![]() |
Năm sau, Việt định sẽ thi tiếp ĐH Dược theo tâm nguyện của bố mẹ. |
Gần trưa, các hộ gia đình ở xóm chạy thận bắt đầu lục đục nấu cơm đợi người nhà đi lọc máu về. Trong căn phòng rộng 10 m2, Tuấn Việt đang xoay sở với nồi rau luộc trên bếp gas mini đặt giữa lối đi. Vừa đảo rau, cậu vừa gọi cho mẹ thông báo hết gạo. Nồi cơm trưa nay Việt phải ghế thêm cơm nguội mới may đủ cho ba người. Thấy có người hỏi thăm, tân sinh viên ĐH Bách Khoa vội vàng thu dọn đồ đạc ngổn ngang trong khoảng không gian chật hẹp rồi lễ phép mời khách vào.
Trong xóm trọ này, nhà Việt được xem là gia đình "kỳ cựu" nhất, gần 20 năm. 18 tháng tuổi, Việt theo bố mẹ lên "định cư" trong xóm chạy thận và ở mãi cho tới giờ. Bố phải chạy thận nên mẹ Việt dắt díu cả cậu con nhỏ lên ở cùng để tiện bề chăm sóc. Nhà nhỏ chỉ kê vừa đủ một tấm phản và chiếc ghế dài. Trước đây bố mẹ ngủ ở phản còn Việt nằm trên ghế. Đến giờ, ghế đã mọt, hỏng, ba người nhà Việt nằm chung nhau trên tấm phản chật chội.
Trong ký ức của Việt, tuổi thơ là những ngày bị mẹ nhốt trong nhà, là những lần chứng kiến bố chán nản, muốn buông xuôi vì bệnh tật, là hình ảnh mẹ treo 5 phích nước mỗi bên cánh tay để chạy sang viện kịp bán cho bệnh nhân. Để có tiền chữa bệnh cho bố, mẹ Việt làm đủ công việc ra tiền. Bán đồ ăn sáng, bán nước cho người bệnh trong viện, mẹ Việt phải thức khuya dậy sớm và mỗi ngày chỉ được ngủ một tiếng. Để con trai không đi lạc ra đường, bà khóa trái cửa để con trong nhà. Chưa đến giờ bán đồ ăn hay nước dùng, bà lại tranh thủ ra ngoài làm thuê.
Có ngày Việt phải nhịn từ sáng đến tối vì nhà hết gạo. Mẹ bận rộn đi bán hàng nên không để ý thùng gạo đã hết nhẵn. Hiện tại, mẹ Việt làm nhân viên đưa thuốc cho một cửa hàng dược gần nhà. Nhắc đến mẹ, Việt nghẹn ngào: "Nếu được chứng kiến mẹ em làm việc thời điểm đó, ai cũng thấy phi thường. Giờ, cánh tay mẹ to hơn do phải xách nặng còn khuôn mặt thì lấm tấm tàn nhang. Hình ảnh mẹ vất vả, em không thể quên".
Bố ốm, mẹ ra ngoài kiếm tiền nên Việt phải tự lo cho bản thân từ việc nấu ăn, giặt giũ và học hành. Ở nhà Việt, các thành viên sinh hoạt giờ khác nhau nên hiếm khi cả gia đình ngồi trò chuyện. Thỉnh thoảng không mệt, bố Việt lại cố gắng dạy con học rồi tranh thủ đạp xe thồ sang tận Long Biên mua ngô về luộc bán.
Nhiều lần tình cờ thấy bố nói với mẹ muốn dừng lọc máu vì nhà không có tiền, Việt quyết tâm sau này sẽ kiếm thật nhiều tiền. Trong tâm trí của mình, Việt luôn nhớ lời bố dặn, phải học giỏi để sau có công việc ổn định, lúc ốm đau còn có tiền chữa bệnh.
![]() |
Không ai chăm sóc, Việt tự lập từ khi còn đi học mẫu giáo. |
Việt tâm sự, bố mẹ muốn em thi ĐH Dược để sau này giúp đỡ người thân ốm đau. Trước đây, cả bố và mẹ Việt từng học tại đại học này. Do nhà nghèo nên mẹ Việt phải bỏ học giữa chừng. Trước khi bị bệnh, bố Việt từng làm việc trong một nhà máy dược ở Thanh Hóa còn mẹ ở nhà làm nông. Lúc biết phải ra Hà Nội chạy thận, bố mẹ cậu bán nhà cửa ở quê, ông ngoại bán cả sổ hưu lấy tiền cứu bố Việt.
Từ năm tiểu học đến hết cấp ba, Việt hầu như không có bạn, phần vì mặc cảm, phần bị các bạn xa lánh. Nhà nghèo, chật chội lại ở trong xóm chạy thận nên Việt không dám mời bạn tới nhà. Mỗi khi bạn bè rủ đi chơi, Việt thường từ chối vì không có tiền.
"Các bạn tự cô lập em và nói rằng bố em bị HIV, mẹ làm ôsin. Em không giải thích và cũng chẳng nổi nóng làm gì mà chỉ buồn khi các bạn nghĩ vậy. Em không chia sẻ chuyện gia đình", Việt tâm sự.
Cậu thích tự mày mò gấp giấy, làm hoa, vẽ tranh và chụp ảnh. Để có tiền đóng học và mua đồ dùng học tập, Việt học làm đồ hand-made bán. Quần áo đẹp với cậu là đồ "xa xỉ" bởi có khi đến 2 năm cậu mới có áo mới. Chỉ vào chiếc áo kẻ cũ được giặt và treo cẩn thận lên tường nhà, Việt bảo, cậu để dành để hôm này đi học mới mặc. Với cậu, đỗ đại học là nhiệm vụ được bố mẹ giao phải hoàn thành. Thích Dược nhưng Việt thi và đỗ ngành Hóa - Sinh của ĐH Bách khoa với số điểm 18,5.
"Năm sau em sẽ tiếp tục thi ĐH Dược. Nếu không đỗ, em hy vọng sau này sẽ làm giáo viên. Sắp tới, em sẽ cùng những bạn thi đỗ đại học điểm cao lập nhóm gia sư làm thêm", Việt tiết lộ.
Hà Phương