Theo các phương tiện truyền thông, các trang web bán sữa mẹ đang hoạt động sôi nổi vài năm gần đây bởi tỷ lệ sinh của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục từ đầu thế kỷ tới nay.
Li Xixi, một bà mẹ mới sinh con ở Thành Đô, Tứ Xuyên, tiết sữa nhiều hơn nhu cầu của em bé gần hai tháng tuổi của cô. Sau khi cho bé bú, Li vẫn có thể để dành ra 3-4 túi sữa mỗi ngày. "Một ngày tôi thường kiếm được từ hai đến ba trăm nhân dân tệ", cô nói. "Trong 6 tháng đầu sau sinh, nhiều bà mẹ có thể kiếm được hàng chục nghìn nhân dân tệ nếu không gặp vấn đề gì".
Một nhân viên môi giới sữa mẹ cho tờ West China City Daily biết một số bà mẹ có thể kiếm được từ 7.000 đến 8.000 nhân dân tệ (khoảng 23-26 triệu đồng) trong một tháng nhờ bán sữa. Thậm chí có người còn cai sữa sớm cho con hoặc ăn thật nhiều để kích sữa nhằm bán được nhiều sữa hơn.
Hiện nay, nhu cầu về sữa mẹ ở Trung Quốc đang ngày càng tăng. Số trẻ sơ sinh ở nước này trong năm ngoái đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2000 với gần 17,9 triệu trẻ. Gần một nửa trong số trẻ được sinh ra là con thứ hai do Trung Quốc nới lỏng chính sách một con.
Việc buôn bán sữa mẹ cũng bắt đầu manh nha ở quốc gia đông dân nhất thế giới từ sau scandal sữa bột bị ô nhiễm vào năm 2008 làm cho gần 300 nghìn trẻ em nước này bị ốm. Dù Trung Quốc cũng đã mở ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở Quảng Châu vào cuối năm 2013, lượng sữa mẹ vẫn chỉ như "muối bỏ bể".
"Nếu tôi không có đủ sữa, tôi sẽ thích mua sữa mẹ khác hơn vì tôi không tin tưởng vào sữa bột", cô Fang Lu trả lời CNN vào năm 2013.
Tuy nhiên, theo bộ Y tế, có nhiều lo ngại về việc bảo quản sữa mẹ và việc sữa bị phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Nhận thức được các nguy cơ, người mua cũng thường thận trọng yêu cầu người bán cung cấp giấy khai sinh của con và địa chỉ nhà để làm bằng chứng xác nhận nguồn sữa.