![]() |
Anh Đỗ Văn Tân đang trò chuyện. |
Chiếc tàu Qng 7782 TS do ngư dân Võ Hữu Anh ở Nghĩa An làm tài công cùng với 7 người đi bạn đã bị bão Chanchu đánh chìm tan tành giữa khơi xa. Cho đến bây giờ, các bạn chài xấu số vẫn chưa rõ tung tích. Khi bão đang hoành hành, Tân ứa lệ chứng kiến từng bạn chài của mình lần lượt dạt lặng vào biển cả. Theo lời Tân, trong 3 ngày đêm nổi trôi trong bão dữ trước khi được tàu bạn phát hiện cứu sống đưa vào đất liền, anh đã gặp một sự việc kỳ lạ...
Ngay sau khi tàu BP 0911 01 của Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cập bến Cổ Lũy, các y bác sĩ ngay lập tức tiếp cận Đỗ Văn Tân và khẩn trương chuyển lên xe cứu thương thẳng tiến về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu. Trong số 63 ngư dân Quảng Ngãi sống sót sau cơn bão dữ trở về đất liền hôm ấy, Tân là người duy nhất trên tàu Qng 7782 vượt qua được lưỡi hái của tử thần.
Sức khỏe của cậu gần như đã bị suy kiệt đến tột cùng. Dưỡng thương tại bệnh viện, trong làn hơi còn yếu ớt, chàng trai này hồi tưởng lại gần 72 giờ kinh hoàng và kỳ diệu mà mình vừa mới trải qua.
... Vẫn như mọi khi, cùng với 8 người bạn đi trên tàu Qng 7782 TS, tất cả ra khơi vào ngày 17/3 (âm lịch). Trước khi đối mặt với bão dữ, mọi người đã hay tin có bão mạnh ập vào vùng biển Việt Nam. Theo lệnh của bác Anh (tài công Võ Hữu Anh), tàu chuyển hướng sang vùng biển Đông Sa cách hướng đi của bão (theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương trên sóng phát thanh) 120 hải lý. Với kinh nghiệm đi biển lâu năm của bác Anh, nếu có ảnh hưởng thì tàu cũng chỉ chịu tác động sức gió cấp 9, cấp 10. Các anh em rất yên tâm vì đã thoát ra được tâm bão. Không ngờ, bão đột ngột chuyển hướng khiến anh em không kịp tìm nơi trú ẩn lần thứ hai.
Lúc ấy vào khoảng 9h15 phút ngày 17/5 (dương lịch). Sức gió quật mạnh tăng cấp 12. Mọi đường dây liên lạc đều bị chia cắt. Cảm thấy tình cảnh bất an, 8 thuyền viên trên tàu đốc thúc nhau tìm cách chống đỡ. Các cửa tàu được đóng kín. Toàn bộ áo phao và điển (xốp) được dồn về phía sau tàu. Mưa xối mạnh. Sóng dập dồn vụt lên đỉnh tàu liên hồi. Chỉ trong giây lát, nước ngập lênh láng. Mọi người cố tát, tránh để tàu bị chìm nhưng nước ngập càng lúc càng nhiều hơn. Thấy anh em hoảng loạn, bác Anh gào to trong cảnh gió mưa bủa tả tơi: "Hãy bình tĩnh. Các anh em không được nhảy. Nhảy sẽ chết. Còn nước còn tát. Nếu chết thì chết chung".
Trước khi tàu chìm, mọi người định thần lại kịp kết 3 chiếc áo phao, 3 ống điển lại để làm vật bám víu. Khoảng 30 phút sau, anh Dũng Anh đột nhiên bị văng ra trước. Muốn cứu cũng không cứu được và ngay sau đó chẳng thấy bóng dạng anh đâu. Không còn sức để khóc. Chỉ biết ứa lệ. Sóng phủ miết trên đầu. Anh em chỉ kịp thở lấy hơi trong giây lát khi xuống cơn sóng. Mấy ngày trời, ai cũng đã kiệt sức vì lo chống bão. Đói. Mệt. Lo âu.
Các thuyền viên khác trên tàu Qng 7782 TS đến nay vẫn còn mất tích, gồm: Võ Hữu Anh (40 tuổi), Võ Hữu Dũng Anh (34 tuổi), Nguyễn Lách (43 tuổi), Nguyễn Hoành (40 tuổi), Võ Dũng (32 tuổi), Võ Hữu Sanh (17 tuổi, con trai thuyền trưởng Võ Hữu Anh). Riêng ngư dân Võ Hữu Dũng Em (32 tuổi) đã vớt được xác đưa về đất liền an táng vào ngày 25/5. Tất cả họ đều ở Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, gia cảnh hết sức thương tâm. |
Khóe mắt ửng đỏ, lời kể của Tân đứt quãng. Từng tiếng thì thào: "3 giờ chiều. Giông bão ầm ầm. Chùm áo phao bị vỡ tung. 4 người tiếp tục văng ra. Em với anh Chu (tên thật là Võ Dũng, 32 tuổi) cùng bám vào 1 chiếc áo. Chẳng ai nói nổi lời nào. Chỉ biết nhìn nhau. Xẩm tối, 2 anh em với được sợi dây gút nhau lại trên chiếc áo phao. Dập dềnh trong đêm. Đụng phải 1 tấm mốt (vải nhựa), 2 anh em trùm lên đầu che mưa. Thở. Đêm đen, không một bóng đèn. Sóng gió gầm rú hung tợn. Chân chảy máu. Anh Chu khóc, la lên: "Cá cắn anh rồi Tân ơi...!". Em cắn vào tay anh ấy cho đỡ nhức. Cắn chân không được. Anh Chu nghiến răng chịu đựng. Không kịp nói gì, anh chắp tay vái và buông ra khỏi phao. Anh chìm từ từ trong gang tấc. Em cố níu nhưng không thể. Em nghĩ rồi mình cũng bị như ảnh. Sợ. Anh ấy đã giúp em được có cơ hội sống. Anh ấy còn vợ và con ở nhà. Đáng ra anh phải sống. Anh không được bứt khỏi áo phao. Em muốn gào lên với ảnh điều ấy nhưng đã quá muộn. Bão tố vẫn quần thét.
Khuya. Bão vẫn chưa tan. Thấy đèn tàu. Em lội (bơi) mãi vẫn không đến gần. Đứt hơi. Em thả trôi tự do. Nằm ngửa để thở. Mưa xối rát mặt. Nước biển hắt vào cổ họng. Gặp khúc cây to có gốc rễ. Đu vào cây. Gió đánh xoay tròn cây liên hồi. Thả tay. Em dạt ra biển. Một mình".
Đói. Khát. Toàn thân rã rời. Tuyệt vọng. Bão dần tan. Bốn phía ngút ngàn chân trời. Bất thình lình, Tân phát hiện ra có một con cá to như chiếc ghe ngay bên cạnh mình lúc nào chẳng biết. Nghĩ đến anh Chu, Tân sợ bị nó ăn thịt. Nhắm mắt. Tân tự nhủ: "Bố mẹ ơi! Có lẽ con sẽ không còn cơ hội trở về gặp bố mẹ nữa. Bố vẫn hay bảo con nghề đi biển lành ít dữ nhiều. Bố mẹ đừng quá lo nghĩ về con, gắng giữ gìn sức khỏe. Bố mẹ đã thương nhiều, con đội ơn bố mẹ". Xuôi tay chờ chuyện gì đến sẽ đến. Mãi một hồi lâu, con cá vẫn cứ ở gần bên Tân. Thi thoảng nó dạt ra xa một tí, nhô đầu lên khỏi mặt nước. Rồi lại quay gần. Nhìn kỹ, Tân thấy nó giống cá Ông (tiếng lóng của người đi biển, chỉ loại cá voi thường hay giúp ngư dân gặp nạn trên biển). Suốt ngày hôm ấy, con cá Ông cứ lượn vòng quanh Tân.
Một ngày nữa trôi qua. Tân lả đi vì đói, khát. Móc lớp xốp trong áo phao để ăn. Xốp nhai thì mềm nhưng nuốt thì không vô. Vị đắng chát. Nhả ra. Cổ họng khát nước. Tân hớp từng ngụm nước biển. Cổ họng Tân lại khát đắng ngay sau đó. Tiếp tục lênh đênh. Thấy một chai nhựa. Mừng thầm trong bụng. Nghĩ là chai đựng nước ngọt. Tân cố tiến lại gần. Hóa ra là vỏ chai nhựa đựng xà bông (bột giặt). Chắc là của một chiếc tàu nào đó bị chìm.
Đêm thứ hai. Sóng gió vơi dần. Từ xa, bốn ngọn đèn tàu rọi sáng lúc mờ lúc tỏ. Tân xuôi người về hướng ánh sáng. Xuôi hoài vẫn không tới. Chiếc áo rách toang. Lạnh cóng. Tân tự nói với mình: "Các chú tự bơi chứ một mình cháu bơi không nổi". Sau đó, người Tân bỗng nhẹ tênh. Một lần nữa, con cá Ông lại gần. Bên cạnh là một đàn cá nhỏ dày đặc. Tân xoài tay vớt được một con. Ngả lòng bàn tay, con cá lại nhảy xuống mặt nước. Về khuya, xua tay Tân thấy đụng những vật gì mềm mềm. Cầm bỏ vào miệng, cậu nhận ra loài rong biển. Nó đã giúp Tân thoát khỏi cơn đói sau hai ngày vật vã. Tân thiếp đi. Vẫn một mình!
Khi tỉnh dậy, Tân đã được ở trên tàu của một ngư dân người Đà Nẵng. Cậu chẳng hề hay biết gì sau đêm cuối cùng một mình nổi trôi trên biển cùng với con cá voi và đàn cá nhỏ mà cậu đã không nhận ra trong đêm tối. Lương thực, thuốc men tiếp cứu từ tàu Trường Sa 20 của Hải quân vùng 3 đã giúp Tân vượt qua cơn nguy kịch. Bốn năm đi biển, Tân chưa bao giờ đối diện với tình cảnh như thế. Nắm chặt tay người thân, cậu mới tin chắc mình đã bình an trở về sau bão dữ.
Cuộc chuyện trò diễn ra thật ngắn ngủi. Tân bảo không nói được nhiều vì mệt. Độ 5 phút, cậu lại đòi uống nước. Ông Đỗ Văn Đụng và bà Võ Thị Cúc không cầm được nước mắt mỗi khi nhìn ngắm đứa con trai của mình, ông bà đã về nhà chợp mắt sau một đêm thức trắng trông con ở bệnh viện. Người chị gái Đỗ Thị Thủy làm nghề thợ may của Tân mấy hôm trước đã tức tốc rời Nha Trang về nhà trông chờ tin em, nay đang túc trực bên giường bệnh. Hàng chục giờ dạt trôi trên biển, điều kỳ lạ là cơ thể Tân chỉ bị xây xát nhẹ ở một vài điểm. Kết quả chụp X-quang cho thấy hệ thống xương cốt của Tân không hề suy suyển gì. Khi hỏi Tân về ý định sẽ tiếp tục đi biển sau khi xuất viện. Cậu đăm chiêu nhìn và nhỏ nhẹ nói: "Quê em không đi biển biết làm nghề gì để sống! Rồi em cũng sẽ tiếp tục ra khơi...".
Câu chuyện về con cá voi cứu nạn không biết thực hư thế nào, nhưng rõ ràng chuyến thoát nạn của chàng ngư dân 17 tuổi nói trên quả là hy hữu và vô cùng may mắn.
(Theo Thanh Niên)