
Đức Thắng 17 năm chung thuỷ với màu áo Thể Công. Ảnh: Lan Anh
- Các bác sĩ nói rằng nếu phẫu thuật chấn thương xong, anh vẫn có thể trở lại thi đấu được nhưng tại sao anh vẫn dứt khoát chia tay với sân cỏ?
- Nói thật, tôi sợ lên bàn mổ lắm. Trên người tôi, chỗ nào cũng có dấu vết của chấn thương. Mũi vẹo vì bị đấm thẳng vào mặt, khớp vai cũng từng phải nối dây chằng, xương sườn bị gẫy, đầu gối bị bể, giờ cả hai cổ chân cũng bị vôi hoá, phải gọt xương. Phẫu thuật cũng tốn kém, mổ xong tôi lại mất một năm để bình phục, khi ấy đã 31 tuổi, già mất rồi liệu còn đá được không. Mà cái loại chấn thương này, gọt xương xong rồi, thi đấu rồi có khi lại bị tái phát, lại phải gọt.
Trước đây, hàng ngày nhận được vài trăm lá thư của người hâm mộ, nhiều thư vui lắm. Tôi còn nhớ, có bạn gửi thư cho tôi nói: "Em rất hâm mộ anh, anh có thể cho em xin ảnh anh Hồng Sơn được không?" Kể từ dạo tôi lấy vợ, thỉnh thoảng mới có một lá. Giờ giải nghệ, chắc chẳng ai gửi thư cho mình nữa.
- Thể Công đang khiến người hâm mộ rất thất vọng, anh cảm thấy thế nào?
- CĐV chửi bới trên sân, chúng tôi nghe thấy chứ. Ngoài mặt thì bình thường thôi, nhưng chúng tôi cũng nghĩ ngợi nhiều lắm. Xét cho cùng, họ mua vé vào sân, không thoả mãn, họ thì phải chấp nhận. Trận nào có người thân ra sân, tôi phải cố gắng gấp đôi nhưng vẫn có khi bị ăn chửi.
- Nghỉ đá bóng, anh lo liệu thế nào để nuôi vợ nuôi con?
- Mất 4 năm để đi học cũng là khó khăn cho tôi. Đang lĩnh lương tháng chục triệu, giờ thì chẳng biết được bao nhiêu cũng thấy lo. Nhưng cầu thủ rồi ai cũng tới lúc phải nghỉ thôi. Anh tôi (cầu thủ Đức Thịnh của CAHN) trước cùng với Mai Tiến Dũng là một cặp trung vệ lừng lẫy nhưng cũng thôi đá được 3 năm, giờ làm công an ở quận Hoàng Mai. Tôi cũng muốn thử kinh doanh. Cũng may, mỗi khi được thưởng, tôi lại để ra một nửa để nuôi con nhỏ. Tôi chỉ tiếc con tôi vẫn còn bé, ba năm hai cháu gái, cháu thứ hai mới được 6 tháng tuổi không bao giờ được xem bố đá bóng nữa rồi.
- Là một cầu thủ tài năng, nhưng tại sao anh cứ "ở lì" Thể Công mà không chuyển tới một đội bóng có chế độ đãi ngộ tốt hơn?
- Từ 2002, rất nhiều đội bóng đã chèo kéo nhưng tôi không muốn đi đâu và cũng không thể đi đâu. Tôi không muốn xa Hà Nội vì cả gia đình bố mẹ của tôi đều ở đây. Sang những đội mình không thích thì đá ở Thể Công dù là hạng Nhất tôi vẫn thích còn hơn. Chưa bị kỷ luật phải cắt cỏ sân Cột Cờ bao giờ nhưng cũng cày nát cắt được khối cỏ trên sân bằng chân, thuộc từng cái ổ gà.
Hồi xưa, Thể Công tuyển sinh hàng nghìn người tới tham gia thi tuyển. Trong 1 tháng chọn ra được 3 lớp, cỡ 100 người. Sau 3 năm còn lại 15 người. Nhìn các anh đội một là sợ lắm, có nhìn thấy cũng phải lánh ra xa. Thỉnh thoảng cũng liều xin các anh ấy cho đánh giày để được ngắm giày xịn. Chật vật như thế, hỏi sao chúng tôi không muốn Thể Công?
- Trong giới cầu thủ, anh có vẻ là người ít tai tiếng, được đánh giá tương đối sạch, anh nghĩ thế nào?
- Không phải là tương đối sạch mà là sạch. Nhiều người "đặt vấn đề" với tôi lắm chứ. Trong lúc thi đấu, tôi cũng cảm thấy một số cầu thủ đá dưới sức, nhưng tôi thì không thể làm thế vì tôi muốn bảo vệ danh dự cho gia đình. Có ít tiền, mình tiêu ít nhưng trong lúc người ta phập phồng lo sợ thì mình cứ ngủ ngon lành.
Trong trận chung kết LG Cup 2004, tôi đã bị coi như tội đồ khi tạo cơ hội cho Sinh viên Hàn Quốc gỡ hòa 4-4 dẫn tới thất bại của ĐTQG trong trận chung kết. Nhưng mọi người không hề nghi ngờ tôi bán độ, nếu là người khác, thì có thể có nghi vấn nọ kia. Suốt 17 năm đá bóng, tôi cũng thấy vui vì chưa bao giờ phải ăn thẻ đỏ.
Ở CLB, các chú lãnh đạo cũng rất tin tưởng tôi. Cách đây 4-5 hôm tôi cũng vừa được bầu vào Ban chấp hành Chi đoàn của đội. Nay mai vào đề nghị bố trí công việc trong thời gian đi học như trợ giáo một lớp nào đó, làm công tác Đoàn, làm bí thư chi đoàn mấy năm liền rồi.
- Trong sự nghiệp cầu thủ, điều gì làm anh hối tiếc?
- Tôi thấy tiếc vì tới giờ vẫn chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3, chắc tới hè năm nay mới thi được. Tôi lên đội một sớm quá khi mới 17 tuổi. Cứ đến tháng 5, mùa thi tốt nghiệp, thì đội lại đang giai đoạn nước sôi lửa bỏng. Nhiều lúc, tôi cũng thấy áy náy vì phải phó mặc mọi chuyện cho gia đình. Khi vào giải đấu, cả tuần tôi chỉ ngủ ở nhà một đêm sau trận đấu, thêm tối thứ tư về nhà chơi vài tiếng. Khi yêu, cũng phải tranh thủ, lừa được cô nào là cưới luôn. Vợ tôi làm bên công ty xăng dầu hàng không, hai gia đình chơi với nhau lúc nhỏ, vì bố mẹ cùng dân lái xe. Quen nhau gần 6 năm rồi mới cưới, cũng may cô ấy thông cảm cho tôi.
Tuệ Anh