Mai Quỳnh
Năm tôi học lớp 12, lần đầu tiên trong đời đi thi học sinh giỏi và đạt giải ba cấp tỉnh môn Anh văn. Gia đình tôi vui như bắt được vàng, bà nội thì luôn miệng khoe với hàng xóm. Tôi thì biết điều đó không nghĩa lý gì nếu cuối năm, tôi không đậu đại học nên tôi hững hờ, không quan trọng. Chợt cô hàng xóm chạy sang, liến thoắng: "Chắc đề môn Anh văn năm nay dễ nên ở trường đó đi thi đậu hết" (lý do là vì con của cô ta đi thi cùng tôi nhưng thi môn địa lý và không có giải gì). Tôi đốp lại ngay: "Đúng rồi, đề Anh văn dễ nên chỉ trường con đậu, còn mấy huyện khác nó rớt sạch rồi". Cô ấy im lặng.
Con gái đầu lòng của cô ấy học đại học dân lập nhưng cô ấy giấu nhẹm, bảo là trường công lập. Đến khi tôi vô tình tìm tên trường đó trong sách tuyển sinh, cô ta bảo: "Ừ, trường dân lập mà cũng khó vô lắm, mày thi chưa chắc đậu, điểm đầu vào rất cao". Bản thân tôi không bao giờ chú ý các trường dân lập, không phải vì tôi chê gì mà vì gia cảnh của tôi khó khăn, không thể kham nổi học phí của các trường đó (chưa kể các khoản đóng góp khác ngoài học phí cũng nhiều lắm, tôi nghe kể thế).
Đang vô tư hồn nhiên, tự nhiên tôi bị cuốn vào sự hơn - thua cùng cô ấy. Tôi nộp hồ sơ thi đại học vào trường đó. Ngày có kết quả, cô ấy mong đợi còn hơn tôi. Cuối cùng tôi cao hơn con gái của cô ấy đến 3 điểm. Một lần nữa, tôi thấy vẻ mặt cô ấy thất vọng, còn tôi được hả hê. Năm đó, cô hàng xóm của tôi 42 tuổi.
Tôi không học trường đó, điều ấy đã rõ ràng ngay từ đầu. Nhưng vì cô hàng xóm mà tôi phải mất thời gian đi thi. Ngày xưa thi đại học gồm nhiều đợt thi chứ không như bây giờ, tốn tiền bạc, nhà tôi ở tỉnh, phải về TP HCM thi và hao tâm tổn trí, lo lắng điểm số không bằng con của cô ấy. Những điều đó khiến tôi cũng chẳng sung sướng gì hơn. Sau này lớn lên một chút, tôi tự nghĩ: "Đó chỉ là sai lầm trẻ con của mình, sau này lớn, mình sẽ tĩnh tâm hơn, không để người khác tác động được mình".
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng thuê căn phòng trọ bé xíu khoảng gần 20 m2. Cùng khu trọ toàn là sinh viên và công nhân thuê. Vợ chồng tính toán rằng ráng chịu khổ vài năm để nhanh có tiền mua đất, xây nhà. Nếu thời gian ở thuê càng lâu thì càng đắt hơn. Bà chủ nhà trọ (55 tuổi) nhìn hai vợ chồng tôi như thương hại vì hai đứa đều ăn học đại học mà "hoàn cảnh" quá!
Hơn 8 giờ tối, tôi đóng cửa phòng ngủ sớm thì một lúc sau nghe bà chủ trò chuyện bên ngoài: "Ở phòng trọ nước yếu xìu mà giặt máy, khi nào giặt mới xong?" vì khu trọ chỉ mình phòng tôi có máy giặt. Hôm sau, lúc bước vào phòng tôi, bà chủ nhà nhìn thấy máy tắm nước nóng, liền nhanh miệng: "Nhà cô không muốn mua máy này vì sợ đang tắm bị điện giật chứ không phải cô không có tiền mua đâu nhé!". Tôi cười trừ không chấp vì đã có kinh nghiệm trong đời rồi.
Một hôm, bà chủ hỏi về thu nhập. Chồng tôi không thích công khai vấn đề này, đã nửa đùa nửa thật, bảo: "Lương hai đứa con chỉ đủ sống qua ngày". Bà ta chép miệng, thở dài rồi ra về. Vài tháng sau, con gái bà chủ nhà lấy chồng, bà ta chạy sang phòng tôi, lại thao thao bất tuyệt: "Thằng chồng nó lương 7 triệu, nó làm lương 5 triệu, hai vợ chồng nó hơn chục triệu mỗi tháng đấy". Chẳng lẽ mình đốp ngay: "Thu nhập của hai vợ chồng nó gộp lại chỉ bằng một nửa thu nhập của chồng con?". Thôi thì cứ cho bà ta tha hồ mà hí hửng, khoe khoang và khinh rẻ người khác đi.
Chiều đó, tôi đi mua con gà về, dặn bà giúp việc (bán thời gian) rửa sạch, sáng mai luộc để cúng động thổ. Thực ra dặn thế để bà giúp việc đi "buôn dưa lê" với hàng xóm thôi, chứ không nói gì thì bà ấy vẫn phải làm. Từ lúc đó trở đi, bà giúp việc căng tai ra để nghe hai vợ chồng tôi bàn về việc xây nhà. Chiều hôm sau đi làm về, thấy nét mặt bà chủ nhà có vẻ lấm lét, chẳng bù lại cái vẻ hả hê của ngày nào.
Cả tuần nay cũng chưa thấy bà chủ chạy sang khoe thêm "chiến tích" gì của gia đình bà ấy nữa. Ai bảo bà ta thích đếm tiền trong túi của người khác để rồi buồn tủi khi phát hiện túi của mình ít tiền hơn? Tưởng đâu cô hàng xóm dưới quê trẻ hơn nên thích tranh đua vớ vẩn, ai ngờ bà chủ nhà này sắp hết cuộc đời mà vẫn thích hơn - thua.
Tôi tự hỏi đến độ tuổi nào thì con người ta hết sân si?