giờ đây khi cuộc sống đủ đầy, người đàn ông bước vào độ tuổi lục tuần này lại có một mơ ước cháy bỏng mang đầy tính nhân văn. Đặc biệt là sau khi ông theo dõi một chương trình truyền hình, niềm mơ ước của ông lại cháy lên dữ dội.
Ông Lự cho biết: “Sau chương trình trên tivi phát buổi biểu diễn của nghệ sĩ Nhật Bản, có cái tên khó đọc Nobuyuki Tsujii bị khiếm thị chơi piano rất hay, tôi đột nhiên muốn được hiến cho người nghệ sĩ trẻ tài ba này một con mắt vô điều kiện. Duy nhất một điều, nếu chuyện này trở thành hiện thực, thì sau khi thực hiện hiến mắt thành công, tôi mong được một lần trực tiếp nghe nghệ sĩ Nobuyuki Tsujii, chơi cho tôi nghe một bản nhạc của Việt Nam, được như vậy thì tôi chết cũng thỏa mãn lắm rồi. Nói thật, sau khi nghe Nobuyuki Tsujii chơi nhạc, mỗi bữa cơm tôi đã ăn thêm được một bát cơm nữa”.
Chia sẻ về mong muốn được hiến một bên mắt cho nghệ sĩ mù người Nhật Bản, ông tâm sự: “Hồi nhỏ, gia đình tôi rất khó khăn, có khi mấy ngày liền mới được một bữa cơm trắng, còn thì toàn cơm độn ngô, khoai, sắn. Tuy nhiên, cha tôi là người rất yêu âm nhạc, đặc biệt là nhạc dân tộc. Chính vì vậy, tình yêu âm nhạc của cha đã ngấm vào cơ thể tôi lúc nào không biết. Trước đây trong đơn vị, tôi có thể sử dụng được nhiều nhạc cụ khác nhau cho đồng đội tôi nghe như sáo, nhị, harmonica... Bởi vậy, tôi thật sự khâm phục tài năng của nghệ sĩ piano Nobuyuki Tsujii. Cùng là người mang tình yêu âm nhạc cháy bỏng, tôi mong muốn được là người hiến một bên mắt cho người nghệ sĩ này”.
Sau ngày cưới, cuộc sống của ông bà lúc đầu cũng tạm ổn. Nhưng lần lượt đứa con thứ nhất, thứ hai... thứ 5 ra đời, thì nỗi khổ tứ bề bắt đầu vây bủa. Bà Thi cho biết: “ Nhiều hôm nhà hết gạo, hai vợ chồng phải giấu các con nhịn để cho chúng nó ăn. Lắm lúc thương chồng vất vả ngược xuôi kiếm tiền với hai bàn tay cụt lo cho gia đình, lòng tôi quặn thắt. Nhưng ông trời cũng có mắt, phù hộ cho ông Lự nhà tôi buôn may bán đắt, nhờ đó cuộc sống gia đình cũng dần đi vào ổn định”.
Nói rồi, bà nhìn qua ông Lự với ánh mắt trìu mến rồi tâm sự tiếp: “Người lành lặn lao động để nuôi sống mình trong thời ấy đã khó, huống hồ như ông Lự nhà tôi chẳng còn hai bàn tay. Vậy mà, ông ấy làm việc không thua người bình thường, bôn ba ngược xuôi lo cho gia đình. Có lẽ, tình thương con, thương vợ đã tiếp thêm sức mạnh cho ông ấy trong cuộc chiến với cơm áo gạo tiền”.
Theo Giadinh.net.vn