![]() |
Một trò chơi thư giãn trong lớp học quay phim của Phan Ý Ly. |
Bộ phim kể về chính cuộc đời của các em, sắp được công chiếu rộng rãi trên sóng truyền hình.
Giữa môi trường tràn ngập rác, cát và nước đục là hơn 50 đứa trẻ từ 7 đến 17 tuổi, hầu hết bị suy dinh dưỡng, mắc các bệnh truyền nhiễm và không được học hành.
Gọi là "làng" cho rầm rộ, chứ ở đây chỉ có 22 hộ gia đình sinh sống trên thuyền và lều lụp xụp. Phan Ý Ly, chuyên viên cố vấn độc lập về sử dụng nghệ thuật và truyền thông trong phát triển con người - xã hội của LHQ, người chịu trách nhiệm cho dự án phim My Life - My View đã chọn 6 em gái (Tâm, Tuyết, Hà, Nhật, Hiền, Nhung) và một em trai tên Bắc để dạy quay phim. Phan Ý Ly kể về ý tưởng của mình thế này: "Qua tìm hiểu, tôi và một số cộng sự biết ở đây trẻ em lao động cực nhọc, cái đói, cái nghèo lên xuống theo mực nước sông Hồng. Cộng đồng này hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương hay các tổ chức phi chính phủ, vì một lẽ đơn giản họ không phải là những người cư trú hợp pháp. Tôi lập ra dự án này với mong muốn sẽ được xã hội biết đến, để trẻ em ở đây biết yêu và phấn đấu cho cuộc sống của mình".
Chiếc máy quay được các em trìu mến đặt tên là Wendy. Wendy làm quen với các bạn nhỏ từ những ngày đầu tháng 3. Có những ngày mưa rét cắt da, Phan Ý Ly cùng các em mặc áo mưa, che ô cho Wendy, đứng trên triền cỏ bờ sông Hồng tập quay phim. "Không sợ ốm, chỉ lo cho Wendy bị ướt thôi", Bắc kể lại. Các em rất thương Wendy, ngày nào cũng lau chùi và nói chuyện với "bạn". Hướng dẫn những đứa trẻ mới học cao nhất là lớp 3 ở hệ bổ túc văn hóa tập dùng chiếc máy quay hiện đại, Phan Ý Ly mất không ít thời gian. Vậy mà đến khi những thước phim cuối cùng được quay vào những ngày nắng tháng 6, bảy đứa trẻ đã thành thạo hết mọi kỹ năng cần có cho một tay máy nghiệp dư.
22 gia đình ở đây đến từ các tỉnh miền Bắc khác nhau. Không có tư cách pháp nhân, thu nhập chính của người dân ở đây thực ra là từ thu nhặt rác thải, và nếu "quen biết" thì họ có thể được đi quét dọn ở một số nơi trong thành phố. Mỗi khi nước sông Hồng lên cao, người lớn và trẻ con có mặt ở "nhà" đều cùng nhau nhảy tùm xuống sông để kéo, đẩy "nhà" lên triền đê. Mọi diễn biến cuộc sống sinh động như thế đều được các em thu vào ống kính. Những ngày được cùng chị Ly dựng các đoạn phim ngắn mà mỗi người đã quay, bạn nhỏ nào cũng háo hức. Bắc chun chun cái chóp mũi đầy tàn nhang cười Tâm khi mang cả máy quay ra chợ Long Biên quay cảnh buộc từng túm quả vải thuê cho lái buôn. Tâm lại cười khanh khách chỉ cảnh Bắc bị mẹ mắng (cảnh do em gái ruột Bắc là Nhung quay). Cuộc sống của các em không phải lúc nào cũng có những chuỗi cười thoải mái như vậy. Những buổi làm thuê của Tâm, của Nhung ngoài chợ Long Biên có khi kéo dài đến 1h sáng.
Suốt 3 tháng làm việc, các em không chỉ học về kỹ thuật sử dụng máy quay mà còn được dẫn dắt nhiều cuộc thảo luận sâu về những vấn đề các em chọn để làm phim tài liệu. Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên do trẻ em Việt Nam thực hiện. Lần đầu tiên các em tự dựng phim về các vấn đề mà các em muốn người khác quan tâm. Quá trình làm phim sẽ rất khác so với một số dự án "phóng viên nhỏ": các em tự chọn chủ đề, tự viết kịch bản, tự quay và biên tập phim.
(Theo Thanh Niên)