![]() |
Khoa luật, Đại học Sorbonne, Pháp. |
Từ đó đến nay, bảng xếp hạng hàng năm của họ, mặc dù với các chỉ tiêu rất đáng được bàn cãi, đã gây nên sự chú ý của giới khoa bảng toàn thế giới.
Trong bảng xếp hạng đó, các trường đại học có tiếng nhất của nước Pháp chỉ chiếm những vị trí khá khiêm tốn do kích thước nhỏ bé: chỉ 4 trường lọt vào top 100 trường tốt nhất thế giới. Đại học hàng đầu của Pháp Paris-VI Jussieu đứng hàng 46, trên Đại học Paris-XI Orsay đứng hàng 61, Đại học Strasbourg Louis-Pasteur hàng thứ 92 và Trường Ecole Normal Sup hàng thứ 93. Đại học Bách khoa Polytechnique chỉ nằm trong số 200 trường đầu bảng...
Dẫn đầu bảng xếp hạng Thượng Hải theo thứ tự người ta thấy có Harvard, Cambridge, Stanford, Berkeley, Học viện Công nghệ Massachusetts MIT, Caltech, Columbia, Princeton, Chicago, Oxford... toàn những trường Anh - Mỹ và thường là trường đa ngành (pluridiscipline). Trong các trường này người ta có thể theo học từ các ngành khoa học cho tới các ngành quản trị, luật học hoặc y khoa... Kết quả: Khi Harvard được trao một giải thưởng Nobel về vật lý thì ánh hào quang của nó bao trùm tất cả những gì có mang chữ “Harvard”, từ trường dạy kinh doanh cho tới trường y và ngược lại. Kết luận: càng đa ngành càng dễ có cơ hội nhận được giải thưởng Nobel!
Trong khi đó, nước Pháp lại chia lĩnh vực giảng dạy đại học của mình thành ba nhóm cạnh tranh nhau: các trường chuyên môn (grande école), các trường đại học (université) và các cơ sở nghiên cứu (organisme de recherche), với 250 trường chuyên môn và 84 trường đại học. Đến nỗi người nhận giải Nobel gần đây nhất của nước Pháp, ông Yves Chauvin, không thuộc một trường nào cả, đã không giúp được gì nhiều cho việc cải thiện thứ hạng của các trường đại học Pháp.
Theo một vị giáo sư khá am hiểu giới đại học Pháp, với sự trợ giúp của chiếc máy tính bỏ túi, tóm tắt như sau: Chỉ cần “gộp” Paris-VI, Paris-VII Normal Sup ở phố Ulm với Trường Mỏ Mines là có thể có một tổ hợp nằm trong số 10 trường hàng đầu thế giới! Giới đại học Pháp có lòng tự hào của họ: họ đã rất khó chấp nhận sự phân hạng của Thượng Hải. Và họ tìm cách xích lại gần nhau để cải thiện “thứ hạng” quốc tế của mình.
Tại sao người Trung Quốc đi xếp hạng các trường đại học?
Trong quá trình phát triển với tốc độ rất nhanh của mình, Trung Quốc nhận thấy rằng họ cần phải cấp tốc nhân lên nguồn nhân lực có bằng cấp chất lượng cao. Họ đã giao cho 8 nhà nghiên cứu cùng với khoảng 20 trợ lý của Trường Đại học Jiaotong, Thượng Hải, tập hợp những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng phổ biến nhất trên thế giới và xếp hạng các trường đại học dựa trên cơ sở này. Bảng xếp hạng đầu tiên đã ra đời vào năm 2003 như thế.
Kèm theo là một bài học đắt giá đối với chính họ: chỉ có 2 trường đại học Trung Quốc nằm trong số 500 trường đầu bảng. Phản ứng tức thời: Trước một nền đại học vốn bị xé lẻ thành hơn 500 trường của mình, Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch hành động có tên gọi “Chương trình 211”. Để buộc các trường phải tập hợp lại, nhà nước tuyên bố chỉ hỗ trợ cho 100 trường đa ngành có chất lượng cao, 10 trường tốt nhất còn được trợ cấp thêm. Kết quả đầu tiên: những sáp nhập rất lớn.
Jiaotong lúc đầu chỉ là một trường khoa học kỹ thuật, sau khi sáp nhập thêm trường luật, trường quản lý và tuyển hàng trăm giảng viên, nay đã trở thành một ngôi trường lớn không khác với một viện đại học của Mỹ là mấy: một vùng rộng 150 ha với những tòa nhà lớn được ngăn cách bởi những thảm cỏ, đó đây là những cao ốc ba chục tầng. Tốc độ thay đổi làm chóng mặt những người đến thăm trường. Ba năm trước, một số người ở vài trường của Paris đã đến thăm phòng thí nghiệm vi điện tử Tongji, họ cười.
Một năm sau, khi quay trở lại, phát hiện ra rằng phòng thí nghiệm giờ đây đầy những nhà nghiên cứu mới từ Harvard trở về, họ không còn cười nữa. Các trường ở Trung Quốc chỉ muốn làm việc với những người mà họ cho là giỏi nhất, vì vậy bốn trường Ecole Normal Sup của Pháp đã chung sức giới thiệu với Trung Quốc một đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu của mình. Việc làm này đã thu được kết quả: phía Trung Quốc gửi nhiều nghiên cứu sinh tới làm luận án với họ...
Người Pháp xử sự như thế nào?
Cú “sốc” từ Thượng Hải đã hối thúc các trường đại học trên nước Pháp xích lại gần nhau, thành lập nên các “cực” nghiên cứu và giảng dạy, các “cực cạnh tranh”. Tất cả diễn ra như trong một cuộc đua thực sự. Năm 2003, hai trường đại học ở Normandie sáp nhập với ba trường thương mại, lập nên Trường Polytechnicum de Normandie, mở một ngành đào tạo MBA, loại bằng cấp quốc tế được ưa chuộng. Mùa khai giảng 2004, ba trường đại học vùng Aix-Marseille cùng phối hợp chương trình giảng dạy trong khuôn khổ Trường Aix-Marseille Université.
Tháng 5 vừa qua, ba trường ở Nice thống nhất thành Trường Ecole polytechnique, bao gồm nhiều ngành đào tạo, từ sinh học cho tới xử lý tín hiệu, thông tin đa phương tiện. Tháng 6, Trường Ecole Normal Sup Cơ khí và Kỹ thuật khí động hợp tác với Đại học Poitiers đào tạo sau đại học với các trường ở Nam Mỹ. Tháng 7, ba trường ở Grenoble thành lập Ủy ban hoạch định chiến lược, khởi đầu cho việc hợp tác.
Cũng trong tháng 7, năm trường đại học ở Paris tập hợp trong khuôn khổ Paris Universitas cùng giới thiệu các ngành đào tạo với nước ngoài. Đó là các trường Ecole des Hautes Etudes về các khoa học xã hội, Trường Normal Sup, Trường Dauphine, Paris-VI và Đại học Sorbonne nouvelle (Paris III). Tháng 9, ba trường ở Nancy thành lập Liên đoàn các đại học Fédération Nancy Universités, để có “kích thước quốc tế” hơn. Tháng 10, ba trường ở Montpellier thành lập Montpellier Universités, họ còn có tham vọng đi xa hơn với yêu cầu thành lập một trường đại học vùng Languedoc-Roussillon bao gồm cả các trường của Perpignan và Nimes.
Bốn trường ở Bordeau cũng nhóm lại với nhau. Các trường đại học còn liên kết với các trường thương mại tư nhân, thậm chí có tin tới đây Trường Bách khoa Polytechnique sẽ liên kết với trường thương mại HEC! Thay cho sự cạnh tranh xưa nay, một làn gió hợp tác đang thổi khắp nơi. Từ Bắc Kinh nhìn về, người ta nhận ra rằng, thật đáng bực khi Đại học Sorbonne bị chia làm ba trường Paris-I, Paris-II và Paris-IV, trong khi Sorbonne lại chính là “nhãn hiệu”danh giá nhất của nền đại học Pháp ở nước ngoài.
Những liên kết này phải chăng chỉ là những “hình ảnh quảng cáo”, hay thật sự sẽ góp phần nâng cao chất lượng các trường? Câu trả lời còn nằm ở phía trước...
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)