![]() |
Cần một chính sách đãi ngộ để thu hút tri thức trẻ. |
Một thạc sĩ công tác tại Viện KHXH-NV TP HCM cho biết, hiện cô và trên 10 đồng nghiệp khoảng tuổi 30 như cô chỉ có thu nhập trên dưới l triệu đồng/tháng. Theo cô, viện là môi trường tốt để những người trẻ như cô được tiếp tục đào tạo và nghiên cứu, nhưng thu nhập như vậy chỉ đủ cho những người làm nghiên cứu sống “cầm hơi”.
Còn anh Nguyễn Văn Thuận, chủ một đại lý thức ăn gia súc lớn ở Long An, sau 3 năm làm giảng viên của ĐH Nông Lâm TP HCM, với thu nhập chưa tới 800.000 đồng/tháng không đủ nuôi bản thân và gia đình, anh đành ngậm ngùi chia tay với đồng nghiệp và học trò để đi làm cho một công ty nước ngoài với mức lương 500 USD/tháng (sau được nâng dần lên l.000 USD/tháng). "Nhờ đó, 3 năm sau tôi mới có đủ vốn mở đại lý này. Tuy nhiên, thật tình tôi luôn nhớ trường, lớp và vẫn thấy mình hợp với nghề dạy học hơn”, anh tâm sự.
Theo một cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, hằng năm viện lại tiễn vài ba người đi làm việc cho công ty nước ngoài. Sự biến động nhân lực luôn diễn ra ở một viện có đến 200 cán bộ này: người mới tốt nghiệp ĐH cứ xin vào, người cũ cứ ra đi.
Những người ra đi lại là những người giỏi chuyên môn và ngoại ngữ, do thu nhập từ bên ngoài cao gấp 7-10 lần. Những người ở lại là những người hoặc tâm huyết với công việc hoặc cũng muốn đi nhưng do ngoại ngữ quá kém, do không không dám đương đầu với sức ép công việc.
Ông Nguyễn Hoàng Kháng, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết, ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp, thu nhập thấp vẫn là tình trạng chung. Một người tốt nghiệp ĐH vào làm một cơ quan hành chính sau khi thi vào gạch chuyên viên, anh ta phải làm nhiều năm, hội đủ một số điều kiện mới trở thành chuyên viên chính với thu nhập chừng l,5 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Anh Tuấn, một chuyên gia về thị trường lao động cho rằng nghịch lý lâu nay là việc trả công không theo quy luật giá trị. Người giỏi vào làm cho khu vực Nhà nước thường chỉ được giao làm công việc đơn giản, không phát huy được khả năng, thu nhập cũng chỉ đủ để cầm chừng.
Một phép tính đơn giản: Một sinh viên ĐH trường công chi ra ít nhất cho một năm học là 5 triệu đồng (học phí, ăn ở, sách vở...). Như vậy, anh ta phải tốn tối thiểu 20 triệu đồng để có bằng cử nhân. Còn ở trường bán công, dân lập thì tốn kém gấp đôi. Thế nhưng ra trường, họ vẫn thất nghiệp hoặc chịu nghịch lý là làm đúng ngành thì thu nhập không đủ sống; làm khác ngành thì kiến thức mai một.
Theo Phụ Nữ TP HCM, chế độ tiền luơng bất hợp lý đã nảy sinh những hiện tượng tiêu cực ở trí thức trẻ: Hoặc bán sức lao động đến mỏi mòn trí lực (như tình trạng chạy show của giảng viên ĐH chẳng hạn) hoặc chạy chọt chung chi vào các đơn vị nhiều bổng lọc và để lấy lại “vốn”, anh ta cũng tiêu cực! Đó là mối nguy hiểm cho cả quốc gia.