Mạnh Tử nói: "Nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận tập tương viễn", nghĩa là con người sinh ra ban đầu vốn dĩ lương thiện, tính tình khá đồng nhất, nhưng do môi trường và sự tiếp cận học hỏi khác nhau mà tính tình đâm ra khác biệt nhau. Trong khi đó Tuân Tử lại nói: "Nhân chi sơ tính bản ác, lý tính hậu lai tập đắc", nghĩa là con người sinh ra ban đầu vốn dĩ là ác, nhưng sau này do học tập mà có lý trí, biết cái đúng cái sai.
Thật ra, đánh giá khác nhau về bản chất con người của hai ông không có gì mâu thuẫn. Tuân Tử nhìn theo hướng tiến hóa của vạn vật, cho rằng con người là một loài động vật trong thế giới sinh học nên theo nguồn gốc ban đầu vốn dữ tính giống như các loài động vật trong thế giới hoang dã, muốn thành người có lý trí thì phải được giáo dục. Còn Mạnh Tử nhìn con người từ khía cạnh xã hội học, cho rằng con người được sinh ra có tình thương của những người thân yêu nên bản tính ban đầu lương thiện, nhưng khi tiếp xúc, học tập trong các điều kiện xã hội khác nhau thì tính tình cũng sẽ thay đổi theo từng môi trường sống. Từ đó có thể thấy từ xưa đến nay, mọi thế hệ nhân loại đều khẳng định vai trò vô cùng to lớn của giáo dục đối với con người.
Mục tiêu của giáo dục thật sự rất rõ ràng là dạy làm người, nghĩa là rèn luyện đạo đức và nhân cách con người. Giáo dục đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để con người xây dựng cuộc sống hạnh phúc, văn minh. Nhưng có đôi lúc vì một lí do nào đó mà chúng ta quên đi những con người đã làm nên kì tích trong cuộc đời mình. Trong chúng ta có những người sẽ rất giàu có và thành đạt, cuộc sống sẽ cuốn chúng ta đi và xoá luôn những người thầy đã góp phần mang đến cho chúng ta những danh vọng và tiền bạc - thứ mà chúng ta gọi là thành đạt. Những con người ấy vẫn thầm lặng, vẫn miệt mài và không đòi hỏi chúng ta phải đền đáp công ơn ngày xưa.
Cảm phục làm sao những người dù tốt nghiệp đại học ở một ngôi trường cỡ lớn, dù gia đình sống ở một ngôi làng ven đô yên bình nào đó..., họ không ngại ngần về những vùng miền khó khăn nhất, dùng "điện trời, nước trời" để cố gắng xây dựng ước mơ cho những mầm non chưa bao giờ biết đến ánh đèn neon (Treo chữ trên núi Chiêu Lầu Thi, Cặp vợ chồng cõng chữ về buôn, Một ngày ở trường chờ, Con chữ làng chài, Trên đỉnh Dền Thàng, Hành trình kéo người La Chí ra khỏi rừng rậm...). Có lẽ cuộc đời họ đã khiến cho không những chỉ riêng tâm hồn mình thanh thản, cuộc đời mình có ý nghĩa hơn bao giờ hết, mà còn khiến cho những người đủ đầy như chúng ta phải nhìn lại chính mình.
Trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay, nhiều quốc gia phương Tây càng chú trọng phát triển giáo dục, coi đấy như một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. "Thế giới ngày càng trở nên "phẳng" và mọi thứ đều giống nhau, một dân tộc muốn "nhận diện" được so với các dân tộc khác chỉ có thể dựa vào bản sắc dân tộc và nếu bản sắc dân tộc không còn thì điều đó đồng nghĩa với thảm họa dân tộc ấy sẽ bị xóa sổ, hòa tan". Việt Nam ý thức được vấn đề đó. Tuy nhiên một thực tế dù đã đầu tư cho nền giáo dục nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập trong công tác quản lý, đào tạo cũng như sử dụng nhân lực trong ngành giáo dục.
Đến với cuốn sách, bạn đọc còn được gặp những người thầy giáo đồng thời là những nhà nghiên cứu ở nhiều ngành khoa học và trên hết là tấm lòng với giáo dục đã dành cả cuộc đời mình để có những công trình khoa học có giá trị, đồng thời dìu dắt bao nhiêu thế hệ học sinh, sinh viên, đào tạo các nhà khoa học cho đất nước...
Với rất nhiều những bài viết đầy ý nghĩa và cảm động về những con người, những số phận... đã làm nên một bức tranh tươi sáng về nền giáo dục Việt Nam, cuốn sách Tuyển tập Truyện - ký Giáo dục Việt Nam thực sự là một món quà ý nghĩa dành cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta nhân ngày khai trường sắp tới.
Hạnh Lê