- Vì sao ông tuyên bố toàn bộ tài sản của cá nhân ông thuộc về cậu con trai Huỳnh Hằng Hữu?
- Tôi đã xây dựng một ngôi đền tại Khu Du lịch Đại Nam. Tôi ước nguyện sẽ có ai đó thay tôi để giữ gìn và bảo tồn. Thú thật, tôi rất mơ ước có được một đứa con trai. Ngày mồng một Tết, vợ chồng tôi đã vào đền Đại Nam thành tâm cầu xin Trời Phật. Chúng tôi coi cháu như một món quà mà Thượng Đế đã ban tặng và ý tưởng của 17 ngôi đền đã ra đời.
- Ông nói có nhiều điều kỳ diệu xảy ra xung quanh mình. Vậy ông có thể giải thích về việc này không?
- Tôi rất tin vào Trời Phật, vào nhân quả cho nên chính tôi là người ngộ ra đâu là nhân, đâu là quả. Khi thực hiện những việc này, nó như một lập trình được sắp sẵn, cũng như tôi đã thực hiện một khu du lịch mà nhiều người từng biết qua.
- Với khối tài sản khổng lồ như vậy, tại sao ông chỉ dùng để xây đền?
- Trên đời này có hàng nghìn việc để làm, tôi chọn việc xây đền và để cho con trai tôi tiếp tục giữ gìn là vì muốn văn hóa Việt được sống mãi. Theo tôi, việc này khó hơn nhiều vì khi sinh nó ra thì phải nuôi dưỡng và giữ gìn cho thật tốt để thể hiện lòng biết ơn đối với đồng bào dân tộc. Đó là cả một quá trình xây dựng và gìn giữ chứ không phải như những việc khác, cho rồi thì hết.
- Con trai ông còn quá nhỏ, vì sao ông lại đưa cháu vào con đường, theo ông nói, là tâm linh?
- Tôi không phải là thánh thần để thực hiện tất cả những việc đã làm, vì vậy tôi đã nói có những điều kỳ diệu xảy ra xung quanh mà không thể giải thích, được gọi là “thiên cơ bất khả lộ”. Cho nên khi cháu ra đời, đối với tôi là điều kỳ diệu, là một ánh sáng thực sự cho tôi thấy có Trời, có Phật, có Thiêng Liêng và ý tưởng ngày càng xuất hiện, chắc chắn cũng không giống ai. Như ước nguyện, tôi tin chắc con trai cũng sẽ cùng tôi dấn thân vào việc xây dựng, tiếp tục sự nghiệp gìn giữ các ngôi đền tiếp theo.
- Vì sao ông lại tuyên bố toàn bộ khối tài sản đó cho con trai ông để làm việc thiện? Ông đã có nhiều con, kể cả có con trai, tại sao giờ ông lại cầu xin Trời Phật cho một đứa con trai và rồi giao hết tài sản cho cậu bé một tuổi này?
- Tôi đã nuôi con qua tuổi trưởng thành trước khi ly hôn. Hai cháu lớn đã có gia đình và có con. Còn một cháu gái năm nay 24 tuổi. Tôi đã làm những gì tốt nhất cho vợ con. Thời điểm đó tôi rất khó khăn, một mất một còn, bị bao vây kinh tế và tất cả mọi người đã quay lưng với tôi. Tôi đã cố gắng thực hiện nghĩa vụ làm cha, làm chồng rồi đã ly hôn hợp pháp. Cho đến giờ phút này, các con và vợ trước đều không có điều gì để phiền đến tôi và chính lương tâm của tôi cũng thanh thản.
Thời điểm xây Khu du lịch Đại Nam, có nhiều biến cố xảy ra khiến tôi rất đau buồn. Mỗi gia đình có một nỗi niềm riêng. Ai ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tôi đã vượt qua được tất cả. Tôi đã làm hết những gì có thể đối với vợ cũ và các con của tôi.
Sau những biến cố xảy ra với gia đình, tôi từng ao ước có được một đứa con trai mà đứa con đó sẽ làm được việc tiếp nối giữ gìn Đại Nam trường tồn. Mà nói thật, cũng không phải nhất thiết là con của tôi, dù là con của một người nào đi nữa mà có nhân duyên, thuận duyên thì tôi cũng sẽ trao cho người đó gìn giữ Đại Nam. May mắn một điều là tôi không phải đi tìm kiếm.
Tôi xin nói thêm, để có ngày hôm nay, tôi và vợ hiện giờ cũng đã nỗ lực hết sức để vượt qua biết bao sóng gió phũ phàng để tự mình giải thoát, tìm được cuộc sống bình yên. Cháu Huỳnh Hằng Hữu đã ra đời theo ước nguyện nên chúng tôi vô cùng biết ơn Trời Phật. Vào cuối con đường lại thấy một ánh sáng, đó là điều tâm linh mà tôi không thể giải thích được. Vì thế, con trai tôi sẽ tiếp tục làm những việc mà cha mẹ nó không còn thời gian và sức lực để làm. Tôi hướng cho con trai tôi đi theo tâm nguyện như một sự biết ơn với Trời Phật.
Với cuộc đời này, tôi đã trải qua biết bao nhiêu sự sống còn nên mới cảm nhận hết mùi vị của cuộc đời. Chúng tôi cố gắng giữ gìn không cho cháu Hữu lao vào thương trường để phải nếm trải khó khăn.
- Vậy thì ai sẽ quản lý khối tài sản đó và hình thành ra sao?
- Tôi đã thành lập một Hội Đồng giám sát (HĐGS) theo dõi công việc và giữ gìn tài chính. Con trai tôi sẽ là ông chủ nhỏ nhất nhưng chức vụ to nhất (cười), đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau đó là tôi - Tổng giám đốc, tiếp theo là vợ tôi cùng 7 nhân sự khác là các thành viên HĐGS. Ngoài ra, còn có 2 nhân viên kế toán và một luật sư để giám sát cho công việc này. Tôi trao cho cháu tất cả niềm tin yêu cao cả nhất, thiêng liêng nhất khi cháu vừa tròn một tuổi.
Số tài sản này sẽ là tài sản dùng để làm việc thiện do con trai tôi là Chủ sở hữu, được tôi là Huỳnh Uy Dũng và vợ là Nguyễn Phương Hằng cùng các thành viên HĐGS; không cá nhân nào được tranh chấp, đòi hỏi phân chia theo luật pháp.
Đến khi con trai đủ 18 tuổi thì tôi hoặc vợ sẽ quyết định cho cháu được toàn quyền quyết định trong công việc. Riêng về tài chính không được sử dụng cho mục đích gì khi chưa có ý kiến của cha hoặc mẹ. Toàn bộ số tiền sẽ do tôi hoặc vợ có ý kiến sử dụng cho mục đích gì và có thông qua HĐGS. Tất cả phục vụ cho việc thiện nguyện.
- Nhiều người ước đoán tài sản của ông lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, ông có thể cho biết chính xác là bao nhiêu không?
- Mọi người đến Đại Nam hẳn thấy tôi đã ghi câu: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”. Kể cả đến bây giờ tôi cũng không biết tài sản của tôi là bao nhiêu. Nhưng mà nó chỉ là vật chất, tài sản của tôi có hai phần, tài sản thứ nhất là vật chất và tài sản thứ hai là phúc đức. Có bao nhiêu, tôi muốn gửi gắm lại cho con tôi để biến tài sản thành phúc đức. Bởi mọi người trên thế gian này khi nhắm mắt không mang theo được thứ gì mà chỉ mang theo được, một là phúc đức do mình tạo ra và hai là nghiệp chướng, tội lỗi mình gây nên thôi. Vì thế, tôi nguyện dâng hiến hết những cái tôi có để phục vụ cho công tác từ thiện.
Một phần tài sản tôi dành cho việc xây 17 ngôi đền cho đất nước, số tiền còn lại sẽ dành giúp cho những điều thánh thiện nhất. Chứ tôi không dành tài sản cho con tôi để nó làm giàu. Tôi chọn một đứa con để nó giúp cho tôi thực hiện hoài bão, ước mơ, tâm nguyện làm những điều thiện nguyện mà tôi đã hằng mơ ước.
Theo Dân Việt