Mẹ mất khi tôi mới chỉ 3 tuổi, quá nhỏ để có thể hình dung rõ ràng về mẹ. Ngày đó tôi cũng chẳng chịu tin là mẹ đã mất mà lúc nào cũng ấp ủ hi vọng, một ngày nào đó sẽ có một người phụ nữ đến gặp tôi và bảo rằng bà là mẹ của tôi. Đây cũng là lý do vì sao chương trình đầu tiên của Việt Nam ca hát có tên Mẹ, tôi và em.
Tuổi thơ của anh em chúng tôi gắn liền với con sông Cửu Long mênh mông hiền hoà. Những buổi chiều tối, tôi thường ôm đàn ra bờ sông, tựa lưng vào gốc dừa ngân nga. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ hát là một cách giải trí, thư giãn dễ chịu nhất. Nếu nói văn vẻ hơn thì hát kên để cảm thất cuộc đời đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Có thể nói được sống bên một dòng sông đẹp cũng góp phần làm cho tâm hồn mỗi người ở đó trở nên lãng mạn hơn, sâu lắng hơn.
![]() |
Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền. |
Tôi nhớ khi mình mới học lớp 8, một hôm có đoàn giáo viên Cao đẳng Văn hoá TP HCM vào lớp xem mặt và chọn ra những em có năng khiếu để đưa về trường đào tạo. Thật bất ngờ là tôi được chọn. Những người được chọn tham gia dự thi phần năng khiếu để chọn lại lần nữa. Phần thi của tôi là vừa đệm guitar vừa hát ca khúc Một đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Nghĩ đến cảnh đất nước lúc bấy giờ, tôi mới thấm thía từng ca từ của bài hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...". Tôi cứ hát mà miên man suy nghĩ đến những người thân, những người đang sống, những người đang lao động miệt mài, những người xung quanh và chảy nước mắt lúc nào không hay. Sau buổi thi ấy tôi đã trúng tuyển chính thức trở thành học sinh Cao đẳng Văn hoá. Tôi khăn gói rời Cửu Long lên đường và bắt đầu những ngày học tập xa gia đình, xa làng xóm thân thương.
Ngoài giờ học, giờ tập kịch tôi còn phải làm thêm kiếm tiền giảm bớt gánh nặng gia đình. Nhóm chúng tôi gồm Phước Sang, Hoàng Sơn, Nhật Cường... cả bọn thường thay phiên nhau làm đủ nghề, bán bánh mì, vá xe... Dù gian khổ thật nhưng chíng tôi coi nhau như anh em một nhà. Hôm nào trong nhóm có một thằng ngã bệnh là y như rằng cả bọn lo cuống cuồng cả lên, mọi sự ưu tiên dành hết cho người bệnh. Anh em bọn tôi đến bây giờ vẫn là những người bạn tri âm của nhau, những kỷ niệm ngày xưa khó lòng mà quên được.
Tôi bắt đầu viết kịch bản từ năm 18 tuổi và tham gia Liên hoan Tác giả chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991 với vở kịch Cõi tình và đã đoạt huy chương vàng. Tôi tiếp tục viết Chỉ còn âm nhạc, Nơi đây một dòng sông dừng lại, đã được dựng thành kịch và phim. Tôi bị "lão hóa" dần theo các tác phẩm của mình, phần vì sự sống cùng các nhân vật, phần vì thức đêm để viết. Rồi khi sức lực cạn kiệt, tôi đổ bệnh nằm liệt giường, vật chất thiếu thốn. Và như một cái duyên nữa, tôi rẽ sang con đường mới, trở thành đạo diễn.
Ông bà ta nói quả không sai "vạn sự khởi đầu nan", bước vào nghề mới này tôi đã gặp không ít khó khăn và nhiều bỡ ngỡ. Ban đầu, tôi chỉ được giao dựng những chương trình văn nghệ ở các chùa, trường học vào ngày Tết Trung thu... Dần dần chuyển sang quay video ca nhạc cho các em thiếu nhi, đến một vài ca sĩ trẻ. Tôi nhớ có lần không có vé mời, tôi đã đứng trong cánh gà suốt cả buổi biểu diễn xem hết chương trình Duyên dáng Việt Nam 2 để học hỏi kinh nghiệm và mong một ngày nào đó,mình sẽ được một lần đạo diễn chương trình này. Đến bây giờ, khi đã là đạo diễn có số lần làm Duyên dáng Việt Nam nhiều nhất (5 lần), tôi vẫn không saop quên được ngày ấy.
Giờ đây, cái tên Huỳnh Phúc Điền đã được mọi người ít nhiều biết tới. Cuộc sống cũng đã khá hơn xưa rất nhiều. Các ca sĩ nổi tiếng như Lam Trường, Phương Thanh, Mỹ Tâm... đã luôn tin tưởng mời tôi làm đạo diễn cho liveshow của họ. Tôi tự hào lắm, vì bản thân thì ít mà vì tôi có những người bạn đã sát cánh cùng tôi vượt qua những gian lao buổi ban đầu.
Huỳnh Phúc Điền
(Theo Sinh Viên Việt Nam)