Ông Hoàng Kiều thăm các cháu thiếu nhi tại một trường mẫu giáo ở Huế. |
Ông Kiều hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Raas (Mỹ). Những ngày này ở Việt Nam, ông đang miệt mài với những chuyến đi làm từ thiện. Chỉ trong vòng một năm qua tổng số tiền từ thiện mà ông thực hiện ở Việt Nam đã lên tới khoảng 30 tỷ đồng. Hoàng Kiều không giấu tham vọng “phấn đấu cho đủ 64 tỉnh, thành trong cả nước đều có nhà tình thương của Raas”.
Chuyện ông chủ Raas hào phóng làm từ thiện đối với người nghèo bắt nguồn sâu xa từ sự đồng cảm sâu sắc của một người đã từng trải qua khó khăn, vất vả, đặc biệt hơn cả là quá trình dài gầy dựng cơ nghiệp.
Năm 1976, Hoàng Kiều đến định cư ở California, Mỹ, với một “hành trang”: vợ, năm đứa con nheo nhóc và… hai bàn tay trắng. Lúc đó, ông mới 30 tuổi. May sao, Hoàng Kiều bắt liên lạc được với Công ty Abbott, công ty mà ông từng làm việc khi còn ở Sài Gòn. Công ty này cử một tiến sĩ da màu phỏng vấn ông. Cuộc sát hạch diễn ra tốt đẹp.
Hoàng Kiều được bố trí làm nhân viên của bộ phận xét nghiệm viêm gan siêu vi B trên các mẫu huyết tương thuộc Abbott. Lúc đó, Abbott là công ty duy nhất được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép được làm dịch vụ xét nghiệm nói trên cho tất cả các công ty trên lãnh thổ Mỹ.
Để hoàn thành công việc, Hoàng Kiều đã phải… chạy như điên. Cứ mỗi sáng, ông dậy từ 5h tranh thủ đưa hai đứa con còn nhỏ đến nhà người quen nhờ trông giúp. Vì cả nhà chỉ có mỗi chiếc xe máy 50 phân khối do nhà thờ cho nên ông phải chở vợ đi làm, xong xuôi lại hối hả chạy thẳng đến trụ sở công ty. Ông làm việc ở đây cho đến tận 12h đêm mới về nhà.
Đổi lại, nhờ sự tháo vát, cần mẫn, chỉ trong một thời gian ngắn ông đã trở thành giám sát viên và đúng một năm rưỡi sau được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách luôn bộ phận này. Ông còn kiêm thêm nhiệm vụ tiếp thị với tổng cộng 70 nhân viên dưới quyền.
Một người châu Á mới sang định cư lên làm sếp và thăng tiến nhanh như vậy là một điều không dễ. Tuy nhiên, Hoàng Kiều đã cho thấy năng lực của mình. Ông không chỉ giúp công ty trong việc tạo nguồn tự chủ về tài chính cho bộ phận xét nghiệm mà còn là người đã sáng chế ra phương pháp thử để đo lường mức độ kháng thể và kháng sinh trên các mẫu huyết tương.
Sáu lít máu tiền vốn
Năm 1980, một sự kiện đã làm thay đổi con đường sự nghiệp của Hoàng Kiều. Công ty Abbott quyết định bán một bộ phận trong hệ thống của mình cho nước ngoài. Hoàng Kiều được đề nghị đầu quân cho công ty đối tác.
Giữa lúc đang phân vân, một người bạn Mỹ vốn là khách hàng của công ty khuyên ông nên mở cơ sở kinh doanh, thay vì bán chất xám của mình một cách không tương xứng. Ông hiểu nhưng cái khó là tiền đâu để khởi nghiệp. Hồi đó, với mức thu nhập 30.000 đôla Mỹ/năm, tất cả ông phải trang trải nuôi gia đình, thậm chí còn thiếu trước hụt sau.
Dịp may đến khi có một công ty đề nghị được bán sáu lít huyết tương chứa kháng thể viêm gan siêu vi B với giá cực rẻ, chỉ bằng 1/10 giá thị trường. Ông quyết định bỏ ra 600 đôla Mỹ mua toàn bộ số huyết tương và sau đấy bán lại được tổng cộng 6.000 đôla Mỹ. “Công ty Raas đã được thành lập nhờ số tiền lời thu được trong thương vụ đầu tay này”- ông Kiều nhớ lại.
Lúc đầu, Raas có chức năng làm dịch vụ xét nghiệm huyết tương, tương tự như công việc Hoàng Kiều từng điều hành ở Công ty Abbott. Không có tiền thuê mặt bằng, có lúc phòng xét nghiệm của công ty phải tá túc ngay trong garage xe của gia đình. Ông Kiều một lúc phải quán xuyến nhiều việc, vừa làm chủ, vừa làm nhân viên xét nghiệm, vừa làm nhân viên marketing… Ông còn “chạy sô” thêm với công việc phụ trách khâu xét nghiệm cho một trung tâm thu mua và bán huyết tương tại California. Trung tâm này còn nhờ ông tìm mối bán hàng giúp với mức huê hồng rất cao.
Lao động cật lực cộng với niềm say mê đã giúp cho Hoàng Kiều tích lũy được một số vốn kha khá. Ông quyết định mở rộng hoạt động bằng cách mua lại một trung tâm thu mua huyết tương. Hàng của Raas bán chạy như tôm tươi.
Hoàng Kiều thừa nhận việc ông từng giữ vị trí giám đốc bộ phận xét nghiệm của Abbott đã tạo một uy tín, thuận lợi đáng kể cho công việc kinh doanh của mình. Trên đà thành công, ông lại mua thêm trung tâm thứ hai, thứ ba… Có lúc, Raas sở hữu đến 11 trung tâm thu mua huyết tương. Rồi ông mở rộng đầu tư vào một khách sạn với tổng vốn lên tới 10 triệu đôla Mỹ.
Từ cuộc gặp với Chu Dung Cơ
Bước ngoặt lớn hơn cả là vào năm 1988, khi Hoàng Kiều quyết định đầu tư vào Trung Quốc. Qua khảo sát, ông nhận ra nhu cầu huyết tương trên thị trường nước này rất lớn trong khi kỹ thuật ở đây lại chưa đáp ứng được. Đó là lý do ra đời Công ty Raas Thượng Hải, liên doanh giữa Raas và Trung tâm Truyền máu và Huyết học Thượng Hải với tỷ lệ vốn góp 50/50-một ngoại lệ ở Trung Quốc vào thời kỳ đó (Theo quy định của Trung Quốc, vốn góp của bên nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 49%).
Đích thân ông Chu Dung Cơ, Thị trưởng thành phố Thượng Hải lúc bấy giờ đã chủ trì cuộc họp bàn về tỷ lệ vốn góp và sau khi nghe “lý lẽ” của phía đối tác nước ngoài, ông đã nhượng bộ. “Hồi đó tôi nói rằng nếu chỉ cho chúng tôi 49%, tức là cổ đông thiểu số thì làm sao chúng tôi có thể cai quản và điều khiển công ty, nhất là đóng góp kỹ thuật tiên tiến cho ngành huyết học Trung Quốc? Cuối cùng tôi cũng đã thuyết phục được họ”, ông Kiều kể lại.
Để chuẩn bị cho các sản phẩm từ huyết tương do Công ty Raas Thượng Hải sản xuất thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hoàng Kiều lập thêm một công ty khác chuyên lo việc thiết lập kênh phân phối. Ông còn tổ chức rất nhiều hội thảo về sản phẩm do ông tự thuyết trình, tự makerting tại các cơ sở y tế. Hình ảnh một ông chủ đích thân đến giới thiệu cặn kẽ, say sưa sản phẩm do mình làm ra đã làm cho Raas Thượng Hải nhanh chóng lấy được cảm tình của khách hàng. Ông muốn cho tất cả mọi người hiểu triết lý không bao giờ thay đổi của Raas, đó là “an toàn, chất lượng và hiệu quả”. Các chế phẩm từ huyết tương của Raas Thượng Hải đưa ra được thử từ 8-10 bước nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong khi hầu hết các chế phẩm được sản xuất theo công nghệ Liên Xô lúc bấy giờ bỏ qua những quy trình này.
Với bước đi bài bản như trên, Raas Thượng Hải đã nhanh chóng chiếm lĩnh 25-30% thị phần và trở thành nhà sản xuất hàng đầu về chế phẩm từ huyết tương tại Trung Quốc, đồng thời được xếp trong top 500 công ty lớn nhất của nước này. Sản phẩm của Raas còn xuất khẩu đi 30 quốc gia khác trên thế giới, trong đó một số sản phẩm như GamaRaas, HemoRaas, AlbuRaas chiếm lĩnh 100% thị trường ở các nước thuộc Trung Mỹ như Costa Rica, Colombia, Guatemela. Với công suất trên 2 triệu lít huyết tương mỗi năm, Raas trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba trên thế giới, đồng thời là một trong 10 công ty trên thế giới sản xuất các chế phẩm từ huyết tương.
Với những thành tích trên, năm 1996 ông Hoàng Kiều đã được chính quyền thành phố Thượng Hải trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự của thành phố Thượng Hải”. Niềm vui càng tăng lên khi cả hai năm 2003 và 2005, ông đều được Quốc hội Mỹ tặng danh hiệu là “Doanh nhân nước Mỹ”.
Cách đây vài tháng, ông đã cho thiết lập văn phòng đại diện đặt tại TP HCM với dự kiến sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất chế phẩm huyết tương tại Việt Nam. “Chúng tôi dự kiến vốn đầu tư cho dự án này khoảng 50 triệu đôla và công suất của nhà máy sẽ khoảng 1-2 triệu lít/năm kèm theo một hệ thống gồm 70 trung tâm thu mua huyết tương. Sản phẩm chủ yếu sẽ phục vụ cho xuất khẩu”- ông Kiều cho biết.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)