Hui Ka Yan - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc xét về doanh số - là cái tên được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây. Tập đoàn của ông đang gánh khoản nợ khổng lồ 300 tỷ USD và đứng trước nguy cơ sụp đổ. Dù vậy, trong thư gửi hơn 120.000 nhân viên, tỷ phú Hui Ka Yan vẫn thể hiện thái độ lạc quan và tin công ty sẽ "bước ra khỏi thời điểm đen tối nhất" này.
Evergrande hiện đối mặt khó khăn tưởng như không thể vượt qua, nhưng không thể phủ nhận thành công và sức ảnh hưởng trên thương trường của Hui Ka Yan - người xây dựng Evergrande từ hai bàn tay trắng. Hui sinh năm 1958 tại làng Jutaigang, thị trấn Gaoxian, tỉnh Hà Nam. Khi mới 1 tuổi, mẹ qua đời, bố tham gia chiến tranh nên ông ở cùng bà ngoại. Nhà nghèo, Hui nghỉ học sau khi tốt nghiệp THPT, đi làm phụ giúp bà. Thời gian đầu kiếm tiền, Hui làm một số công việc nặng như lái máy kéo, công nhân nhà máy xi măng.
Sau hai năm làm việc ở nhà máy xi măng, Hui được nhận vào Học viện Gang thép Vũ Hán (nay là Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán). Sau khi tốt nghiệp và làm việc vài năm trong công ty Sắt thép Wuyang, Hui tham vọng làm giàu bằng cách thành lập Tập đoàn Evergrande vào năm 1997.
Từ khi thành lập Evergrande, Hui thực hiện một loạt khoản đầu tư bất động sản, đưa tập đoàn này đạt giá trị 722 triệu USD sau lần phát hành đầu tiên ra công chúng năm 2009. Với tham vọng đứng đầu, Evergrande liên tiếp mở rộng và phát triển mạnh mẽ song song nền kinh tế tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc. Hui sở hữu 70% cổ phần Evergrande, từng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản đạt mức đỉnh hơn 42 tỷ USD năm 2017, theo Bloomberg. Năm 2018, một báo cáo của Brand Finance xếp hạng Evergrande là công ty bất động sản giá trị nhất thế giới.
Khi khối tài sản ngày càng lớn, Hui bắt đầu chuyển hướng đầu tư các lĩnh vực ngoài bất động sản. Ông chi hàng tỷ USD vào một hãng sản xuất ôtô điện và mua Câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu, một trong những đội bóng thành công và giá trị nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng xe điện tỷ phú Hui đầu tư vẫn chưa xuất xưởng được chiếc xe nào.
Dưới sự dẫn dắt của Hui, Evergrande từ lâu xem việc vay vốn ồ ạt từ ngân hàng, tổ chức tín dụng ngầm và phát hành trái phiếu là đòn bẩy tài chính mở rộng kinh doanh ở các lĩnh vực ngoài bất động sản như xe điện, bệnh viện, công viên giải trí. Cũng chính việc liên tục vay nợ mở rộng đầu tư và bành trướng Evergrande sang các lĩnh vực khác đã đẩy tập đoàn này đến rủi ro tài chính. Những nghi ngờ âm ỉ về sức khỏe tài chính của Evergrande bùng lên hồi tháng 9 năm ngoái, khi tập đoàn này gửi thư lên chính phủ Trung Quốc, thừa nhận nguy cơ thiếu tiền mặt có thể dẫn đến những rủi ro lớn.
Với số nợ lên đến hơn 300 tỷ USD, Evergrande là tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới và phải xoay sở đủ cách thanh toán cho nhà cung cấp và chủ nợ. Những lo ngại về tình trạng nợ của Evergrande khiến nhà đầu tư bán tháo, cổ phiếu của công ty này giảm hơn 85% năm qua. Hai tuần qua, tập đoàn này hai lần bị cảnh báo nguy cơ vỡ nợ. Khối tài sản của Hui Ka Yan cũng bốc hơi nhanh chóng. Phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu Evergrande niêm yết tại thị trường Hong Kong giảm 14%, xuống mức thấp nhất một thập kỷ qua, kéo theo tài sản của Hui giảm còn 7,3 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, Hui mất 15,9 tỷ USD tài sản.
Hôm 22/9, Evergrande thông báo đạt được thỏa thuận về trả lãi trái phiếu trong nước, trong bối cảnh tập đoàn đối mặt cuộc kiểm tra thanh khoản quan trọng khi phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi cho đồng ngoại tệ và 232 triệu tệ (36 triệu USD) cho đồng nội tệ hôm nay (23/9). Hengda Real Estate Group – đơn vị bất động sản của tập đoàn Evergrande - khẳng định trong ngày 23/9 sẽ trả một khoản lãi trái phiếu phát hành trong nước. Số trái phiếu này có lãi suất 5,8%, đáo hạn gốc tháng 9/2025, hiện được giao dịch ở Thâm Quyến. Theo số liệu của Refinitiv, tổng số tiền lãi trái phiếu mà Hengda Real Estate thương thảo để trả trong ngày 23/9 là khoảng 232 triệu nhân dân tệ (36 triệu USD).
Thông báo trên từ Evergrande phần nào xoa dịu lo lắng của các nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, khoản tiền trên chỉ là một trong những khoản lãi trái phiếu mà Evergrande phải thanh toán. Tập đoàn này còn phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu cho đồng ngoại tệ hôm nay. Sau nhiều ngày bị bán tháo, cổ phiếu Evergrande bất ngờ tăng 25% trong phiên giao dịch sáng nay, sau thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa bơm 120 tỷ nhân dân tệ (18,6 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh mối lo về cuộc khủng hoảng nợ tại Evergrande khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo mấy ngày gần đây.
Dù bom nợ của Evergrand đã hạ nhiệt, vị thế tài chính và danh tiếng của tỷ phú Hui Ka Yan có thể không lấy lại được. Trên Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, nhiều người gọi tỷ phú Hui là "kẻ lừa đảo". Tuần trước, hàng trăm nhà đầu tư và nhân viên Evergrande tổ chức cuộc biểu tình tại trụ sở chính ở Thâm Quyến, yêu cầu hoàn tiền cho các sản phẩm đầu tư mà họ mua từ công ty.
Sơn Nam (Theo Newsweek, Bloomberg, SCMP)