“Việt Nam vào WTO rồi”! Anh bạn gọi điện thoại thông báo với giọng điệu hết sức hồ hởi. Tôi chưa kịp cảm xúc gì thì anh nói tiếp luôn một mạch: “Tụi mình phải làm cái gì đi chứ? Sân chơi toàn cầu rồi… nếu cứ làm ăn cò con như bây giờ thì chết…”. Tôi hoa cả mắt, nhức cả tai nhưng cũng ráng hòa nhịp để anh bạn không cụt hứng! “Ừ nhỉ...”. Nói gì với hắn đây, thôi tốt nhất là hoãn binh: “bữa nào cà phê đi, thứ 7 nhé?”.
Ngồi quán cà phê quen thuộc, sau một hồi phát biểu đủ loại chúng tôi lại trở về thói quen hàng ngày... đọc báo. “WTO ra biển bắt cá lớn”, “WTO diễn đàn cơ hội và thách thức”... tràn ngập chủ đề WTO trên báo chí. “Reng, reng”, anh bạn bắt máy di động, vẻ mặt chăm chú và bực mình... đứng lên cáo lỗi phải về công ty có chuyện đột xuất! Thì ra lô hàng mới xuất xưởng bị lỗi và công ty không có ai giải quyết nên anh phải về. Câu chuyện WTO tĩnh lặng đôi chút và tôi quyết định bỏ tờ báo xuống thả hồn theo bản nhạc Happy New Year và hồi tưởng khoảng thời gian làm việc “có vẻ toàn cầu” 5 năm về trước...
“Think global, act local”
“Think global, act local” (Tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương) là khẩu hiệu cửa miệng của nhóm 6 người chúng tôi, mỗi người một quốc tịch: Hong Kong, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Australia, Việt Nam và sếp người Hà Lan. Khi mới gia nhập nhóm, tôi thật sự bỡ ngỡ về tầm nhìn rộng của các thành viên trong đội. Họ có thể thao thao bất tuyệt từ những chuyện Trung Đông cho đến xứ sở chuột túi, văn hóa và sự khác biệt của đạo Hồi, đạo Tin lành và Thiên chúa giáo, rồi đến hành vi tiêu dùng, các thương hiệu và sự phát triển của các ngành công nghiệp... của từng quốc gia. Thú thật là tôi phải chịu đựng những buổi ăn trưa như thế với vốn tiếng Anh tương đối, chỉ cho phép hoặc nghe toàn bộ câu chuyện mà không ăn hoặc ngược lại. Tôi tự nhủ thôi không sao, mình chỉ cần làm tốt công tác chuyên môn là được.
Buổi họp đánh giá thị trường khu vực và định hướng chiến lược bán lẻ bắt đầu. 40 nước lần lượt được cho điểm qua hàng loạt các tiêu chí: độ hấp dẫn của thị trường, tiềm năng tăng trưởng, xu hướng tiêu dùng, các rủi ro tài chính... và điểm yếu của tôi bắt đầu lộ diện. Tôi không đủ các thông tin “lung tung” để có thể đánh giá tốt, trong khi các đồng nghiệp tôi nhanh chóng trao đổi và thực hiện tương đối dễ dàng. Lúc này tôi thấm thía những câu chuyện gọi là “lung tung” có ích như thể nào trong cuộc chơi toàn cầu. Lấy cớ “không được khỏe” tôi xin về nghỉ và nộp bài vào hôm sau (giữ sĩ diện thôi), nhưng thật ra cả buổi tối ngồi lì ở Internet để tìm kiếm những tin tức “lung tung”.
Thương hiệu Việt khi tham gia sân chơi toàn cầu cũng như thế. Người lãnh đạo cũng cần nắm vững không chỉ thị trường, cạnh tranh mà còn cả những yếu tố tưởng như “lung tung”, từ đó mới có tầm nhìn và so sánh các thị trường một cách toàn diện. Cần phải tập làm quen dần với những kênh thông tin toàn cầu như Internet, quen dần với các tạp chí trước đây chưa từng nghĩ đến như Times, Business Week, Financial Times... Những kiến thức và thông tin đa dạng này sẽ rất hữu ích trong việc nhận định cơ hội kinh doanh toàn cầu.
Nền tảng giá trị thật
Trở lại câu chuyện WTO trong quán cà phê sao bỗng thấy trái ngược lẫn lộn. Những vấn đề quá vĩ mô của WTO dường như được anh nói say sưa và trôi chảy lại hoàn toàn trái ngược với những lỗ hổng của hoạt động công ty thường ngày: nhân viên nghỉ việc, sự cố trong sản xuất, quản trị phụ thuộc giám đốc...
WTO có nghĩa gì cho công ty? Với những công ty đã sẵn sàng về nội lực và nền tảng, thì quả là một cơ hội tốt. Chiếc thuyền đã hoàn hảo rồi thì ngại gì không lao ra biển lớn một khi cửa sông đã mở. Tuy nhiên, có được bao nhiêu chiếc thuyền có thể đến cửa sông? Hoặc bao nhiêu thuyền có thể đến cửa sông nhưng còn xộc xệch? Hay dù cửa sông đã mở cũng chẳng đi được bao xa và chẳng biết bao lâu sóng sẽ đánh chìm? Phần lớn các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đều ở trạng thái như vậy.
Một con thuyền không tốt thì dù không ra biển lớn cũng sẽ bị những con nước lớn ở biển tràn vào đánh sập. Vấn đề bức xúc nhất của người lãnh đạo vì thế, chính là suy nghĩ và hoạt động chuyên nghiệp của DN hơn là việc tiêu tốn thời gian vào tìm kiếm thông tin WTO một cách say sưa mà quên mất việc nhà. Có thể bạn đủ chiêu thức để chiêu dụ khách hàng ký hợp đồng, nhưng rồi sau đó? Công ty bạn có đủ tiềm lực đáp ứng các cam kết không? Nếu bạn muốn đóng những con tàu lớn để ra biển thì trước tiên bạn phải có khả năng hoàn thiện chiếc thuyền nhỏ trong hiện tại. Nếu không thì bạn có thể đóng thêm một con tàu lớn để ra khơi bắt cá to, nhưng kết quả thì ngược lại bạn sẽ chẳng bắt được con cá nào vì cả hai con thuyền đều không vững và rồi sẽ tan vỡ trước những cơn sóng hết to lại nhỏ.
Chuyên nghiệp là cốt lõi
Với tôi, khoảng thời gian làm việc “toàn cầu” quả là thấm thía về hai chữ chuyên nghiệp. Trong nhóm làm việc chiến lược, tôi may mắn được cử vào đội dự án với các chuyên gia tư vấn của tập đoàn McKinsey & Company. Những ấn tượng ban đầu như họ giỏi tiếng Anh, phong cách giao tiếp chuyên nghiệp nhanh chóng qua dần và được thay thế bởi sự hụt hẫng. Tại sao các chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới lại hay hỏi những câu hỏi nghe chừng “vớ vẩn” thế? Tư vấn thì phải biết chứ sao lại hỏi?
Dù là một thành viên của nhóm dự án, nhưng thú thật là tôi đã gây không ít khó khăn cho các thành viên vì những câu hỏi mang tính đánh đố kiến thức của mình. Không như tôi nghĩ, họ không giận, cũng không bực mình mà vẫn kiên nhẫn trao đổi và giải thích để mọi người hiểu nhau hơn. Còn tôi, hăng tiết được một số ngày đầu, rồi đuối dần theo chiều dài dự án. Ngẫm thấy, nó khá giống phong độ của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Có sự khác biệt. Họ chậm nhưng chắc chắn hơn. Chuyên nghiệp của họ không thể hiện ở “sự thông minh và lanh lợi” mà người Việt vốn khá tự hào. Nhưng họ bài bản, kiên nhẫn, ổn định, đồng đội và kỷ luật với chính mình. Họ có thể không thắng trong những thành tích ngắn hạn, nhưng nền tảng chuyên nghiệp giúp họ về đích trong những chuyến đi đường trường. Các DN vì thế cũng dễ nhận thấy đâu là điều quan trọng khi vào WTO. Đành rằng cần phải tranh thủ nắm bắt cơ hội vì Việt Nam đã khá chậm với sân chơi này, nhưng đừng vì thế mà quên đi điều quan trọng cốt lõi: “sự chuyên nghiệp”.
Sáng tạo không biên giới
Mất gần một năm làm việc, tôi mới thật sự hòa nhập vào môi trường gọi là “toàn cầu”. Tôi đã có thể xóa khoảng cách trong giao tiếp gồm cả văn hóa vừa ăn vừa nói, cũng như phối hợp trong công việc. Một khi hòa nhập với môi trường “toàn cầu”, tính sáng tạo của người Việt giúp tôi rất nhiều. Các thành viên trong đội chuyển từ lắc đầu sang tìm kiếm tôi cho những giải pháp. Và tôi rất vui vì đã thay đổi được suy nghĩ của các chuyên gia nước ngoài về người Việt Nam.
Nên chăng, DN Việt Nam cần xóa những khoảng cách để tiến tới chuyên nghiệp trước, một khi đạt được nền tảng chuyên nghiệp rồi thì mạnh dạn sáng tạo để tạo ra những giá trị riêng của mình. Đành rằng WTO là sân chơi của các công ty và tập đoàn lớn, nhưng không vì thế mà chùn bước. Nếu lấy sáng tạo làm vũ khí thì sẽ không ngại trở lực nào, vì sáng tạo vốn không biên giới.
(Theo Doanh Nghiệp và Thương Hiệu)