Sáng 26/10, Công chúa Mako rời địa vị hoàng tộc khi kết hôn với chồng Kei Komuro, một thường dân, sau hơn ba năm trì hoãn đám cưới. Việc công chúa 30 tuổi, cháu gái Nhật hoàng Naruhito, chấp nhận trở thành dân thường khi tiến đến hôn nhân đồng nghĩa việc Hoàng gia Nhật Bản hiện còn 17 thành viên, bao gồm Thượng hoàng Akihito, Thái hậu Michiko - đều 87 tuổi - và không còn thực hiện các nhiệm vụ. 12 trong số 17 người này là phụ nữ, trong đó có năm người chưa kết hôn.
Theo Kyodo, hoàng thất Nhật Bản bị thu nhỏ sau khi Luật Hoàng gia năm 1947 quy định quyền thừa kế chỉ dành cho nam giới, theo họ cha. Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako cũng chỉ có con gái duy nhất là Công chúa Aiko, 19 tuổi.
Hiện ba người trong danh sách thừa kế ngai vàng của Nhật hoàng Naruhito là em trai ông - Thái tử Fumihito (55 tuổi), Hoàng tử Hisahito (15 tuổi) - con trai Thái tử - và Hoàng tử Hitachi, 85 tuổi, chú của Nhật hoàng. Công chúa Mako, người đổi tên thành Mako Komuro theo họ của chồng sau đám cưới, là con gái đầu của Thái tử Fumihito.
Các quy định Hoàng gia hiện hành cũng yêu cầu phụ nữ hoàng tộc buộc phải từ bỏ địa vị khi kết hôn với thường dân, khiến hoàng thất ngày càng bị thu nhỏ lại.
Hồi tháng 7, một ban hội thẩm về việc kế vị Hoàng gia đưa ra hai lựa chọn để giải quyết vấn đề, cho phép các thành viên nữ kết hôn với thường dân được giữ nguyên địa vị Hoàng gia và những người thừa kế nam giới từ các chi nhánh cũ của gia đình Hoàng gia được nhận vào nội chính bằng cách sửa lại Luật Hoàng gia của Nhật Bản. Trước đó, những thành viên của 11 nhánh cũ có chung tổ tiên với Hoàng gia Nhật Bản khoảng 600 năm trước đã từ bỏ địa vị năm 1947, hai năm sau khi Thế chiến II kết thúc.
Tuy nhiên, những người thủ cựu luôn đề cao việc nam giới nối dõi tông đường rất lo lắng trước đề xuất cho phép phụ nữ được giữ lại địa vị Hoàng gia. Họ cho rằng điều này dẫn đến khả năng một thành viên nữ trở thành người nắm quyền cao nhất.
Bàn luận đến Kei Komuro và cuộc hôn nhân gây tranh cãi của anh với Công chúa Mako, vài thành viên ban hội thẩm cũng lên tiếng phản đối trao địa vị Hoàng gia cho vợ hay chồng và con cái các thành viên Hoàng gia nữ thời điểm này, ngay cả khi các sửa đổi về luật cho phép tiếp tục giữ lại địa vị họ ở hoàng thất, dù kết hôn với thường dân. Ban hội thẩm sau đó nhất trí với chính sách này. Theo dự kiến, họ báo cáo đề xuất về các phương cách nhằm đảm bảo cho một sự kế vị Hoàng gia ổn định lên quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử Nhật Bản vào ngày 31/10.
Hôn nhân của Mako với chồng Kei Komuro gây ra cuộc tranh cãi lớn trong công chúng và bị trì hoãn gần ba năm, sau khi truyền thông liên tục đưa tin về mâu thuẫn tài chính 4 triệu yen (35.200 USD) giữa mẹ của Komuro và cựu hôn phu.
Cuộc hôn nhân sáng nay diễn ra bất thường khi các nghi lễ truyền thống bị hủy bỏ trong bối cảnh dư luận vẫn chưa hết bất bình về khoản tranh chấp tài chính chưa được giải quyết của mẹ Komuro.
Để xua tan những nghi ngờ cho rằng Komuro cưới mình vì tiền, Công chúa Mako từ chối khoản tiền hồi môn 150 triệu yen (hơn 1,3 triệu USD) dành cho các nữ thành viên Hoàng gia khi cưới thường dân để duy trì phẩm giá. Mako trở thành thành viên nữ đầu tiên của hoàng thất Nhật Bản từ chối tiền hồi môn ở thời hậu chiến. Với việc hôn nhân của Mako và Komuro có thể trở thành tiền lệ, một số quan chức lo ngại những người bạn đời tương lai của Hoàng tử Hisahito - em trai công chúa, người đứng thứ hai trong danh sách kế vị - và năm thành viên Hoàng gia nữ chưa kết hôn có thể phải nhận sự giám sát chặt chẽ và chỉ trích tương tự từ công chúng.
Đầu tháng này, Cơ quan Nội chính Nhật Bản tiết lộ Mako đang phải điều trị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-traumatic stress disorder - PTSD) do nhiều năm chịu sức ép từ truyền thông và dư luận về lương duyên của cô với Kei Komuro.
Yuji Otabe, chuyên gia về lịch sử Hoàng gia và giảng viên danh dự ở Đại học Phúc lợi Shizuoka, nói tuy mọi chuyện có thể lắng xuống sau khi Công chúa Mako chuyển đến Mỹ, nơi chồng cô hiện làm việc cho một công ty luật, tác động của chuyện này lên gia đình Thái tử vẫn còn đó.
Hướng Dương (Theo Kyodo)