Ngày 19/5, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh hai cán bộ y tế ở Điện Biên mặc đồ bảo hộ nằm ngủ bên vệ đường trong đêm cạnh chiếc xe cứu thương. 4h sáng 18/5, khi đi chạy thể dục về, người đàn ông thấy một chiếc xe cứu thương đỗ bên đường, hai người mặc đồ trắng nằm lăn trên vỉa hè. Nghĩ có tai nạn, ông tiến đến lay một người xem có làm sao không.
Thấy có người gọi người đàn ông áo trắng tỉnh dậy, trả lời không sao. Hai người là cán bộ tham gia dập dịch ở huyện Nậm Pồ, trên đường chở người đi cách ly trở về vì quá mệt nên dừng xe nghỉ 15 phút.
Một trong hai người trong ảnh là anh Lò Văn Linh (ở xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), là cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ. Người còn lại là anh Thân (lái xe ở huyện Mường Chà, Điện Biên).
Anh Linh kể từ ngày 15/5, khi Điện Biên có ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tân Phong (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ), anh nhận nhiệm vụ cùng lực lượng y tế xuống xã Si Pa Phìn để hỗ trợ chống dịch. Công việc hằng ngày của anh là vận chuyển những F0, F1 đến khu cách ly, điều trị.
2 ngày đầu tiên tham gia chống dịch, anh và các đồng nghiệp phải thức trắng đêm không được ngủ. Mọi người ai cũng mệt nhưng vẫn động viên nhau cố gắng vì sức khoẻ của người dân.
Đêm 17/5, anh cùng đồng nghiệp tên Thân nhận lệnh chở các F0 xuống Bệnh viện Dã chiến ở trung tâm TP cách ly, điều trị. Lúc này, cả hai đều rất mệt nhưng vẫn cố gắng mặc đồ bảo hộ kín người, bảo đảm an toàn cho mình và người bệnh rồi bắt đầu hành trình. Đến rạng sáng 18/5, khi kết thúc hành trình chở các bệnh nhân F0 về bệnh viện dã chiến, cả hai từ thành phố quay về Nậm Pồ thì quá mệt.
"Tôi thương anh lái xe lắm, bao nhiêu đêm không được ngủ rồi, lúc đi gần hết TP để quay về huyện Nậm Pồ, anh ấy nói thôi giờ chúng ta xuống đây nằm chợp mắt một lúc cho khoẻ rồi đi, anh không thể tiếp tục được nữa. Hai anh em đã tìm một nơi an toàn, yên tĩnh để xuống xe nằm chợp mắt một lúc", anh Linh kể.
Được hỏi vì sao không ngủ trên xe cứu thương, anh Linh bảo xe cứu thương khi dừng lại không có gió nên rất nóng, trên xe không được bật điều hoà. Anh và lái xe lại mặc đồ bảo hộ kín mít nên chọn ra vỉa hè để chợp mắt.
Nghỉ ngơi một lúc, hai người tiếp tục hành trình quay trở về Nậm Pồ.
"Khi hình ảnh của tôi và anh Thân được chia sẻ lên mạng, bố, mẹ và vợ tôi cũng như mọi người rất thương, bảo sao không về nhà ngủ. Nhưng tôi nghĩ mình đã tham gia chống dịch thì phải tuân thủ theo quy định, mỗi lần đi làm qua nhà, dù rất muốn về nhưng vẫn cố gắng vượt qua", anh Linh chia sẻ.
Anh Linh cho rằng anh may mắn được hậu phương vững chắc là gia đình động viên, chia sẻ và thông cảm cho công việc. Tuy không được về nhà nhưng mỗi khi rảnh, anh lại gọi video về để gặp vợ con.
Nhìn thấy những bức hình chụp chồng và các đồng nghiệp buộc phải dừng xe ngủ ngay ở vệ đường trong đêm, người vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, chị Hồng Nhung (vợ anh Linh) không kiềm được nước mắt.
Theo lời người vợ, chồng chị nhận nhiệm vụ từ chiều 15/5, đến nay đã 4 ngày không về nhà. Vừa nhớ vừa thương chồng, chị Linh chẳng thể ngủ ngon.
"Lắm khi anh đi trực gác đêm, mình cùng nằm ở nhà đợi anh nhắn tin hoặc gọi điện về. Hôm nào không thấy anh gọi lại lo lắng vô cùng", chị Nhung nghẹn lời.
Anh Linh làm cán bộ tại trung tâm y tế huyện Nậm Pồ, tham gia chống dịch từ đợt dịch 3, Tết vừa rồi anh buộc phải thực hiện cách ly, không được về nhà. Đến dịch đợt 4 anh tiếp tục lên đường, biết đó là công việc và trách nhiệm của chồng nhưng chị Nhung chưa bao giờ thôi lo lắng.
Dịch bệnh tại Điện Biên có diễn biến phức tạp, mọi người dân tại xã Nà Hỳ đều tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc. Ngày ngày chị Nhung luôn đợi chồng gọi điện về. Nhìn gương mặt gầy và sạm đi của chồng qua màn hình điện thoại, người vợ không khỏi xót xa.
"Chồng mình mới đi được 4 hôm mà sút mất 3 kg. Anh cùng các đồng nghiệp liên tục phải đón tiếp các F, sau lại phun khử khuẩn, đưa F0 đến nơi cách ly, công việc thâu đêm suốt sáng. Trong khu cách ly tập trung có cả thảy 5 cán bộ, phục vụ cho khoảng 200 người bao gồm cả người lớn đến trẻ em. Những bữa cơm muộn, ngủ không đủ giấc là điều không thể tránh khỏi".
Thấy chồng vất vả, người vợ cũng chuẩn bị vài món đồ khô như lạc rang, ruốc thịt, tép... định trong hôm nay sẽ gửi xe từ thiện chuyển xuống điểm trường Tiểu học Tân Phong cách nhà chừng 40 km cho chồng.
Mỗi lần chồng gọi điện thoại về nói nay có thêm F0, chị Nhung lại quặn lòng. Các F0 toàn em nhỏ, có những cháu mới 2-3 tuổi, số ca bệnh ngày càng tăng khiến đường về nhà của mọi người ngày càng xa hơn.
"Giờ mình chỉ mong dịch bệnh mau hết, các chiến sĩ, đội ngũ cán bộ y tế cố gắng giữ gìn sức khoẻ, vững niềm tin để dịch sớm qua, để các gia đình lại đường đoàn tụ", chị Nhung bày tỏ.
Đăng Khoa