Hãy thử hình dung một chân dung 8X hiện đại với đầy đủ những “phụ kiện đi kèm”: điện thoại đi động đời mới, máy nghe nhạc MP3, máy ảnh kĩ thuật số, PC Pocket, Laptop, USB...
Điều đáng chú ý là họ dùng chúng để làm gì và dùng như thế nào. Trong khi một bộ phận giới trẻ coi đó là những “thước đo” để “khẳng định đẳng cấp” hay những cơ sở vật chất cần thiết để “biểu dương lực lượng” thì một bộ phận khác lại coi đó là những phương tiện để họ hoàn thiện mình.
Đơn cử trường hợp của điện thoại di động. Qua rồi cái thời giới trẻ đổ xô chạy theo những cơn sốt điện thoại đời mới, giờ đây, phương châm của họ đã thay đổi theo xu hướng “nhỏ, gọn và được việc”.
Nhiều người trẻ “đi làm ăn” đang có xu hướng tìm lại “dĩ vãng”: những con Nokia 8250, 8890; những con Samsung, Motorola “cục gạch” hoặc “xe duyên” với Cityphone... Theo họ “Nó tiện lợi cho giao dịch và dễ tạo thiện cảm với đối tác hơn là những cái máy vừa “khủng” vừa phức tạp.
Còn đối với những người say mê với công nghệ cao, một cái PC Pocket (máy tính bỏ túi), Palm, Dells... cũng giúp đỡ họ đắc lực trong cả học hành lẫn công việc. Bình Dương (K23 - Học viện Bưu chính Viễn thông) nghiến răng “tậu” một cái PC Pocket để nâng “trình” tiếng Anh.
“Mình có thể cài rất nhiều phần mềm học tiếng Anh như từ điển, nghe, trắc nghiệm, text... vừa học mà vừa có thể chơi được”. Còn với Vũ Ngọc Dũng, tốt nghiệp Phân viện Báo chí Tuyên truyền, đang thử việc tại đài truyền hình, một cái Dells cũng làm nên chuyện. Công việc chính là trực âm thanh cho các chương trình truyền hình trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhờ cái máy nhỏ nhắn này.
“Ngày trước toàn phải mượn đĩa của các anh chị về cóp vào máy tính, bất tiện mà khó nhớ. Có nó mình có thể cập nhật được toàn bộ phần nhạc hiệu của các chương trình vào nên lúc nào cũng có thể nhớ được từng đoạn nhạc hiệu cho từng chương trình”, Dũng hào hứng nói.
Đối với dân IT, một cái USB đã trở thành vật bất ly thân. Nhu cầu lưu giữ cũng như cập nhật dữ liệu của “đội” này là rất lớn. Dân báo chí, mỹ thuật cũng coi USB là bạn đồng hành vì những tiện ích của nó. Lê Quý Đông (ĐH KHXH&NV) được mệnh danh là Đông “USB” với cái USB lúc nào cũng lủng lẳng trên cổ kể cả lúc... ngủ.
“Nó giúp mình gửi và nhận bài thuận tiện cũng như cất giữ thông tin tốt. Lên mạng thấy gì hay lại cóp vào đấy, về nhà nghiên cứu”. Với nhiều 8X, được sở hữu một cái máy tính xách tay là cả một giấc mơ. Đinh Tấn Anh (Khoa CNTT- ĐH BKHN) là khách ruột của quán cà phê Wifi trên phố Lý Nam Đế.
Cậu đang thực tập trong một phòng dựng phim, thời gian rỗi đều vác cái laptop ra quán để làm việc thêm rồi đọc báo, chat chit tán gẫu với bạn bè... “Mọi chuyện trở nên rất nhẹ nhàng khi tớ có cái laptop này, có thể làm việc gấp đôi, gấp ba so với thời gian ngồi bên máy vi tính. Chưa kể những tiện ích nó mang lại”.
“Trang sức kinh điển”: Sách
Kinh điển nhưng sách lại đang trở thành một thứ “trang sức xa xỉ” đối với giới trẻ. Đã có quá nhiều lời bàn luận về văn hóa đọc của giới trẻ trong đó việc họ quá lười đọc làm tốn không ít công sức của những nhà giáo dục. Vì thế mà một bộ phận 8X vẫn trung thành với đam mê đọc sách đương nhiên trở thành “của độc”.
Cuốn sách “gối đầu giường” của giới trẻ bây giờ là gì? Có nhiều giả thiết được đưa ra nhưng xem chừng vẫn chưa có kết quả, đơn giản vì người trẻ bây giờ thích khám phá nhiều nguồn thông tin hơn là việc “sống chết” với một cuốn sách nào đó.
“Nghề nào đọc sách nấy” nhưng giới trẻ vẫn có những điểm hội tụ chung. Khi cơn sốt “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã tạm lắng, những độc giả trẻ đang tìm đến với những cuốn sách “khô” hơn nhưng cũng không ít giá trị. Có thể kể ra đây “Cha giàu, cha nghèo” (Rich Dad, Poor Dad) của Robert Kiyosaki, một cuốn sách về nghệ thuật kinh tế rất hữu ích với những ai “mê làm giàu”.
Một bộ phận giới trẻ khác lại đang say mê với những tác phẩm văn mới của các tác giả cùng thế hệ của cả Việt Nam lẫn nước ngoài như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Xuân Thụ. Dương Thu Ngọc (Khoa Toán, ĐH SP) luôn đem theo mình tập thơ “Nằm nghiêng” của Phan Huyền Thư. “Mỗi ngày đọc lại khám phá ra những điều thú vị ẩn chứa trong từng bài thơ. Nó cũng đem lại những hương vị riêng cho cuộc sống của mình”.
Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò, cuốn sách mà giới trẻ cần nhất và dùng nhiều nhất lại chính là cuốn... từ điển. Một cuốn từ điển giắt lưng trong nhà, ngoài đường, trên xe buýt... có vẻ hợp mốt nhất. Tất nhiên là lợi ích của nó thì không ai có thể phủ nhận được.
(Theo Tiền Phong)