- Đã lâu không thấy anh đưa mì tôm, đậu phộng luộc hay những món đại loại như vậy vào bài hát nữa ("Bạn tôi", "Tiếng rao"). Phải chăng anh đã ngán chúng rồi? - Chỉ đơn giản là tôi đã qua thời gắn bó với chúng. Tôi là người sáng tác chuyên nghiệp, sống bằng nghề, bởi vậy tôi không cực đoan. Tôi viết nhiều dòng, nhiều phong cách. Những bài hát có mì tôm, có đậu phộng… tôi tạm xếp nó vào dòng hiện thực. Theo dòng này thì không thể dùng thứ ca từ chau chuốt bóng bẩy được, đó là cách đánh lừa cảm giác của người nghe. - Từng có những nhạc sĩ đã đưa vào bài hát của mình cả “cám lợn”, “lợn béo”… nhưng không bị “đánh” dữ dội như “mì tôm” của anh. Anh nghĩ sao? - Tôi suy nghĩ cũng không ngoài cái nguyên nhân mà chúng ta đều biết, và tôi chẳng đau đầu lắm, thời thế mà. Khi đã chấp nhận thời thế thì không nên băn khoăn gì nhiều. Có người nói với tôi là trong sự phê bình (đánh/tha) này có sự nể nang, ganh ghét gì gì đó, nhưng tôi không nghĩ sâu xa như thế. Tôi chọn viết về cái hiện thực nghèo khó quanh chúng ta, và viết một cách chân thực, không tô vẽ màu mè, không đẩy lên thái quá. Còn “thô thiển” hay không, cũng là cách quan niệm của mỗi người mà thôi. Những người quen sống sang trọng, giàu có, nghe những gì êm ái ngọt ngào sẽ khó mà thích được lời ca xù xì, mà rất thực ấy. - Quan niệm chung về âm nhạc thường phải có thêm chức năng thẩm mỹ, hướng con người tới cái đẹp cuộc sống…Còn quan niệm của riêng anh? - Người ta vẫn quen nghĩ thẩm mỹ là phải chau chuốt, ca từ phải tràn ngập ẩn ý, tóm lại là phải dùng nhiều mỹ từ. Tôi nghĩ khác. Thẩm mỹ không chỉ là những thứ phô bày ra như thế, nó còn là những nét đẹp trong tâm hồn, một vẻ đẹp có tính nhân văn và thực tế chứ không chỉ trên lý thuyết. Một bài hát có tác động tốt tới xã hội thì rõ ràng phải có tính thẩm mỹ. Và tác động của mỗi phong cách ca từ, âm nhạc lại khác nhau, những ca từ đẹp có thể khiến người ta cảm thấy vui và yêu cuộc sống hơn, ca từ hiện thực sẽ khiến họ biết nghĩ sâu hơn về cuộc sống, nhìn được vào những góc khuất của cuộc đời trước khi nhìn lại chính mình. Khi bài Tiếng rao được hát nhiều, tôi đã nhận được những lá thư của một số em sinh viên. Các em viết rằng, sau khi nghe bài hát ấy, các em đã biết chi tiêu tiết kiệm hơn. Cuộc sống chẳng phải đang rất cần những người biết nhìn lại mình như thế sao? - Nếu không viết những bài hát “hiện thực” ấy, anh sẽ theo dòng nhạc nào? - Chắc là tình yêu - đề tài muôn thuở. Tôi có nhiều bài tình yêu ngọt ngào ca từ chau chuốt lắm, nhưng tôi chưa tung ra. Ngày trước tôi có bài Miền yêu thương, ca từ rất đẹp, do Thu Phương, lúc ấy đang ở đỉnh cao hát, nhưng chẳng mấy người nhớ đến. Còn mấy bài hát xã hội, hiện thực kia thì cứ tung ra là “thắng”. - Một trong những bài “thắng” ấy có một “nhân vật” xuất hiện bị nhiều người cho là vô duyên, ấy là con ma trong bài "Đừng qua lối đó"... Tại sao anh lại đưa ra nhân vật này? - Xin đừng nghĩ đến ma quỷ hay tưởng tượng xa xôi con ma là cái gì đó đen tối. Bài hát đó nói về một thứ tình yêu kiểu học trò. Cái câu “đừng qua lối đó, có con ma đang rình” là một câu nói đùa của mấy cậu nam sinh với cô nữ sinh. Nó cũng như những câu “Có ma đấy, sợ không?” thôi. Bài ấy về hình thức “hiện thực” và mức độ xù xì còn thua xa mấy bài tôi vừa nhắc tới. Tôi viết ca khúc đó năm học lớp 11, chưa vào học trong trường nhạc, nó hồn nhiên và đúng với những gì chúng tôi trải qua ở cái tuổi ấy. - Sự khác nhau giữa cái đẹp theo quan niệm chung và cái xù xì của anh là gì? - Khi viết một ca khúc lãng mạn - một ca khúc nghệ thuật thì giai điệu và ca từ đều phải đẹp. Còn khi viết bài hát về đời sống sinh viên thì phải gần gũi với chính đời sống ấy. Bây giờ cuộc sống của tôi đã khác với thời là sinh viên nằm ký túc xá nghe tin bão miền Trung mà rơi nước mắt. Lúc này tôi không thể ngồi “bịa” ra cảm xúc mà viết được nữa. - Bài hát gần đây nhất anh đưa vào "bánh quy, trái cây" – "Khi tôi 20", bài “hit” của ca sĩ Đoan Trang – bị nhiều người cho là nhảm nhí? - Bài hát ấy đúng với tâm trạng của những người mới bước vào tuổi yêu. Một chàng trai đến nhà cô bạn gái và không biết nói gì, chỉ vân vê tà áo, nhìn bánh hay trái cây trên bàn mà chẳng ăn… là hình ảnh thường thấy. Vì bài hát nói thay tâm trạng những người trẻ nên những người lớn tuổi hơn dễ “dị ứng”. Tôi nghĩ trong số những người lớn tuổi từng phê phán bài hát ấy là nhố nhăng, là trẻ con, thế nào chẳng có người từng trải qua những cảm xúc như thế. Nhưng có thể họ không cần đến bánh quy hay trái cây mà một thứ gì khác chăng? Một bài hát viết ra không thể nào mong thoả mãn mọi đối tượng, lứa tuổi, loại gu… được. Nếu đời sống âm nhạc chỉ toàn những bài hát “dĩ hoà vi quý” như thế thì mong gì sự phong phú hay phát triển. - Vậy thì tính hợp lý nào cho phép những đại từ nhân xưng suồng sã "mày tao, con này con kia" trong bài hát "Vợ thằng Đậu"? - Bài ấy chê cười thói nhiều chuyện của một số chị em phụ nữ, không chịu làm việc chỉ thích túm năm tụm ba “tán” chuyện suốt ngày. Ca từ phản ánh đúng cách nói của người dân đồng bằng Nam Bộ, dí dỏm vui vẻ chứ không bậy bạ. Ở những bài hát này không thể áp dụng cái nghiêm trang đạo mạo vào được. Thay “Con Út đâu ra đây tao biểu coi” thành “Út ơi ra đây ba biểu nè” cũng chẳng chết ai, nhưng nó không phải là hiện thực, mà khiên cưỡng một cách lộ liễu. Người đồng bằng nghe được họ sẽ cười cái sự khiên cưỡng ấy. - Anh dường như đã "thoát hiểm" khi bài hát "Ước gì" bị lọt vào vòng nghi vấn khi so sánh với một bài hát Liên Xô, nhưng đến giờ này vẫn chưa bị "đụng" đến? - Tôi không làm gì sai để mà trông chờ sự thoát hiểm may mắn. Tôi thấy người ta đã không cẩn trọng khi toan tính đưa bài hát ấy vào danh sách đạo nhạc. Tôi không muốn làm ầm ĩ chuyện đó, bởi dường như họ cũng đã ý thức được sự sơ xuất, vội vàng ấy nên không nhắc lại nữa. Chuyện sáng tác theo phong cách Tây là bình thường, cũng là để âm nhạc phong phú hơn. Không phải cứ đem thang âm ngũ cung vào là đảm bảo tính dân tộc. Tính dân tộc nằm ở trong đề tài, tình cảm và nếp sống người Việt. Các bài hát của Cung Tiến đấy, phong cách cực kỳ Tây nhưng hát lên là thấy ngay Việt Nam, không chỉ ở lời Việt. - Nhiều ca sĩ vẫn nói anh là người "làm hip-hop giỏi". Anh nhận thấy mức độ "giỏi" ấy ở các ca sĩ của chúng ta ra sao? - Phải nói ngay rằng đa số họ chẳng hiểu thế nào là hip-hop hay R&B đâu. Tôi còn thấy không chỉ ca sĩ mà có nhà báo hẳn hoi đáng lẽ viết R&B thì lại viết A&B nữa, làm tôi nghĩ đến nước tinh khiết. Chỉ là một thứ mốt thôi mà, chạy theo mốt thì thường không tỉnh táo. Nhiều ca sĩ còn chẳng biết rõ mình muốn gì làm gì, không biết được thế mạnh của mình ở đâu. Ca sĩ hát theo bản năng quá nhiều, không ý thức đến kỹ thuật. Như thế làm sao biết được trường phái này, phong cách nọ để mà theo, chỉ là bắt chước một cách thô sơ thôi. Họ chỉ hiểu đơn giản là bài này bài kia phối thế nào cho thành hip-hop, mà không biết rằng để có 1 bài như thế cần cả một quá trình sáng tác và tư duy hoà âm song song. Nói chuyện ấy với ca sĩ trẻ là quá nặng với họ đấy, họ không hiểu nổi đâu, nhưng chính họ lại là những người hăng hái nhất với hip-hop. - Cái sự thiếu ý thức về kỹ thuật lại được biện minh một cách hợp lý là "hát bằng cảm xúc"? - Ca sĩ có kỹ thuật vững sẽ ý thức và am hiểu rõ hơn các dòng nhạc đang thịnh hành hay đã từng có trong suốt lịch sử âm nhạc, và như thế họ hát ra đúng “chất” của dòng nhạc mà họ theo đuổi. Những ca sĩ như thế có thể giải mã được những bài hát khó về giai điệu và ca từ. Khi đã giải mã, đã hiểu bài hát rồi thì họ mới có thể hát lên bằng cảm xúc được. Chứ không hiểu gì, hát theo bản năng thì cũng chỉ là một thứ cảm xúc lờ mờ, vay mượn và lặp đi lặp lại thôi. - Như vậy hiện trạng nền âm nhạc hiện nay có nguyên nhân một phần từ mặt bằng tri thức của ca sĩ? - Ca sĩ nhiều người tham lam, cái gì cũng muốn, muốn kiếm tiền, muốn nổi tiếng. Thực ra tri thức của họ chưa chắc đã kém, nhưng họ bị cuốn vào cái guồng gọi chung là thị trường nên khó thoát ra. Họ phải toan tính hát bài gì để người miền Tây thích, bài nào diễn được ở Hà Nội, Thanh Hoá… Bởi thế nên mới có những CD “lẩu thập cẩm”, cái gì ca sĩ cũng muốn nhét vào. Cũng khó mà trách họ được. Tuy nhiên, khi phải trả giá cho việc chạy theo cái guồng ấy nhiều người mới tỉnh ra thì đã muộn rồi. Theo tôi, muốn nâng mặt bằng thưởng thức của công chúng thì trước hết vẫn cần đến những ca sĩ dũng cảm, dám đi con đường riêng của mình. Những album của họ làm ra có thể bán không chạy bằng những ca sĩ khác, nhưng trong đó có sự sáng tạo thật sự và họ kiên trì với những sáng tạo ấy, không chịu những tác động thị phi từ thị trường. Nhưng phải biết xác định con đường của mình sớm, nhất là lúc đang sung sức. Đừng quá ham chuyện bon chen thị trường để rồi lúc hết năng lượng hay hết duyên sân khấu - người ta vẫn gọi đơn giản là hết thời - mới vội vàng tìm đến cái gì mới, lạ. Khi ấy làm sao đủ sức để tự “cứu” mình được. - Sống hoàn toàn bằng nghề nhạc, sinh hoạt của anh thế nào? - Cũng tương đối. Muốn sống bằng nghề nhạc thì phải đầu tư lại cho nó rất nhiều, bởi vậy tôi không giàu được. Không giàu nhưng cuộc sống tương đối thoải mái, buổi sáng đi cà phê nói chuyện nghề với đồng nghiệp, bạn bè rồi về nhà làm tiếp. - Cũng vì để đảm bảo cuộc sống, gần đây xảy ra việc tranh chấp độc quyền bài hát giữa các ca sĩ với nhau, giữa ca sĩ với nhạc sĩ. Anh nghĩ sao? - Trước đây, với một số nhạc sĩ nghề nhạc không đủ nuôi sống nên có người gửi bài hát của mình đi nhiều nơi, bởi vậy khi có chỗ nào đó mua độc quyền họ không thể báo hết cho những người đang sử dụng bài hát đó. Cũng là lỗi của họ thôi. Tôi nghĩ là nhạc sĩ, ca sĩ nên ngồi lại với nhau. Nhạc sĩ đã sáng tác cho ca sĩ nào thì dốc sức làm tốt nhất theo khả năng của mình và của ca sĩ. Và ca sĩ cũng nên có một khoản thù lao xứng đáng với tác phẩm trí óc ấy của nhạc sĩ. |