Chị Hà Thanh cư ngụ ở Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP HCM bị viêm họng. Chị đã tìm đến bác sĩ, vị này đề nghị chị mua một máy xông để tự xông thuốc vào mũi. Theo chỉ định của bác sĩ, chị mua máy và bắt đầu tập sử dụng. Chị pha thuốc Gentamycine và Dexacol (loại thuốc nhỏ mắt), trộn hai loại này với nhau theo tỷ lệ bác sĩ hướng dẫn và bắt đầu bơm vào họng. Chỉ sau vài lần xông, họng chị hết đau hẳn. Từ đó trong gia đình bất kỳ ai bị viêm mũi, viêm họng chị đều “đè" ra và đưa máy xông vào. Chỉ vài lần là dứt bệnh. Kết quả, theo ngôn ngữ của chị là: “Trên cả tuyệt vời”.
Thời tiết ở thành phố khi nóng bức lúc lại mưa dầm dề cộng với mức độ ô nhiễm cao nên ngày càng có nhiều người bị bệnh tai mũi họng. Theo họ, đây là bệnh khó chịu nhất vì nó không nặng đến mức phải nhập viện nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến đời sống. Ai từng mắc bệnh đều biết câu “Lai rai như tai-mũi-họng” ám chỉ đây là bệnh thường tái đi, tái lại. Vì vậy, khi có được một liệu pháp mới, ít tốn kém mà hiệu quả thì việc "mách nước", giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm là chuyện đương nhiên. Và chuyện tự trang bị máy xông, tự mua thuốc về pha pha, chế chế đã được thực hiện chỉ qua lời hướng dẫn của người sử dụng chứ không còn là của thầy thuốc.
Chị Thuỷ, cư ngụ ở Gò Vấp kể: “Bà chị được bác sĩ hướng dẫn cách xông mũi, thấy kết quả tốt nên tui “rinh” ngay một máy gần 1 triệu đồng về xài. Công thức thuốc thì theo toa bác sĩ”. Chị có hai con, khi con chị bị viêm mũi chị cũng pha thuốc, nhưng liều lượng ít hơn so với người lớn. Chị còn cho biết, thuốc không mắc, loại Gentamycine 20.000 đồng/10 ống, còn thuốc nhỏ mắt chỉ nghìn đồng. Sau một thời gian thì mọi việc không như ý. Chị kể: “Cũng pha thuốc, cũng xông nhưng cả tuần không thấy cháu hết viêm họng”. Cháu khụt khịt cả đêm, chị lo lắng không biết đưa con đi bác sĩ nào để chữa!
Theo bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP HCM, khí dung là một phương pháp điều trị tại chỗ và thường áp dụng trong những bệnh lý tai mũi họng. Các loại thuốc dùng trong khí dung cần đạt những tiêu chuẩn như: sức căng bề mặt nhỏ, tan trong nước.
Về thuốc, thường có các loại: kháng sinh, kháng viêm (corticoid), tinh dầu (se niêm mạc và có tính chất sát khuẩn).
Các loại kháng sinh thường dùng là Gentamycine và Dexacol. Ở Bệnh viện Tai - Mũi - Họng có 2 loại: Melyptol (menthol và eucalyptine), Dexacol (chloramphenicol và corticoid).
Quan trọng là phun khí dung không dùng điều trị cho trẻ dưới 10 tuổi. Do cơ thể của bé chưa phát triển hoàn chỉnh, hệ thống niêm mạc còn non yếu nên dễ bị các tác dụng phụ của thuốc: dị ứng thuốc, tinh dầu làm hư chức năng sinh lý bình thường của hệ thống chất nhầy trong mũi…
Riêng về người lớn, vấn đề dùng khí dung cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ xác định các thể loại viêm xoang. Ví dụ viêm xoang do nhiễm siêu vi, viêm mũi xoang dị ứng không cần dùng kháng sinh, còn viêm xoang do nhiễm vi trùng phải dùng kháng sinh. Một đợt xông trị bệnh không nên quá một tuần, sau đó tái khám để xem lại tình trạng bệnh lý.
Bệnh mũi xoang không phải lúc nào cũng giống nhau, vì vậy không nên chỉ dùng một toa thuốc mà điều trị tiếp hoặc tự điều trị. Trường hợp tự điều trị kéo dài sẽ có những tác dụng phụ của thuốc như: gây độc cho thận, suy gan, bệnh gân xương, điếc tai. Ví dụ Gentamycine dùng thời gian dài, liều cao sẽ gây độc cho tai (điếc vĩnh viễn), Chloramphenicol dùng cho trẻ em sẽ gây suy tuỷ (thiếu máu nặng không sản xuất ra hồng cầu).
Máy xông có nhiều loại, có loại phù hợp vùng mũi họng, có loại phù hợp vùng phổi hay phế quản và ống xông cũng vậy, có phù hợp với sự khuếch tán của phân tử hay không cho nên rất cần có bác sĩ tư vấn”. Việc sử dụng kháng sinh hiện rất phổ biến, điều này dễ dẫn đến kháng kháng sinh, theo bác sĩ Nguyễn Công Viên - Bệnh viện Nhi Đồng 2: “Có khoảng 80-90% viêm mũi họng khi cảm cúm do siêu vi gây ra. Bệnh này dùng kháng sinh không có kết quả (dùng kháng sinh chỉ hiệu quả khi bị bội nhiễm: viêm tai giữa, chảy mũi xanh kéo dài, viêm phổi). Việc điều trị, chỉ cần giữ ấm cơ thể, uống thuốc làm loãng đàm, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, uống nhiều nước cam, chanh, nếu sốt uống thuốc hạ sốt. Sau 3-4 ngày bệnh tự khỏi. Nếu sau thời gian này bệnh không giảm thì nên đi khám bác sĩ.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)