Phan Thanh Bình sinh năm 1986, trong một gia đình nghèo ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Bình vẫn còn nguyên vẹn ký ức về những mùa nước nổi theo cha lênh đênh trên biển nước mênh mông cất chài, đặt vó. Khi lũ rút đi rồi, lại tiếp tục những ngày tháng theo bọn trẻ cùng ở xóm nghèo cặm cụi trên đồng lúa đi mót từng đụm thóc người ta gặt sót.
Tuổi thơ vất vả ấy, Bình kể với giọng chua xót xen lẫn yêu thương: “Quê em, hầu hết mọi người là nông dân chân chất. Cả đời làm lụng mà cái nghèo vẫn đeo đuổi. Bằng tuổi em, nhiều bạn bè ngày xưa không có điều kiện học hành, giờ phải lao ra thị xã hoặc bỏ lên Sài Gòn kiếm ăn bằng những nghề lao động chân tay cực nhọc".
Bình còn nhớ rất rõ, khi lên 6 tuổi, nhìn thấy các bạn chuẩn bị áo trắng, cặp sách tinh tươm đi học, thèm lắm nhưng không dám nói vì biết nhà mình đâu có tiền. Gần vào tháng 9 đầu năm học, ba mẹ Bình phải chạy vạy bán luôn cả vạt lúa non rồi đi làm đêm kiếm thêm mới đủ tiền mua đồng phục, sách bút và đóng tiền cho con kịp ngày nhập học...
Bình rất hiếu học, các thày cô giáo đều khen Bình học chăm. Hết cấp I, Bình thậm chí còn ấp ủ khát khao sẽ trở thành kỹ sư nông nghiệp để về giúp cha mẹ và những người nông dân quê nhà đỡ khổ. Nhưng ước muốn là một chuyện, còn thực tế: “Em biết gia đình mình quá nghèo, chưa chắc ba mẹ đã lo nổi kinh tế cho em theo học".
Nghĩ thế, Bình quyết định rẽ ngang, lựa chọn con đường đi làm cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. “Thực sự, đến tận bây giờ, em vẫn ấp ủ ước mơ sau này nghỉ bóng đá, có thể sẽ lại đi học để trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Nhưng lúc ấy, mình phải lựa chọn thật nhanh giữa hai con đường, và bóng đá cũng là đam mê từ nhỏ nên chẳng có gì phải suy nghĩ nhiều”.
Đúng là ngay từ thuở nhỏ, Bình đã rất mê bóng đá. Không có tiền mua giày thì đá chân đất và nhiều lúc “chờ bạn bè có đứa nào bị rách giày phải mua mới là ra xin lại... đá tiếp”. Vậy mà, khi vừa gia nhập đội bóng trường cấp II xã Long Hậu, Bình đã tỏ ra vượt trội so với các đồng đội lớn tuổi hơn nhờ thể lực dồi dào và đặc biệt là chiều cao nổi bật.
Trong một lần đi đá giải phong trào, tiềm năng của Bình đã được một HLV trong đội trẻ Đồng Tháp phát hiện. Để rồi chỉ một tháng sau đó, lãnh đạo CLB cử người về đặt vấn đề với nhà trường và gia đình xin Bình lên đội bóng đá năng khiếu của tỉnh.
12 tuổi, Bình được lên thị xã Cao Lãnh ở tập trung cùng đội Thiếu niên Đồng Tháp. Chưa từng sống xa nhà, lại không quen với tác phong sinh hoạt tập thể, nhiều lúc Bình cảm thấy mệt mỏi và chán nản.
“Có những hôm tập luyện 8-10 tiếng, lúc nghỉ ăn cơm thì thức ăn căng-tin nấu lại không hợp khẩu vị, cố mà không nuốt nổi. Những hôm ấy, đành ôm bụng đói, thấy cơ cực chỉ muốn về nhà với mẹ”, Bình nhớ lại.
Hơn một năm, đến khi vừa bắt nhịp được cuộc sống mới thì Bình lại suýt nữa bị loại vì “hụt hơi” trong giai đoạn chuyển giao từ lứa thiếu niên (12-14 tuổi) lên đội U15.
Giai đoạn này đối với sự trưởng thành một cầu thủ trẻ được luôn được coi là cực kỳ quan trọng. Ngoài những tố chất sẵn có và cả kỹ năng cơ bản được rèn luyện trước đó, các cầu thủ trẻ còn phải học làm quen với việc thi đấu theo tư duy chiến thuật chuyên nghiệp, cũng như chịu sự thử nghiệm khắt khe để tìm ra vị trí thi đấu phù hợp nhất cho khả năng phát triển lâu dài của mình.
Khi đó, đang từ vị trí tiền đạo, Bình được bố trí thử nghiệm nhiều vị trí khác nhau từ hộ công đến tiền vệ cánh. Hệ quả, ngay tuần sát hạch đầu tiên, chàng “hai lúa” đã bị “ngợp”, không thể hiện được chuyên môn đáp ứng yêu cầu và thiếu chút nữa đã bị loại vì không tích lũy đủ điểm số tối thiểu.
Phải đến những ngày cuối cùng của đợt thử nghiệm, khi được trả về đúng vị trí sở trường, “như cá gặp nước”, Bình nhanh chóng nắm lấy thời cơ để phát huy trọn vẹn những phẩm chất bóng đá tuyệt vời của mình.
Cũng từ đó, được các thày động viên, Bình nhanh chóng khẳng định vai trò dẫn dắt các đồng đội cùng lứa U15, rồi U16 Đồng Tháp. Rồi sau đó, bắt đầu tìm được chỗ đứng trong các đội tuyển trẻ quốc gia trước khi tỏa sáng trong màu áo đội tuyển Olympic tại Sea Games 22 tổ chức ngay trên sân nhà.
Sinh trưởng trong gia đình nông dân nghèo, Phan Thanh Bình sớm ý thức được giá trị của đồng tiền. Những ngày thả chài, đánh lưới trên sông với cha, có khi cả ngày chỉ kiếm được chục nghìn bạc, không đủ mua dầu, mua mắm.
Thương cha mẹ vất vả, nên từ ngày còn học năng khiếu bóng đá đến khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp rồi ngôi sao nổi tiếng, Bình chưa bao giờ hoang phí, dù chỉ một đồng xu nhỏ.
Bình kể: “Hồi còn tập ở đội năng khiếu, mỗi tháng được lĩnh trợ cấp vài trăm nghìn. Số tiền ít ỏi, nhưng so ra cũng bằng cả tháng ba má ở nhà vất vả, tần tảo. Bởi thế, thường thì em cố gắng chi tiêu cá nhân một nửa và dành một nửa gửi về cho các các cụ. Sau này cũng thế, kiếm được em lại gửi về cho các cụ nhiều hơn. Mà tiền mình gửi về, các cụ cũng đâu có tiêu. Ba má em bảo, để đấy mai mốt sửa nhà, dư dả làm chút của nả cho thằng Bình cưới vợ”.
Đến bây giờ, những ngày tháng vất vả, cay cực của Thanh Bình đã qua. Mức lương mỗi tháng hơn chục triệu (chưa kể thưởng) đủ để Bình tự lo cho bản thân và đảm bảo cho gia đình cuộc sống không đến nỗi vất vả.
Thi thoảng có dịp nghỉ phép, Bình “thẹo” lại về quê, mua chút quà cho bọn trẻ con hàng xóm, sống lại với những kỷ niệm tuổi thơ chân đất đầu trần trên quê hương lam lũ nhưng ấm áp tình người!
(Theo Giadinh.net)