5h30, Calvin Buari thức dậy, đánh xe tới một chung cư ở New York. Hai phụ nữ mở cửa chiếc Toyota Sienna bước vào. Chưa đầy hai tiếng sau, họ được đưa đến trước một bức tường lớn. Đó là trại giam Green Haven, nơi hai vị khách ghé thăm chồng và con trai.
Buari sáng lập Ryderz Van Service, dịch vụ theo lời anh mô tả ngắn gọn: "Uber thăm tù". Người đàn ông năm nay 47 tuổi, quen thuộc với trại giam hơn ứng dụng gọi xe nổi tiếng. Trước đó, anh thụ án trong 22 năm cho tội danh giết người chưa từng thực hiện. Năm ngoái, Buari bước ra từ nhà tù tại Stormville, tiểu bang New York, sau khi được minh oan.

Calvin Buari ở tù 22 năm vì tội giết người chưa từng thực hiện. Ảnh: AP.
Ngày trở lại, Buari dùng ôtô của bạn gái để khởi nghiệp. Lượng xe dần tăng lên con số 3, đôi tình nhân thay nhau cầm lái và thuê thêm hai tài xế tự do. Họ tham vọng kết nối dịch vụ đến toàn bộ 52 trại giam của tiểu bang New York thông qua ứng dụng di động.
"Các nhà tù đã ăn sâu vào xã hội này, vậy nên tôi còn lâu mới hết việc", Buari hài hước nói.
Từ trùm buôn ma túy đến ông chủ dịch vụ thức thời
Đầu thập niên 90, Calvin Buari là trùm buôn ma túy khét tiếng tại khu Bronx, New York. Anh cầm đầu một băng đảng nằm vùng đường số 213 và đại lộ Bronxwood. Nhờ ăn nên làm ra, Buari ngày ấy đi xe sang và giày đắt tiền. Nhưng cuộc sống tội phạm xa hoa nhanh chóng kết thúc vào năm 1992, khi anh bị gài bẫy cho tội ác giết hai người và chịu án 50 năm tù ba năm sau đó.
Từ đây, Calvin Buari không ngừng tranh đấu để chứng minh mình vô tội. Phóng viên Steve Fishman của kênh phát thanh Empire on Blood sát cánh với hành trình của nam tù nhân trong 7 năm. Cuối cùng, nhờ những nỗ lực của Fishman, nhân chứng minh oan cho Buari được đưa ra ánh sáng năm 2015. Tháng 5/2017, Calvin Buari được trả tự do.
Một năm trôi đi, tù nhân ngày nào giờ tìm niềm vui trên những dặm đường. Trong chiếc Sienna của anh, ba người phụ nữ có tên Shelia Clark, Darlene Vives và Janoi Frye kể chuyện thăm chồng mỗi tháng một lần, với vô vàn khó khăn cả về tài chính lẫn thủ tục.

Calvin chạy dịch vụ Ryderz Van Service tới các nhà tù. Ảnh: Will Yakowicz.
Tại Mỹ, để thăm tù, các gia đình thường phải lái xe riêng hàng giờ đồng hồ hoặc bắt một loại xe khách chuyên chở. Tuy nhiên, xe này chỉ phục vụ một chuyến mỗi ngày, khiến thân nhân phải lưu lại trại giam ít nhất 8 tiếng - rất tốn thời gian trong khi họ vẫn có công việc thường ngày.
"Chưa kể dịch vụ tệ hại so với giá vé 50 đôla. Bạn bị nhồi nhét cùng 14 người khác, trông như thể một băng đảng. Họ cãi cọ và càu nhàu về người thân trong tù, còn dịch vụ của Calvin lại văn minh", chị Frye phàn nàn, không quên dành lời khen cho Ryderz Van Service.
Với giá tương đương, xe của Buari sạch, nhỏ hơn và chở tối đa 4 người. Anh cung cấp hai chuyến mỗi ngày, giúp các khách hàng kịp trở về lúc trưa.
Sau một năm hoạt động, dịch vụ đem lại nguồn thu 100.000 USD cho Buari. Anh hào hứng: "Cứ 50 USD mỗi người, nếu mở rộng ra toàn bang thì sẽ kiếm lớn".
Tù nhân ngày nào tin tưởng vào khả năng Ryderz Van Service trở thành mô hình kinh doanh triệu đô một ngày không xa.
"Tôi đang gây dựng lại tất cả, lần này là hợp pháp", Buari giãi bày.
Dẫu vậy, mô hình Uber mà anh mơ ước hiện còn xa vời khi lượng xe sở hữu mới chỉ là 3.
Tài kinh doanh trong môi trường không tưởng
Những năm đầu sau song sắt, Calvin Buari chìm ngập trong thù hận rồi chuyển sang cảm giác hối lỗi về quãng đời buôn ma túy. Điều này dần thôi thúc khao khát làm ăn lương thiện ngày trở về của anh, vẫn bằng tài kinh doanh ngày nào. Duyên hội ngộ một người tù oan khác, Paul Clark, thức tỉnh ý chí của Buari.
"Nước Mỹ luôn cho bạn cơ hội thứ hai", anh suy nghĩ.
Ít lâu sau, Calvin Buari kết bạn với Trevers Jackson, một phạm nhân kinh tế. Từ đây, những ý tưởng nảy nở. Jackson bấy giờ có mối buôn đồ da trong trại giam, còn Buari điều hành từ xa một công ty quần áo và giày dép với sự trợ giúp từ vợ cũ. Hai người đàn ông giúp đỡ nhau làm ăn.
Một lần, họ đề xuất mở lớp dạy kinh doanh cho các tù nhân và được quản tù chấp thuận.
"Đa phần người ta vào đây vì không biết kiếm tiền một cách hợp pháp", đó là quan điểm của một trong hai đồng sáng lập lớp học đặc biệt này.
Jackson còn hơn 10 năm chịu án tại Green Haven.

Calvin được trả tự do tháng 5/2017. Ảnh: AP.
Calvin Buari bây giờ mô tả mình trong hồ sơ cá nhân: Có khả năng kinh doanh trong những môi trường khắc nghiệt nhất. Dẫu vậy, anh gặp không ít khó khăn khi tái hòa nhập sau hơn hai thập kỷ tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Như đến từ thời kỳ "đồ đá", cựu tù nhân chưa thôi ngỡ ngàng về công nghệ ngày nay: "Bạn gửi tiền vòng quanh thế giới trong tích tắc". Buari giờ đây hy vọng người em trai, đang điều hành một công ty phát triển web, giúp xây dựng một ứng dụng tương tự Uber.
Tin tưởng vào cơ hội thứ hai
Trở về "ngôi nhà cũ" trong khi thực hiện công việc mới, Buari nhận sự chào đón nồng nhiệt từ những giám thị khi xưa.
"Anh ấy luôn đi lại với tập hồ sơ vụ án của mình trong tay, quả quyết về việc sớm ra khỏi đây", một nữ quản tù nhớ lại.
Buari không quên chia sẻ danh thiếp tới những người thăm nom khác, giới thiệu dịch vụ lạ đời theo phong cách Uber của mình.
Khách hàng của Buari hôm ấy đều có người thân đã chịu án hơn 10 năm và còn ngần ấy thời gian đến ngày mãn hạn. 9h30, họ đoàn tụ chồng con và cùng dùng bữa.
"Dịch vụ của Calvin gìn giữ gia đình chúng tôi", Shelia Clark nhận xét.
Không tiêu tốn cả ngày trời, Buari đưa khách hàng trở về thành phố sau cuộc hội ngộ 2 giờ đồng hồ. Trong lúc cầm lái, anh hồi tưởng quá khứ chở ma túy lậu từ Mexico.
"Thấy không, Calvin của ngày xưa đã chết, một tay tội phạm đã có thể kinh doanh bất cứ thứ gì khác: Tất, cà vạt hay thậm chí đồ lót. Tôi không còn là tôi trước đây và tin tưởng vào cơ hội thứ hai", người đàn ông trạc ngũ tuần trầm ngâm khi nhường đường cho một chiếc xe tang.
Quốc Việt
Theo Inc.